31/10/2024

Ăn mì tôm qua ngày, người phụ nữ nghèo vẫn sẵn sàng cưu mang người cơ nhỡ

Ăn mì tôm qua ngày, người phụ nữ nghèo vẫn sẵn sàng cưu mang người cơ nhỡ

Đó là hoàn của một người phụ nữ đang ở trọ tại Hà Nội phải ăn mì tôm từ thiện sống qua ngày, nhưng vẫn mời người cơ nhỡ đến ở cùng và nhường nhau những đồ ăn, để vượt qua cơn hoạn nạn.
Căn nhà trọ chật hẹp nhưng chị Chiêm vẫn sẵn lòng mời những người cơ nhỡ đến ở cùng để vượt qua khó khăn trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội /// Ảnh NVCC
Căn nhà trọ chật hẹp nhưng chị Chiêm vẫn sẵn lòng mời những người cơ nhỡ đến ở cùng để vượt qua khó khăn trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội  ẢNH NVCC
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái của một phụ nữ ở trọ tại Hà Nội trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khiến ai cũng xúc động. Chị viết: “Với tinh thần lá rách đùm lá rách te tua, mình xin được trân trọng thông báo cho tất cả anh em, bà con hiện tại đang mắc kẹt ở Hà Nội, đặc biệt anh em đồng hương Hà Tĩnh, những ai hiện đang gặp khó khăn về chỗ ăn ở…
Phòng trọ mình hiện ở địa chỉ Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, tuy chỉ rộng 15 m2 thôi, nhưng hiện tại đang ở 1 mình; đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cho dân ở trọ, có thể nhận thêm 2 đến 3 bạn ở cùng… Ai hiện tại đang thất nghiệp, không có chỗ ăn, ở, mình xin được đón tiếp các đồng chí đồng hương tới ở cùng và nuôi ăn ở tới khi hết giãn cách, không thu 1 đồng nào, mình ăn gì thì ăn đấy, rau cháo tạm qua ngày thôi…
Mình cũng thất nghiệp 3 tháng nay rồi nhưng vừa rồi có xin được vài nhà hảo tâm tài trợ cho vài bao gạo, rau cỏ, tạm thời đang cầm cự được. Các bạn chỉ việc xách người đến ở, không cần phải suy nghĩ lo lắng điều gì thêm”.
Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Chiêm (32 tuổi), quê ở H.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (hiện đang ở trọ Cổ Nhuế 2, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội). Chia sẻ với PV Thanh Niên về việc làm của mình, chị Chiêm cho biết chị sinh ra ở vùng quê nghèo, lũ lụt quanh năm nên hay đi làm công tác thiện nguyện. Cách đây 5 năm, chị cũng thành lập nhóm thiện nguyện để đi giúp bà con khó khăn, nhưng rồi do hoàn cảnh gia đình, chị không tiếp tục theo đuổi được.
Khi thấy Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, có nhiều người bị mất việc làm, phải sống lang thang cơ nhỡ nên chị không đành lòng. Vì vậy, chị đã lên mạng đăng thông tin để ai có nhu cầu thì đến ở cùng. “Cứ thấy xã hội có nhiều người khổ quá mà tôi không giúp được, nên cảm thấy rất nhói lòng”, chị Chiêm chia sẻ.
Ăn mì tôm qua ngày, người phụ nữ nghèo vẫn sẵn sàng cưu mang người cơ nhỡ - ảnh 1

Dòng trạng thái đầy ý nghĩa của chị Chiêm trên mạng xã hội Facebook  ẢNH V.T

Từ khi đăng thông tin lên mạng trong 2 tuần vừa qua, chị đã giúp được 3 lượt người đến ở, trong đó đều là những người ở các tỉnh thành phố khác đến làm lao động tự do ở Hà Nội, rồi mất việc làm vì Covid-19. Họ không có tiền thuê trọ, nên lang thang cơ nhỡ.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, một người đến ở trọ cùng chị cho biết, chị ở miền Tây đến Hà Nội mở cửa hàng làm móng để mưu sinh, nhưng mới được vài hôm, gặp dịch Covid-19 nên phải nghỉ việc. Không có tiền tiếp tục thuê phòng trọ nên phải ra ngoài đường. May mắn, chị đã được chị Chiêm giúp đỡ để qua cơn hoạn nạn.…

Tôi chưa làm được nhà cho con ở, nhưng nếu có tiền tôi cũng đi làm từ thiện hết thôi…

Hoàn cảnh của chị Chiêm cũng không dư dả gì. Hiện chị đang có 2 con nhỏ sống cùng ông bà ở quê. Chồng chị đi lao động ở Đài Loan nhưng cũng đang phải nghỉ việc vì Covid-19, nên không có thu nhập. Bản thân chị phải ra Hà Nội mưu sinh, vay mượn tiền, đầu tư cửa hàng làm đẹp mất 60 triệu đồng, nhưng vừa mở được vài ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nên chị buộc phải nhượng lại lấy 15 triệu đồng để trả nợ, rồi đi thuê trọ sống qua ngày. Hiện chị không có thu nhập, không có việc làm, phải nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng.
Ăn mì tôm qua ngày, người phụ nữ nghèo vẫn sẵn sàng cưu mang người cơ nhỡ - ảnh 2

Chị Chiêm trong một lần thiện nguyện khi còn ở Hà Tĩnh  NVCC

“Trước đây, ở quê cứ mùa bão lũ là tôi đi làm từ thiện, nhưng khi sinh con đầu lòng, cháu bị tim bẩm sinh, thoát vị bẹn, phải đi mổ nhiều lần nên gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tôi phải bán hết nhà cửa, vay mượn tiền để chữa bệnh cho con, nên từ đó đến nay tôi không tham gia làm công tác từ thiện được nữa”, chị Chiêm trải lòng.
Tuy nhiên, tấm lòng thiện nguyện trong chị luôn thôi thúc chị làm những công việc ý nghĩa, bất kể ở hoàn cảnh nào. Khi con chị mổ tim ở bệnh viện, có 1 bé nữa cùng mổ cùng nhưng không qua khỏi. Gia đình bé đó cũng nghèo, không có tiền đưa con về quê. Chị lại đi khắp các phòng của bệnh viện để xin tiền hỗ trợ giúp họ.
“Tôi chỉ nghĩ làm điều thiện sẽ mang lại phúc đức cho con cháu, nên cứ làm được việc gì là tôi làm. Giờ tôi cũng chưa làm được nhà cho con ở, nhưng nếu có tiền tôi cũng đi làm từ thiện hết thôi, vì có trải qua khó khăn mới thấu hiểu được nỗi khổ của người khác. Cứ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn mà tôi không giúp được là nặng lòng lắm”, chị Chiêm xúc động nói.
Ăn mì tôm qua ngày, người phụ nữ nghèo vẫn sẵn sàng cưu mang người cơ nhỡ - ảnh 3

Một tin nhắn chị Chiêm từ chối nhận giúp đỡ khi đã được giúp rồi  ẢNH NVCC

Dù phải nhờ cộng đồng giúp đỡ lương thực thực phẩm để sống trong những ngày qua, nhưng chị Chiêm luôn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Khi lên mạng thấy có những người muốn được giúp đỡ, chị lại nhường phần quà từ thiện của mình như gạo, mì, rau… để gửi đến cho họ. Đặc biệt, chị chỉ nhận đủ ăn qua ngày và từ chối khi tiếp tục được giúp ở trên nhóm zalo connect, để nhường phần đó cho người khó khăn hơn.
Là người sinh sống trên địa bàn cùng chị Chiêm và đã từng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho chị trong lúc khó khăn, anh Hoàng Linh (31 tuổi, một giáo viên ở Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm) cho biết: “Chị Chiêm là người có tấm lòng nhân hậu, dù bản thân có khó khăn nhưng vẫn giúp đỡ người khác. Tôi thấy việc mình làm còn quá nhỏ bé so với tấm lòng của chị trong lúc dịch bệnh như thế này”.
Dù làm điều rất ý nghĩa, nhưng khi PV Thanh Niên ngỏ ý viết bài, chị Chiêm cứ một mực từ chối vì bảo việc làm của mình rất nhỏ, không là gì so với những mạnh thường quân đang ngày đêm giúp cộng đồng. “Tôi chỉ mong làm được việc gì to lớn hơn để giúp Hà Nội chiến thắng đại dịch, cho cuộc sống trở lại bình thường để mọi người vơi bớt khó khăn”, chị Chiêm bày tỏ.
VŨ THƠ
TNO