09/01/2025

Các phiên bản đời thực của huyền thoại ‘Atlantis’

Các phiên bản đời thực của huyền thoại ‘Atlantis’

Từ Trung Quốc, Hà Lan đến Israel, việc thám hiểm các đô thị bị nhấn chìm dưới nước giúp giải thích tại sao chúng không thể chống chọi trước thử thách của thời gian, như câu chuyện về huyền thoại Atlantis khi xưa.

 

Những kiến trúc cổ gần như nguyên vẹn ở Sư Thành /// CEN
Những kiến trúc cổ gần như nguyên vẹn ở Sư Thành CEN
Dưới tác động của thiên tai như lũ lụt, động đất, sóng thần và mực nước biển dâng lên, không ít đô thị ven biển bị phá hủy. Bên cạnh đó, một số đô thị bị chìm trong nước do quyết định của con người. Một số trường hợp đặc biệt nổi tiếng, và được giới nghiên cứu mô tả là phiên bản hiện đại của huyền thoại Atlantis, từng được triết gia người Hy Lạp Plato đề cập vào năm 360 trước Công nguyên.

Sư Thành, Trung Quốc (1959)

Nhiều thập niên trước, vùng thung lũng ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bị biến thành hồ Thiên Đảo để phục vụ cho dự án đập thủy điện sông Thuần An. Hậu quả là Sư Thành, từng là trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực, đã chìm trong nước ở độ sâu từ 25 – 40 m.
Sau thời gian biến mất một cách lặng lẽ, sự tồn tại của cổ thành hơn 1.400 tuổi một lần nữa được thế giới chú ý khi giới khảo cổ học khám phá nơi này vào năm 2001. Từ đó, Sư Thành có biệt danh “huyền thoại Atlantis phương Đông”, theo báo Daily Mail.
Các phiên bản đời thực của huyền thoại 'Atlantis' - ảnh 1

Một thị trấn đang bị chôn vùi bên dưới đầm lầy trải rộng này AFP/GETTY

Saeftinghe, Hà Lan (1584)

Hiện là một đầm lầy với tên gọi “vùng đất bị nhấn chìm của Saeftinghe”, khu vực này trước đây là một ngôi làng trù phú. Vào thế kỷ 13, người xưa tháo nước đầm lầy và xây dựng khu dân cư ở đây, đồng thời xây mạng lưới đê xung quanh để bảo vệ nó trước nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, sau vài trăm năm tồn tại, ngôi làng cuối cùng đã chìm trong nước vào giai đoạn bùng nổ Chiến tranh 80 năm.
Năm 1584, trong lúc bảo vệ Antwerp trước đà tấn công vũ bão của quân Tây Ban Nha, lực lượng Hà Lan buộc phải phá hủy con đê cuối cùng bao quanh làng, và nước sông Scheldt lập tức tràn vào. Giờ đây, khu định cư khi xưa bị chôn vùi bên dưới các lớp cát và đất sét của đầm lầy.

Port Royal, Jamaica (1692)

Port Royal từng là “thiên đường trụy lạc” của những tên cướp biển vùng Caribê và khét tiếng là “thành phố tội lỗi nhất địa cầu” vào thời điểm đó, theo Đài BBC. Năm 1692, một trận động đất gây ra những đợt sóng thần cao ngất đã nhấn chìm 2/3 thị trấn. Khoảng 2.000 ngôi nhà xây bằng gạch đã bị cuốn trôi ra biển.
Trong số ước tính 6.500 cư dân ở Port Royal khi đó, 2.000 người đã thiệt mạng trong đợt thiên tai kép. Thêm 3.000 người tử vong cho dịch bệnh và chấn thương sau đó, theo website của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Các phiên bản đời thực của huyền thoại 'Atlantis' - ảnh 2

Đến nay vẫn chưa xác định được vị trí của cổ thành khi xưa AFP/GETTY

Rungholt, Đức (1362)

Cho đến nay, con người vẫn chưa biết rõ vị trí chính xác của Rungholt (vốn từ lâu chỉ xuất hiện trong truyền thuyết). Thế nhưng, thông qua các cổ vật và chứng cứ khảo cổ được khai quật ở Biển Wadden, nơi đây từng là cảng biển tấp nập thuyền bè qua lại, theo chuyên san Quaternary International.
Bão tố gây ra lũ lụt Saint Marcellus vào năm 1362 được cho là “hung thủ” dẫn đến sự biến mất của thị trấn miền biển của Đức, cũng như những nơi khác của Hà Lan, Đan Mạch và nhóm Quần đảo Anh. Hàng ngàn người đã thiệt mạng khi đó.

Atlit Yam, Israel (6300 trước CN)

Một phiên bản cổ xưa hơn của huyền thoại Atlantis là ngôi làng thời Đồ Đá Mới đang nằm ở độ sâu từ 8-12 m trong lòng Địa Trung Hải. Suốt hơn 8.000 năm, chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó, cho đến khi nhà khảo học biển Ehud Galili phát hiện Atlit Yam trong lúc nghiên cứu manh mối về các xác tàu đắm vào năm 1984, trang New Scientist đưa tin.
Hiện Atlit Yam được xem là một trong những khu định cư cổ nhất của thế giới đang bị chìm trong nước. Theo một báo cáo, nhiều khả năng nó đã biến mất trước tác động của sóng thần.
HẠO NHIÊN
TNO