02/11/2024

Nhìn lại Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Cebu năm 2016

Nhìn lại Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Cebu năm 2016

Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại thủ đô Budapest của Hungary từ ngày 5-12/9/2021 tới đây sẽ là Đại hội Thánh Thể lần thứ 52 trong 130 năm, kể từ năm 1881, khi Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Lille của Pháp. Đại hội Thánh Thể được tổ chức 4 lần tại Á châu: tại Manila, Philippines, năm 1937; Bombay, Ấn Độ, năm 1964; Seoul, Hàn Quốc, năm 1989; và Cebu, Philippines, 2016. Đại hội Thánh Thể tại Cebu cũng là Đại hội lập kỷ lục về số người tham dự.

Đại hội Thánh Thể lần thứ 51 được tổ chức tại Cebu, Philippines, từ ngày 24-31/1/2016. Đại hội này đã cho thấy những con số kỷ lục và một đức tin mạnh mẽ. Một tuần lễ đặc biệt, trong đó, giữa những cử hành, các bài giáo lý, các chứng từ, những giây phút lễ hội, Bí tích Thánh Thể được loan báo như nguồn mạch và đỉnh điểm sứ vụ của Giáo hội.

Thành phố phong phú về đức tin, quảng đại và hiếu khách

Thành phố Cebu là thành phố lớn thứ hai ở Philippines, sau Manila, nằm trên hòn đảo cùng tên ở miền trung Philippines, một nơi tương đối nghèo nhưng phong phú về đức tin, với một dân tộc quảng đại và hiếu khách. Tại thành phố được xem là cái nôi của Kitô giáo ở phương Đông này do nhà thám hiểm Magellan đã trồng cây Thánh giá ở đây khi đến nơi vào năm 1521, Đại hội Thánh Thể đã tìm thấy một môi trường nhân văn vô cùng phong phú, lòng hiếu khách chân thành và thân thiện, sự tham gia nồng nhiệt.

Trong số tín hữu hành hương và đại biểu từ 75 quốc gia trên thế giới đến tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế, có hàng chục hồng y, khoảng 250 giám mục, hàng ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ, khách hành hương từ Đài Loan, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Australia và nhiều quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi.

Thánh Thể trong đời sống Giáo hội Châu Á

Việc tổ chức Đại hội Thánh Thể lần thứ 51 tại trung tâm về địa lý của Châu Á là dịp để biểu lộ rõ ràng ơn gọi truyền giáo của Giáo hội địa phương ở lục địa này. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục của Yangon ở Myanmar, làm Đại diện của ngài. Việc lựa chọn một giám mục Châu Á xác nhận mức độ quan tâm đặc biệt của ngài đối với lục địa này.

Chúa Nhật 24/1/2016, Đức Hồng y Bo đã chủ sự Thánh lễ khai mạc trọng thể Đại hội tại Quảng trường Độc lập. Trước khoảng nửa triệu người, ngài đã đưa ra khẩu hiệu “Chúng ta phải tuyên bố chiến tranh thế giới thứ ba thực sự: cuộc chiến chống đói nghèo”. Sau đó, sau khi định nghĩa Đức Thánh Cha Phanxicô như “vị ngôn sứ của thiên niên kỷ mới” và ca ngợi Philippines là “một quốc gia vĩ đại, ánh sáng cho Châu Á”, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng sự hiện diện của người Philippines ở mọi nơi trên thế giới có nghĩa là truyền giáo. Ngài nói rằng “Philippines, với những thảm hoạ thiên nhiên tàn phá nước này, dường như là thủ đô của thế giới về thảm hoạ thiên nhiên” nhưng cư dân của đất nước này đã thể hiện một khả năng vượt khó phi thường. Cuối cùng, ngỏ lời với các tín hữu hiện diện, ngài nói thêm rằng “sùng đạo là điều tốt, nhưng chưa đủ vì chúng ta được kêu gọi trên hết là trở thành các môn đệ: đối với một người tin theo thì Thánh lễ kết thúc sau một giờ, nhưng Thánh lễ của một môn đệ thì vô hạn, tiếp tục trên các con đường của thế giới”.

Trong tuần lễ diễn ra Đại hội, có 15.000 khách hành hương và các đại biểu đăng ký đã có thể tham gia tích cực vào các hoạt động. Một số sự kiện của Đại hội được phụ trách bởi những nhân vật tên tuổi và nổi tiếng như các Đức Hồng y người Philippines: Tagle, Vidal, Quevedo và Rosales; hay Đức Hồng y Dolan của New York, Onaiyekan của Abuja, Nigeria; Trần Nhật Quân của Hong Kong, Peter Erdő của Budapest; Nguyễn Văn Nhơn của Hà Nội, Lacroix của Quebec, Kovithavanij của Bangkok…

Chủ đề chính của sự kiện: Bí tích Thánh Thể như là nguồn gốc và đỉnh cao sứ mạng của Giáo hội, đã được thảo luận hàng ngày qua các hội nghị lớn, các chứng từ lôi cuốn và các buổi cử hành. Trong số nhiều bài phát biểu quan trọng, đặc biệt gây xúc động là chứng từ của một phụ nữ trẻ người Philippines, Georgia Coctas; sau khi sống bằng cách nhặt rác trên đường phố, cô đã được giúp đỡ và hiện đang hoạt động để mang lại tương lai cho trẻ em bị bỏ rơi, nơi chốn để thăng tiến con người và loan truyền Tin Mừng bên cạnh việc cung cấp nơi ở, thực phẩm và giáo dục.

Gương mặt tươi vui của Giáo hội Philippines

Tuần lễ của Đại hội sau đó được đánh dấu bởi một loạt các sự kiện lớn liên quan đến toàn thành phố: cuộc gặp gỡ của những người hành hương từ các quốc gia khác nhau với các giáo xứ trong giáo phận, cuộc rước Thánh Thể, Thánh lễ Rước lễ lần đầu và Thánh lễ bế mạc. Cuộc gặp gỡ của những người hành hương với các giáo xứ đã cho phép họ hòa mình vào đời sống của các cộng đoàn Kitô giáo địa phương. Mỗi giáo xứ của thành phố đón một đoàn khách hành hương đến từ một quốc gia cụ thể.

Chiều Thứ Sáu, 29/1/2016, Thánh lễ được cử hành tại quảng trường trước trụ sở chính quyền của thành phố, với đông đảo dân chúng tại quảng trường và trên những con đường đối diện. Cuộc rước Thánh Thể long trọng bắt đầu vào cuối Thánh lễ, đi qua khắp các con đường chính của thành phố trong gần 3 giờ đồng hồ. Một dòng người đông đảo, hơn một triệu, với nến sáng trên tay đi theo xe kiệu Mình Thánh Chúa, trong khi hai bên đường, các thiếu niên và thanh niên nam nữ làm thành rào chắn dài. Cuộc rước kết thúc ở Quảng trường Độc lập, bên cạnh bãi biển mà gần 500 năm trước, Tin Mừng đã đến những vùng đất đó lần đầu tiên.

Ngày hôm sau, thứ Bảy 30/1/2016, tại Trung tâm Thể thao Cebu, Thánh lễ Rước lễ Lần đầu được cử hành cho 5.000 trẻ em, trong đó có 500 “trẻ em đường phố”, trong những năm chuẩn bị cho Đại hội, được hưởng chương trình giáo dục đặc biệt và truyền giáo do giáo phận và các tổ chức tình nguyện khác nhau thực hiện. Những đứa trẻ, cùng với cha mẹ của các em, hiện diện tại khu vực trung tâm, đã được khoảng một trăm giám mục cho rước lễ. Bầu không khí lễ hội tiếp tục sau buổi lễ với màn trình diễn điệu múa Sinalog đáng kinh ngạc, một điệu múa dân gian rất đặc biệt, trong đó tượng Santo Niño – Chúa Hài Đồng – được rước, được nâng niu trong một bữa tiệc âm thanh và màu sắc đích thực.

Thánh lễ kết thúc Đại hội

Sự kiện cuối cùng và quan trọng nhất chính là Thánh lễ kết thúc Đại hội, được tổ chức ở South Road Properties vào ngày 31/1. Đông đảo tín hữu đã tham dự Thánh lễ do Đức Hồng y Đặc sứ Charles Maung Bo chủ sự, với hơn 200 giám mục và hàng trăm linh mục. Trong bài giảng, Đức Hồng y người Myanmar nhắc lại: “Những người Philippines, quốc gia Công giáo lớn nhất ở Châu Á, là những người mang niềm hy vọng to lớn” và bất chấp những thách thức về nghèo đói, bất an xã hội và di cư, đất nước “có tiềm năng to lớn đối với toàn thế giới Công giáo.” Ngài khuyến khích: “Anh chị em Philippines, hãy đi và gia tăng những nhà truyền giáo của anh chị em! Hãy đi và trở thành dân cư ở những quốc gia mà Kitô giáo đã trở thành một thiểu số. Hãy đến những quốc gia mà vật nuôi nhiều hơn trẻ em.”

Sau đó, Đức Hồng y nói với các gia đình: “Châu Á và Châu Phi đang đấu tranh cho sự tồn tại của các gia đình… Các quốc gia giàu có đã không còn chú ý đến nghèo đói và áp bức, và nói về các hình thức mới về gia đình và cha mẹ. Một hiểm hoạ sinh tử mà toàn thể nhân loại phải đối mặt, thậm chí còn hơn cả bom nguyên tử, khủng bố, bởi vì một số quốc gia đã chọn con đường huỷ diệt gia đình thông qua luật pháp… Gia đình là hạt nhân chính của Giáo hội và là nơi tấm bánh được bẻ ra. Vì thế, nó phải được bảo vệ, thúc đẩy và nuôi dưỡng.” Cuối cùng, Đức Hồng y Bo nhắc lại rằng chủ đề này, cùng với sự tôn trọng công trình sáng tạo và công lý, cũng là trung tâm các mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong số những món quà mà Philippines đã được ưu ái, Đức Hồng y nhắc nhở: “Sự gắn kết trong gia đình của anh chị em rất mạnh mẽ. Anh chị em có tỷ lệ ly hôn thấp nhất trong khu vực. Nhiều quốc gia giàu có có tiền nhưng không có gia đình. Và anh chị em có một đông đảo người trẻ; đây là một phúc lành!” Kết thúc bài giảng, Đặc sứ của Đức Thánh Cha đã nhắc lại trọng tâm của Bí tích Thánh Thể, vốn vẫn là nguồn gốc và đỉnh điểm của đời sống Kitô hữu: “Chúng ta hãy nhớ rằng Thánh lễ đầu tiên được cử hành bởi một người bị kết án, một người không có quyền lực… Nhưng quyền lực của Thánh Thể tuôn chảy từ đôi bàn tay trắng ấy. Và tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta. Thánh Thể là sự hiện diện đích thực, Thánh Thể là truyền giáo, Thánh Thể là phục vụ.”

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Trước khi Đức Hồng y ban phép lành cuối lễ, mọi người nhận sứ điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi nhắc lại chủ đề “Chúa Kitô trong anh em, niềm hy vọng vinh quang” của Đại hội, Đức Thánh Cha nhận xét: “Sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta không chỉ là một niềm an ủi, mà còn là một lời hứa và một lời mời. Một lời mời gọi hãy ra đi, với tư cách là những nhà truyền giáo, để mang thông điệp về sự dịu dàng của Chúa Cha, về sự tha thứ và lòng thương xót của Người cho mọi người nam nữ và các trẻ em.”

Sau đó, Đức Giáo hoàng mời gọi suy tư về hai cử chỉ của Chúa Giêsu liên quan đến “chiều kích truyền giáo của Bí tích Thánh Thể”: đức tin và việc rửa chân. Ngài nói: “Chúng ta biết rằng việc Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn với các môn đệ, và đặc biệt là với những người tội lỗi và những người bị gạt ra ngoài lề thì quan trọng như thế nào… Tại mỗi Thánh lễ, chúng ta phải được thôi thúc để noi gương Chúa, ra đi gặp gỡ người khác… Ở Châu Á, nơi Giáo hội dấn thân vào việc đối thoại, tôn trọng các tín đồ của các tôn giáo khác, chứng tá ngôn sứ này rất thường xảy ra, như chúng ta biết, qua cuộc đối thoại của cuộc sống.”

Đối với Đức Thánh Cha, “việc làm chứng của những cuộc đời được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi là cách tốt nhất để công bố lời hứa về vương quốc hoà giải, công lý và hiệp nhất cho gia đình nhân loại”. Sau đó, ngài giải thích việc rửa chân là một “dấu hiệu của sự phục vụ khiêm nhường, của tình yêu vô điều kiện mà Chúa đã hiến mạng sống mình trên Thánh giá để cứu độ thế giới. Thánh Thể là trường học của sự phục vụ khiêm nhường. Nó dạy chúng ta sẵn sàng ở đó vì người khác. Đây cũng là trung tâm của người môn đệ truyền giáo”.

Ước muốn của Đức Thánh Cha là Đại hội Thánh Thể vừa kết thúc này “có thể củng cố anh chị em trong tình yêu của anh chị em đối với Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Chớ gì Đại hội làm cho anh chị em, như những môn đệ truyền giáo, có thể mang kinh nghiệm tuyệt vời về sự hiệp thông trong Giáo hội và sự dấn thân truyền giáo cho các gia đình, các giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em và cho các Giáo hội địa phương của anh chị em. Chớ gì nó là một thứ men hoà giải và hoà bình cho toàn thế giới”.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-09/dai-hoi-thanh-the-quoc-te-cebu-2016.html