09/01/2025

Đột phá ‘cánh tay sinh học’ giúp người khuyết tật tìm lại cảm giác

Đột phá ‘cánh tay sinh học’ giúp người khuyết tật tìm lại cảm giác

Một nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã phát triển một “cánh tay sinh học” có thể đem lại các cảm giác chính xác, gắn liền với các chuyển động tự nhiên cho những người khuyết tật.
Cảnh tay giả có những robot nhỏ tạo rung động giúp người đeo cảm nhận được cảm giác /// Ảnh chụp màn hình Cnet
Cảnh tay giả có những robot nhỏ tạo rung động giúp người đeo cảm nhận được cảm giác  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNET
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Cleveland Clinic Lerner (bang Ohio, Mỹ) đã thiết kế một “cánh tay sinh học” có những robot cảm ứng nhỏ để tạo lại những cảm giác cho người mất tay. Những con robot này làm điều đó bằng cách rung các cơ một cách an toàn tại vị trí cắt cụt, theo Cnet.
Thiết bị này diễn dịch thông tin trực tiếp đến và đi từ não bộ thông qua các robot nhỏ có kích thước chỉ bằng một nửa hộp diêm. Trong khi biến suy nghĩ thành hành động, cánh tay có thể đồng thời liên lạc với não để mang lại cảm giác tương ứng với hành động đó và sau cùng có thể giúp người đeo phục hồi phản xạ vô thức khi sử dụng nó.
Phản xạ vô thức là những phản xạ được con người lặp lại mỗi ngày. Ví dụ, khi muốn cầm một cốc cà phê lên, tay chúng ta tìm cốc trên bàn, nắm chặt tay cầm với độ chắc nhất định và nghiêng ly từ từ để tránh bị đổ nước khi uống. Chúng ta có thể làm hành động một cách không cần suy nghĩ bởi các dây thần kinh trong cơ tay tự động phản ứng với suy nghĩ và lựa chọn của bộ não.
Các chi giả truyền thống không thể tạo ra chuyển động liền mạch như vậy bởi người đeo nó phải liên tục quan sát tay giả của họ trong quá trình sử dụng và lo lắng về những điều mà một người bình thường chỉ cần làm theo trực giác.
Đột phá ‘cánh tay sinh học' giúp người khuyết tật tìm lại cảm giác - ảnh 1

Một người tham gia nghiên cứu  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNET

Thiết bị này được thử nghiệm và sử dụng trên hai người bị mất tay. Qua quá trình thử nghiệm và sử dụng các công cụ phân tích chưa từng có, nhóm nghiên cứu vui mừng khi phát hiện ra rằng hai người này đã có thể có được các hành vi phản xạ như trước khi bị cắt cụt, có thể cầm nắm theo trực giác mà không cần phải tập trung vào tay mình nữa.
Phó giáo sư Paul Marasco, tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết người đeo có thể di chuyển cánh tay giả của họ một cách trực quan hơn, đồng thời cảm nhận được cảm giác chạm và chuyển động.
Các nhà nghiên cứu đã sửa đổi các loại tay giả có sẵn thay vì bắt đầu từ đầu, với hy vọng sẽ nhanh chóng đưa các thiết bị đến các phòng khám phục hồi chức năng và tìm cách giảm chi phí so với chân tay giả truyền thống. Những người sử dụng chân tay giả thô sơ thường phải phụ thuộc nhiều vào một bên cơ thể lành lặn của họ, dẫn đến các vấn đề về lưng hoặc vai mà cuối cùng họ phải tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế tốn kém.
“Những công cụ tiên tiến này sẽ hơi tốn kém ban đầu, nhưng nếu bạn sử dụng chúng lâu dài, chúng sẽ không khiến bạn bị thương. Điều này sẽ giúp bạn ít tốn kém hơn trong tương lai”, ông Marasco cho biết.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO