02/11/2024

Diễn văn của ĐTC trước đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Slovakia

Diễn văn của ĐTC trước đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Slovakia

Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Zuzana Čaputová tại “Sảnh Vàng” của Dinh Tổng thống, lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha tiến ra vườn của Dinh Tổng thống để gặp gỡ khoảng 250 nhân vật, gồm các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hoá của Slovakia.

Thưa Tổng thống,
Các thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn, các nhà chức trách,
Các đại diện xã hội dân sự,
Quý bà và quý ông!

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Rổng thống Zuzana Čaputová vì những lời chào mừng của bà, nhân danh người dân Slovakia dành cho tôi. Xin chào tất cả quý vị, tôi rất vui khi có mặt tại Slovakia. Tôi như một người hành hương đến một đất nước non trẻ nhưng có bề dày lịch sử, một vùng đất có cội nguồn sâu xa ở trung tâm Châu Âu. Những lãnh thổ này từng là biên giới của Đế chế La Mã và là nơi giao lưu giữa Kitô giáo phương Tây và phương Đông. Từ đại Moravia đến Vương quốc Hungary, từ Cộng hoà Tiệp cho đến ngày nay, quý vị đã vượt qua nhiều khó khăn để hòa nhập nhưng vẫn giữ được bản chất cách hoà bình. 28 năm trước, thế giới ngưỡng mộ sự ra đời mà không có xung đột của hai quốc gia độc lập.

Lịch sử lâu đời này mời gọi Slovakia trở thành sứ điệp hòa bình giữa lòng Châu Âu. Lời mời gọi này được gợi lên bởi sọc xanh lớn trên lá cờ của quý vị, tượng trưng cho tình huynh đệ với các dân tộc Slav. Tình huynh đệ như thế là điều rất cần thiết cho tiến trình hội nhập. Điều này còn cần thiết hơn nữa tại thời điểm này, hậu đại dịch, với nhiều khó khăn, cần một cuộc tái khởi động kinh tế được ủng hộ bởi các kế hoạch phục hồi của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, người ta có thể gặp rủi ro khi bị cám dỗ bởi sự vội vàng và lợi nhuận, tạo ra cảm giác phấn khởi thoáng qua, thay vì hiệp nhất lại chia rẽ. Hơn nữa, chỉ phục hồi kinh tế thôi là chưa đủ trong một thế giới mà tất cả chúng ta đều kết nối với nhau. Trong khi các cuộc đấu tranh giành quyền lực tiếp tục diễn ra trên nhiều mặt trận, quốc gia này tái khẳng định thông điệp hội nhập và hoà bình. Và Châu Âu được phân biệt nhờ sự liên đới, bằng cách vượt qua biên giới, có thể đưa nó trở lại trung tâm lịch sử.

Lịch sử Slovakia được ghi dấu ấn không thể xoá nhoà bởi đức tin. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ khuyến khích các dự án và tình cảm được truyền cảm hứng từ huynh đệ, theo trải nghiệm sử thi của hai anh em Thánh Cyrillô và Mêtôđiô. Các ngài đã loan truyền Tin Mừng khi các Kitô hữu của lục địa hiệp nhất; và ngày nay các ngài vẫn tiếp tục hiệp nhất các hệ phái Kitô của vùng đất này. Họ nhìn nhận nhau và tìm kiếm sự hiệp thông với tất cả: người Slav, Hy Lạp và người Latinh. Vì vậy, đức tin kiên vững của các đấng được diễn tả trong một sự cởi mở tự phát. Đó là một di sản mà quý vị được kêu gọi để đón nhận, để trong thời đại của chúng ta trở thành dấu hiệu hiệp nhất.

Quý vị thân mến, ước mong ơn gọi huynh đệ này không bao giờ biến mất khỏi tâm hồn của quý vị, nhưng luôn đồng hành với tính chân thực dễ mến, nét đặc trưng của quý vị. Quý vị luôn quan tâm đến lòng hiếu khách. Tôi được đánh động bởi phong tục chào đón khách viếng thăm nhà bằng bánh mì và muối của quý vị. Và giờ đây tôi muốn lấy một điểm gợi ý từ những món quà đơn giản và quý giá, thấm nhuần Tin Mừng này.

Bánh được Chúa chọn để hiện diện giữa chúng ta. Cơm bánh là điều thiết yếu. Kinh Thánh mời gọi không tích luỹ cơm bánh, nhưng chia sẻ. Bánh được Tin Mừng nói đến luôn là bánh được bẻ ra. Đây là một sứ điệp mạnh mẽ cho cuộc sống chung của chúng ta: nó nói với chúng ta rằng sự giàu có đích thực không bao gồm việc làm gia tăng những gì chúng ta có, nhưng ở việc chia sẻ một cách công bằng với những người xung quanh. Bánh khi được bẻ ra, gợi lên sự mong manh, đặc biệt mời gọi chăm sóc những người yếu nhất. Không ai bị kỳ thị hay phân biệt đối xử. Cách nhìn người khác của Kitô hữu là không xem người yếu đuối là gánh nặng hay một vấn đề, nhưng là những anh chị em cần được đồng hành và bảo vệ.

Bánh được bẻ ra và chia sẻ một cách công bằng là một lời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của công bằng. Chúng ta cần cộng tác xây dựng một tương lai trong đó luật pháp áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người, dựa trên công lý không phải để rao bán. Nếu  công lý không còn là một ý tưởng trừu tượng, nhưng trở nên hiện thực như cơm bánh, thì cần phải tiến hành một cuộc chiến nghiêm túc chống tham nhũng và trên hết, luật pháp phải được cổ võ và thượng tôn.

Cơm bánh cũng không thể tách rời với những từ “hằng ngày” (Mt 6,11). Cơm bánh hằng ngày có nghĩa là công việc hằng ngày. Cũng như không có cơm bánh thì không có dinh dưỡng, không có việc làm thì không có phẩm giá. Tại nền tảng của một xã hội công bằng và huynh đệ là quyền mà mọi người nhận được bánh của công việc, để không ai cảm thấy bị loại trừ và buộc phải rời bỏ gia đình và quê hương để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Anh em là muối cho đời” (Mt 5,13). Muối là biểu tượng đầu tiên mà Chúa Giêsu dùng khi dạy các môn đệ. Hơn tất cả, muối mang lại hương vị cho thực phẩm, và nhắc nhở chúng ta về hương vị mà cuộc sống chúng ta cần, nếu không có nó cuộc sống sẽ trở nên vô vị. Thật vậy, các cơ cấu có tổ chức và hiệu quả là không đủ để cải thiện cuộc sống chúng ta với tư cách là một cộng đồng nhân loại. Chúng ta cần hương vị, hương vị của tình liên đới. Cũng giống như muối chỉ tạo ra hương vị bằng cách hoà tan, vì vậy xã hội cũng tái khám phá hương vị của nó qua sự quảng đại nhưng không của những người dành cả cuộc đời mình cho người khác. Trong điều này, thật tuyệt vời khi những người trẻ được khuyến khích, để họ cảm thấy rằng họ có một phần đóng góp cho tương lai đất nước, để họ có thể ghi nhớ và làm phong phú lịch sử đất nước với những ước mơ và sự sáng tạo của họ. Không thể đổi mới nếu không có  những người trẻ, thường bị lôi cuốn bởi một tinh thần tiêu thụ làm cho cuộc sống trở nên nhạt nhẽo và buồn tẻ. Có quá nhiều người trẻ ở Châu Âu sống trong mệt mỏi và thất vọng, căng thẳng bởi lối sống điên cuồng và không tìm thấy động lực và hy vọng ở đâu. Thành phần còn thiếu là quan tâm đến người khác. Cảm thấy có trách nhiệm với ai đó mang lại hương vị cho cuộc sống và cho phép chúng ta khám phá ra rằng những gì chúng ta cho đi thực sự là một món quà chúng ta tặng cho chính mình.

Vào thời Đức Kitô, ngoài việc mang lại hương vị muối còn được dùng để bảo quản thực phẩm, không bị hư. Tôi cầu chúc quý vị sẽ không bao giờ cho phép những hương vị thơm ngát của những truyền thống tốt đẹp nhất của quý vị bị hư hại bởi sự hời hợt của  tiêu dùng và lợi ích vật chất. Và thậm chí bằng các hình thức thực dân hóa ý thức hệ. Chỉ cách đây vài thập kỷ, ở những vùng đất này, một hệ tư tưởng duy nhất đã cản trở tự do. Ngày nay, một tư tưởng duy nhất khác đang làm mất đi ý nghĩa của tự do, dẫn đến việc tìm kiếm lợi nhuận và các quyền chỉ cho nhu cầu cá nhân. Ngày nay, muối đức tin không phải là một câu trả lời theo thế gian, không phải bằng nhiệt huyết thực hiện các cuộc chiến văn hoá, nhưng bằng cách âm thầm và khiêm tốn gieo hạt giống Vương quốc của Thiên Chúa, trước hết bằng chứng tá bác ái. Hiến pháp của quý vị đề cập mong muốn xây dựng đất nước dựa trên di sản của các Thánh Cyrillô và Mêtôđiô, các vị bảo trợ của Châu Âu. Các thánh không áp đặt hay ép buộc. Với Tin Mừng họ đã làm phong phú thêm nền văn hóa và tạo ra các tiến trình đem lại ích lợi. Đây là con đường để đi theo: không phải cuộc chiến giành chỗ đứng và địa vị, nhưng là con đường được các thánh chỉ ra, con đường của các Mối Phúc. Từ các Mối Phúc, nảy sinh cái nhìn của Kitô giáo về xã hội.

Các Thánh Cyrillô và Mêtôđiô cũng chỉ ra rằng gìn giữ điều tốt đẹp không có nghĩa là lặp lại quá khứ, nhưng là mở ra với điều mới mẻ, không cần đánh mất gốc rễ của mình. Lịch sử của quý vị bao gồm rất nhiều nhà văn, nhà thơ và những người nam nữ của nền văn hóa từng là muối của đất nước. Và như muối làm nóng rát khi đắp lên vết thương, như thế cuộc đời của các vị thường phải trải qua thử thách đau khổ. Bao nhiêu người danh tiếng đã phải chịu đựng cảnh tù đày, nhưng bên trong họ vẫn có tự do, là một mẫu gương sáng ngời về sự can đảm, liêm chính và chống lại sự bất công! Và hơn hết là sự tha thứ. Đó là muối của vùng đất của quý vị.

Mặt khác, đại dịch là thử thách lớn của thời đại chúng ta. Nó đã dạy chúng ta rằng, điều rất dễ khi tất cả chúng ta đang ở trong cùng một hoàn cảnh, rút lui và chỉ nghĩ đến bản thân. Thay vào đó, hãy bắt đầu từ việc nhận ra rằng tất cả chúng ta đều yếu đuối và cần người khác. Không ai có thể tự cô lập, dù là cá nhân hay quốc gia. Chúng ta đón nhận cuộc khủng hoảng này như một “lời kêu gọi  suy nghĩ lại về lối sống của chúng ta” (Fratelli Tutti, 33). Sẽ là vô ích nếu chỉ phàn nàn về quá khứ; chúng ta cần phải cùng nhau làm việc để xây dựng tương lai. Tôi ước mong quý vị làm như vậy,  với cái nhìn hướng lên trên, như khi quý vị nhìn vào dãy núi Tatra xinh đẹp của quý vị. Ở đó, giữa những khu rừng và những đỉnh núi hướng lên trời, Thiên Chúa dường như gần gũi hơn và thụ tạo xuất hiện như một ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn đã đón tiếp nhiều thế hệ qua nhiều thế kỷ. Các ngọn núi kết hợp thành một dãy với nhiều đỉnh núi và cảnh quan rực rỡ, vượt qua các biên giới quốc gia để cùng nhau tạo nên vẻ đẹp của các dân tộc khác nhau. Quý vị hãy trau dồi vẻ đẹp này, vẻ đẹp của toàn thể. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực, can đảm và sự chia sẻ, sự nhiệt tình và sáng tạo. Nhưng đó là công lao của con người được Trời cao chúc phúc. Thiên Chúa chúc lành cho vùng đất này. Nech Boh žehná Slovensko! [Chúa chúc lành cho Slovakia].

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/dien-van-dtc-ngoai-giao-doan-slovakia.html