23/12/2024

Chúa Nhật XXV TN B 2021: Người phục vụ mọi người

Trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, chúng ta rất cần những người phục vụ: từ phục vụ tại quán ăn cho đến người phục vụ công ích, mà thường được gọi là “đầy tớ của nhân dân”. Trong lĩnh vực tôn giáo cũng cần những “đầy tớ” như vậy, từ giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân tự xưng là “đầy tớ”, cho đến giáo hoàng là “đầy tớ của những đầy tớ”. Nhưng các người ấy thường phục vụ với thái độ nào và người đầy tớ của Đức Kitô phải phục vụ như thế nào, cũng là những vấn đề chúng ta nên lưu ý.

Chúa Nhật XXV TN B 2021

Người phục vụ mọi người

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, chúng ta rất cần những người phục vụ: từ phục vụ tại quán ăn cho đến người phục vụ công ích, mà thường được gọi là “đầy tớ của nhân dân”. Trong lĩnh vực tôn giáo cũng cần những “đầy tớ” như vậy, từ giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân tự xưng là “đầy tớ”, cho đến giáo hoàng là “đầy tớ của những đầy tớ”. Nhưng các người ấy thường phục vụ với thái độ nào và người đầy tớ của Đức Kitô phải phục vụ như thế nào, cũng là những vấn đề chúng ta nên lưu ý.

1. Những dạng phục vụ khác nhau

Phục vụ, theo từ điển định nghĩa, là làm phần việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích chung hay làm công việc giúp ích trực tiếp cho sinh hoạt vật chất hoặc văn hoá, tinh thần của người khác. Thí dụ, ta vẫn thường nói: “nhân viên hết lòng phục vụ khách hàng. Bác sĩ tận tâm phục vụ bệnh nhân. Thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt 2013, mục từ Phục vụ, tr.1020).

Trong thực tế đời sống, chúng ta gặp những người phục vụ với nhiều thái độ trái ngược: người thì vui vẻ, ân cần, hoà nhã, tận tâm; người lại cau có, cộc cằn, hống hách, hững hờ. Khác biệt này bắt nguồn trước hết từ sự nhận thức của người phục vụ biết mình là ai và biết người được mình phục vụ là ai, cũng như họ có giá trị gì trong cộng đồng xã hội.

Có những người, dù chỉ là nhân viên bảo vệ, giữ cửa của một cơ quan công quyền, nhưng lại hống hách, nạt nộ những ai đến cơ quan, nhất là những ai không đủ điều kiện quy định, vì họ nghĩ mình là đại diện cơ quan, đang bảo vệ luật pháp. Có những người làm trong các tổ chức từ thiện bác ái thường cau có, cộc cằn với những người tới xin giúp đỡ, vì nghĩ mình là người ở vai trên, có quyền ban phát, bố thí cho những người ở vai dưới. Vì thế, người ta phải khúm núm, năn nỉ mới vừa lòng họ. Ai làm họ bất bình là nhận ngay thái độ lạnh lùng, bất hợp tác của họ.

Hơn nữa, vì có nhiều loại công việc phục vụ khác nhau, nên cũng có nhiều thái độ khác biệt. Có những công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ, dễ dàng, hưởng lương cao nên ai cũng muốn làm, như nhân viên tiếp tân, điều hành, quản lý. Nhưng cũng có những công việc vất vả, bẩn thỉu, đòi nhiều hy sinh, thù lao thấp nên thường ít ai muốn nhận như quyét dọn vệ sinh, lau rửa chén đĩa, nấu nướng món ăn… Một số người vì bất đắc dĩ phải làm các việc đó nên cảm thấy bực bội, không hài lòng về công việc, thậm chí còn xấu hổ không dám nói ra nghề nghiệp mình làm.

Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng trong sự phân công của xã hội, mỗi người đón nhận một phận vụ khác nhau: dù là giám đốc hay nhân viên, thủ tướng hay dân thường, thì tất cả đều làm vì công ích, hướng tới hạnh phúc, bình an, thịnh vượng, ổn định cho mọi người nên đều được đánh giá tốt như nhau. Xét về mặt tinh thần và đạo đức, Thiên Chúa cũng không đánh giá sự phục vụ của con người theo công việc cao thấp, nhưng căn cứ theo những tiêu chuẩn khác là lòng tin và tình yêu mà ta sẽ bàn tới sau này.

Cuối cùng, có những việc phục vụ đem lại lợi lộc, vinh quang, niềm vui, danh dự nên ai cũng muốn làm, như giữ một chức vụ cao trong công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức và trong cả Giáo Hội. Nhưng có những công việc đòi hỏi hy sinh, mất mát, đối mặt với hiểm nguy, thử thách, thậm chí bị hiểu lầm, khinh miệt, sỉ nhục, giết hại như các chiến sĩ ở tuyến đầu tổ quốc, như bác sĩ và nhân viên y tế phục vụ trong các khoa cấp cứu lây nhiễm dịch bệnh, những điệp viên giả danh trong lòng địch, những nhà khoa học nghiên cứu trong môi trường độc hại. Đối với những công việc này, cần phải có tâm hồn quả cảm, dám hy sinh vì đại nghĩa, vì tương lai của dân tộc và nhân loại thì mới dám đón nhận để trở thành “đầy tớ” phục vụ mọi người.

Do đó, trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, không thiếu những ghen tương, tranh chấp, xung đột và cả chiến tranh giữa những thành viên như thánh Giacôbê nói đến trong Bài đọc II (x. Gc 3,16–4,3). Muốn có hoà bình, ổn định, hạnh phúc ta phải biết phục vụ theo những nguyên tắc căn bản. Còn nếu muốn việc phục vụ có giá trị vĩnh hằng, ta phải phục vụ như Đức Giêsu.

2. Phục vụ mọi người

2.1. Bốn nguyên tắc hành động

Phục vụ là một hành vi xã hội. Vì thế, muốn phục vụ tốt, chúng ta phải theo 4 nguyên tắc: nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới. Bốn nguyên tắc này gắn bó chặt chẽ với nhau và hình thành nên một thể thống nhất, trong đó nguyên tắc nhân vị là căn bản.

Nguyên tắc Nhân vị (x. HTXHCG, số 105-159; Docat, số 47-83) nhắm đến chủ thể phục vụ và đối tượng là người được phục vụ: cả hai đều là những con người có nhân phẩm cao quý vì được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, nên phải tôn trọng và phục vụ nhau như anh chị em của đại gia đình nhân loại.

Nguyên tắc Công ích (x. HTXHCG, số 164-184; Docat, số 87-94): mọi hoạt động phục vụ phải nhắm đến công ích, thay vì chỉ tìm tư lợi cho cá nhân, tập thể, thậm chí cho dân tộc riêng biệt. Công ích là toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển của mình cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Công ích của việc dạy học không phải là tiền lương trả cho người dạy nhưng là việc giáo dục con người.

Nguyên tắc Bổ trợ (x. HTXHCG, số 185-188; Docat, số 95-99) nhắc nhở chủ thể hành động hay người phục vụ không được trực tiếp làm thay cho cấp dưới, mà chỉ hỗ trợ để cấp dưới có thể tự làm với cố gắng và sáng kiến của mỗi người, vì thế được gọi là sự “hỗ trợ bổ túc”. Thí dụ thầy giáo không làm bài thay cho học sinh. Nhà nước không làm thay cho nông dân, không sản xuất hàng hoá thay cho công nhân, không buôn bán thay cho thương nhân, rồi cung cấp mọi mặt hàng cho người dân bằng chế độ tem phiếu, nhưng để cho mọi người hành động và chỉ can thiệp khi cần thiết.

Nguyên tắc Liên đới (x. HTXHCG, số 192-196; Docat, số 100-103) đòi hỏi mọi người phục vụ, khi nhắm tới công ích, đều ý thức làm với tất cả trách nhiệm và khả năng của mình vì liên đới với mọi người, mọi vật quanh mình: mình vì mọi người, mọi người vì mình.

2.2. Phục vụ như Đức Giêsu

Bốn nguyên tắc trên đây giúp chúng ta hành động đúng đắn và tốt đẹp trong cộng đồng xã hội theo đúng đạo lý của con người. Tuy nhiên, vì là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, nên người tín hữu còn được mời gọi phục vụ mọi người như Đức Giêsu mà bài sách Khôn Ngoan (x. Kn 2,12.17-20) và bài Tin Mừng (x. Mc 9,30-37) muốn diễn tả.

Trước hết, chủ thể phục vụ và đối tượng được phục vụ, không còn chỉ là những con người với nhân phẩm cao quý, nhưng là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đều là thành phần trong thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi phục vụ, chúng ta phải có những tâm tình của Đức Kitô: “Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đức Giêsu loan báo cho môn đệ biết hành động phục vụ Người sắp làm: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Tuy nhiên, các môn đệ và rất nhiều người trong chúng ta không hiểu lời đó, nên cũng không muốn phục vụ kiểu đó.

Đối tượng được ta phục vụ là chính Đức Giêsu ẩn thân trong mọi người, nhất là trong những con người nhỏ bé, yếu kém, bệnh tật, nghèo khổ qua hình ảnh em nhỏ mà Đức Giêsu đặt vào giữa cộng đồng “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Do đó, chúng ta tự nguyện dấn thân phục vụ, chấp nhận tất cả những đau khổ, căng thẳng, hiểm nguy, tố cáo, bất công như Đức Giêsu vì hiểu rằng sau cái chết là cuộc sống lại vinh quang và mỗi đau khổ tủi nhục đều được đền bù, khen thưởng gấp bội. Công ích mà chúng ta nhắm tới ở đây là ơn cứu độ toàn diện cho con người và vạn vật.

Lời kết

Cuối cùng, tất cả tín hữu đều có thể làm hành động phục vụ này, vì chúng ta đều liên đới và nối kết với nhau trong Chúa Giêsu và được bổ trợ bởi những ân huệ của Chúa Thánh Thần, để trở thành hình ảnh sống động của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay.

HKK