24/01/2025

Doanh nghiệp phá rừng phòng hộ chỉ bị đề xuất phạt hành chính?

Doanh nghiệp phá rừng phòng hộ chỉ bị đề xuất phạt hành chính?

Ngày 18.9, UBND H.Phù Mỹ (Bình Định) cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định về việc Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch ‘lấn chiếm đất’ để xây dựng dự án điện mặt trời tại xã Mỹ An.
5,26 ha rừng dương phòng hộ ven biển bị phá trụi /// BẢO THOA
5,26 ha rừng dương phòng hộ ven biển bị phá trụi  BẢO THOA
Theo báo cáo, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ và các ngành chức năng thống nhất đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử lý phạt tiền từ 60 – 150 triệu đồng đối với Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (gọi tắt Công ty Năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là đã lấn chiếm 5,26 ha đất.
Huyện ủy Phù Mỹ đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét buộc công ty trả lại 5,26 ha đất đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý theo thẩm quyền và thực hiện việc khắc phục hậu quả theo quy định, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra sai phạm trên.

Thi công “nhầm”

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 323 ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An, tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỉ đồng do Công ty Năng lượng sạch (ở H.Phù Mỹ) làm chủ đầu tư. Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào cuối năm 2020, hiện đang trong quá trình thi công giai đoạn 2.
Từ tối 6.8, người dân xã Mỹ An phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương phòng hộ bên ngoài khu vực dự án tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An). Theo người dân, vào ban đêm, công nhân đem máy cưa đến chặt rừng dương, dọn dẹp sạch sẽ hiện trường rồi làm hàng rào bằng lưới B40 bao lại, ban ngày nghỉ. Đêm 8.8, người dân đến ngăn cản nhưng các công nhân vẫn tiếp tục chặt phá rừng dương.
Công ty Năng lượng sạch cho rằng trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công tại xã Mỹ An, do “nhầm lẫn” trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã “tác động” đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất, với diện tích khoảng 5,26 ha. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiến độ dự án bị chậm so với kế hoạch, công ty giao các nhà thầu tăng tốc độ triển khai xây dựng nên công nhân mới thi công vào… ban đêm.

Điều bất thường trong báo cáo

Ông Bùi Long Thăng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ H.Phù Mỹ, thừa nhận diện tích rừng bị chặt phá nói trên là rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý, được trồng cách đây khoảng 10 năm. Còn ông Lê Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết sau khi phát hiện rừng phòng hộ bị phá, đã báo cáo UBND H.Phù Mỹ để xử lý. Ngày 12.8, ngay sau khi có kết quả kiểm tra sơ bộ, UBND H.Phù Mỹ yêu cầu Công ty Năng lượng sạch dừng thi công.
Theo báo cáo của UBND H.Phù Mỹ, kết quả kiểm tra xác định tại phần phía tây nam khu đất được UBND tỉnh Bình Định cho thuê, Công ty Năng lượng sạch chưa tiến hành xây dựng, vẫn còn nguyên hiện trạng cây rừng phi lao; tại phần đất này có rừng, đất nghĩa địa tập trung và một số mộ nằm rải rác. Tại phần phía đông nam khu đất, công ty đã san ủi mặt bằng và làm hàng rào trên diện tích 5,26 ha; phần đất này do BQL rừng phòng hộ H.Phù Mỹ quản lý, là đất trồng phi lao ven biển.
Điều đáng nói, báo cáo của UBND H.Phù Mỹ không đề cập đến việc chặt phá rừng phòng hộ, chỉ khẳng định Công ty Năng lượng sạch “lấn chiếm đất” có diện tích 5,26 ha (!).

Ai phải chịu trách nhiệm?

Ngày 10.9, tại cuộc họp do UBND H.Phù Mỹ chủ trì, các bên (có cả Công ty CP Năng lượng sạch) xác định có 5,26 ha cây dương bị chặt phá là rừng và đất rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ H.Phù Mỹ quản lý.
Theo người dân xã Mỹ An, rừng dương phòng hộ ven biển bị triệt hạ sẽ gây ra hiện tượng cát bay vào mùa hè, không còn “tường” che chắn mưa gió vào mùa đông nên cuộc sống người dân rất khốn khổ. Trước đây, các dự án khai thác ti tan ở ven biển H.Phù Mỹ chặt phá nhiều diện tích rừng phòng hộ, doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết tái lập rừng phòng hộ, nên cuộc sống người dân bị đảo lộn, gây nhiều bức xúc kéo dài. Do đó, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, chính quyền địa phương nên liên tục phản đối các dự án triển khai tại khu vực ven biển.
Để triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, cuối năm 2018, lãnh đạo tỉnh Bình Định phải nhiều lần đối thoại tại xã Mỹ Thắng, Mỹ An mới được người dân đồng tình, ủng hộ.
“Tại sao người dân chặt một cây dương về làm nhà, đốn bó củi thì bị bắt, xử lý rất nghiêm; còn doanh nghiệp phá trụi hơn 5 ha rừng phòng hộ thì chỉ đề xuất xử phạt hành chính? Có phải chính quyền bao che cho doanh nghiệp làm bậy không?”, một người dân thôn Xuân Bình bức xúc.

Phá hơn 5 ha rừng tự nhiên “có dấu hiệu tội phạm”

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản đề nghị UBND H.Tây Sơn (Bình Định) chỉ đạo Công an H.Tây Sơn, Viện KSND H.Tây Sơn, UBND xã Tây Thuận phối hợp Hạt Kiểm lâm H.Tây Sơn điều tra, xác minh tìm ra đối tượng phá rừng tại xã Tây Thuận để xử lý nghiêm .
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, lực lượng kiểm lâm và UBND xã Tây Thuận phát hiện 1 vụ phá rừng tại khu vực có tục danh Hòn Bình (xã Tây Thuận) với diện tích hơn 5 ha. Đây là khu vực rừng gỗ tự nhiên, chức năng là rừng sản xuất, do UBND xã Tây Thuận quản lý. Đây là vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích vượt khung xử lý vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm.
Trong 2 ngày 17 – 18.9 (và nhiều ngày trước đó), PV Thanh Niên đã liên lạc, nhắn tin với ông Phan Hữu Duy, Phó chủ tịch UBND H.Phù Mỹ – người ký báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định (đề xuất phạt hành chính), cũng là người được Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ giao trách nhiệm kiểm tra, xử lý vụ việc phá rừng tại xã Mỹ An, để làm rõ một số thông tin trong báo cáo và các bức xúc của người dân. Tuy nhiên, ông Duy không nghe máy và không trả lời tin nhắn.
HOÀNG TRỌNG
TNO