23/12/2024

Người nhận Giải Nobel Hoà bình 2018 biết ơn Đức Thánh Cha vì buổi tiếp kiến

Người nhận Giải Nobel Hoà bình 2018 biết ơn Đức Thánh Cha vì buổi tiếp kiến

Cô Nadia Murad, người nhận Giải Nobel Hoà bình 2018, bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì buổi tiếp kiến lần thứ ba, hôm thứ Năm 26/8.

Tháng 8/2014, trong cuộc tấn công vào ngôi làng của người Yazidi (Iraq), các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bắt cóc Nadia Murad, lúc đó 21 tuổi, và giữ làm con tin. Trong cuộc tấn công đó, khoảng 600 người đã bị giết. Cô mất 6 anh em và người mẹ. Trong ba tháng, cô bị lạm dụng, bắt làm nô lệ. Sau đó, cô đã trốn thoát đến Đức và bắt đầu dấn thân trong các hoạt động xã hội quan trọng. Tháng 9/2016, cô trở thành Đại sứ Liên Hiệp Quốc vì nhân phẩm của những nạn nhân của nạn buôn người. Năm 2018, cô nhận Giải Nobel Hoà bình và sau đó thành lập một tổ chức giúp đỡ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực.

Hôm thứ Năm, cùng với chồng, cô Nadia Murad đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Đây là lần thứ ba cô được gặp Đức Thánh Cha. Trước đó, cô được gặp Đức Thánh Cha sau buổi tiếp kiến chung hằng tuần, ngày 03/5/2017. Tiếp đó, ngày 20/12/2018, cô được Đức Thánh Cha tiếp kiến riêng. Trong dịp này, Murad đã tặng Đức Thánh Cha cuốn tự truyện “Thiếu nữ cuối cùng”, nội dung tập trung vào kinh nghiệm khủng khiếp của cô dưới tay của Nhà nước Hồi giáo. Câu chuyện được đánh dấu bằng những đau khổ đó đã thúc đẩy Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Iraq vào tháng 3 năm ngoái. Chính ngài đã thú nhận điều này trong cuộc đối thoại với các nhà báo trên chuyến bay từ Iraq trở về Roma.

Trên Twitter, cô Nadia Murad viết về cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm: “Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc hỗ trợ người Yazidi và các dân tộc thiểu số khác ở Iraq. Trước những sự kiện bi thảm ở Afghanistan, chúng tôi đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và những người sống sót sau bạo lực tình dục.”

Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, cô Murad nói: “Tôi rất vui vì câu chuyện của tôi vẫn còn được Đức Thánh Cha nhớ đến và cảm thấy được kêu gọi mang thông điệp này đến Iraq.” Theo cô, cách bảo vệ người Yazidi của Đức Thánh Cha là “một ví dụ cho các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trong khu vực để làm lan toả thông điệp về lòng khoan dung đối với các nhóm tôn giáo thiểu số như Yazidi”.

Đề cập đến việc Taliban tái chiếm Afghanistan và số phận của các phụ nữ, cô nói: “Tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi thế giới không nhìn thấy phụ nữ và trẻ nữ trong cuộc khủng hoảng. Khi người ta lờ đi, thì chiến tranh diễn ra ngay trên thân thể phụ nữ. Điều này không được xảy ra ở Afghanistan.”

Trong cuộc phỏng vấn trước đây vào tháng 3, cô Nadia cũng đã gửi thông điệp đến những phụ nữ là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực. Cô nói: “Các bạn không đơn độc. Hơn một phần ba phụ nữ trên thế giới phải chịu bạo lực tình dục. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận nó. Có những phụ nữ ở mỗi cộng đoàn, sống sót sau khi chịu bạo lực, đã phản đối và tố cáo. Khi chúng ta đoàn kết để đấu tranh cho quyền lợi của mình, thì sự thay đổi ắt sẽ không tránh khỏi.”

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08/giai-nobel-hoa-binh-2018-biet-on-duc-thanh-cha.html