24/01/2025

Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi?

Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi?

Tác động từ quá trình sản xuất, sinh hoạt của con người chính là nguyên nhân khiến cho sông Lạch Bạng (TX.Nghi Sơn, Thanh Hoá) thay đổi theo chiều hướng xấu, đến các loài hải sản tự nhiễn cũng dần biến mất.
Những người dân đang đau đớn vì thiệt hại do cá chết không thể cứu được sông Lạch Bạng đang bị bức tử từng ngày /// ẢNH MINH HẢI
Những người dân đang đau đớn vì thiệt hại do cá chết không thể cứu được sông Lạch Bạng đang bị bức tử từng ngày  ẢNH MINH HẢI

Cá liên tục chết

Không ít lần cá lồng nuôi trên sông Lạch Bạng thuộc địa bàn các phường Bình Minh, Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) chết bất thường. Gần đây nhất, từ ngày 19.7 đến 16.8, ít nhất có 3 đợt cá bị chết gây thiệt hại kinh tế lớn cho hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi cá.
Điều đáng buồn là khi cá chết người dân không còn muốn báo với chính quyền địa phương (ngoài đợt cá chết vào ngày 19-20.7), vì họ cho rằng có báo cáo, có thống kê cũng chẳng giúp gì được cho dân.
Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi? - ảnh 1

Nhiều nguồn thải đang bức tử sông Lạch Bạng  ẢNH MINH HẢI

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tính (54 tuổi, ngụ thôn Liên Thịnh, P.Hải Bình, TX.Nghi Sơn) là một trong những hộ nuôi cá lồng lớn, với hơn 100 lồng nuôi. Ông Tính cho biết, từ ngày 19.7 đến 16.8, cá lồng của gia đình ông chết ít nhất 3 đợt, với khoảng hơn 10 tấn các loại cá mú, cá hồng mỹ, cá vược, cá sủ.
“Chẳng làm sao được, cứ thi thoảng cá lại ngạt rồi lăn ra chết hàng loạt. Những lúc phát hiện cá ngạt, nổi lên mặt nước mở hệ thống sục lên để tiếp ô xy nhưng cũng không ăn thua. Chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng qua, gia đình tôi thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Cá chết rải rác mấy lần gần đây, tôi cũng chẳng báo cho chính quyền nữa, vì có báo cũng thế thôi”, ông Tính than thở.
Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi? - ảnh 2

Người dân chỉ biết ngậm đắng nuốt cay nhìn cá chết, sông bị ô nhiễm  ẢNH MINH HẢI

Gia đình ông Cao Văn Bốn (57 tuổi, ngụ xã Hải Bình, TX.Nghi Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Hàng chục lồng cá của gia đình ông qua 2 đợt chết giờ chỉ còn lồng không, nằm trơ trọi giữa dòng sông đang bốc mùi hôi thối.
“Trước đây, cứ chiều đến là nhiều người vác cần ra bờ sông câu cá tự nhiên. Nhiều người, nhiều gia đình con sống bằng nghề đánh bắt hải sản tự nhiên ở sông, vì hồi đò hàu, tôm, cá, ghẹ… nhiều lắm. Khoảng 4 năm nay, hải sản tự nhiên rất ít, và hầu như không ai còn mưu sinh được bằng nghề đó nữa. Nguyên nhân cũng bởi do nước sông ô nhiễm từ quá trình sản xuất của các nhà máy, các cơ sở chế biến hải sản, nước thải sinh hoạt… Cứ đà này, sông Lạch Bạng dần dần chẳng còn con gì sống được cả đâu”, ông Bốn lo âu.
Những thiệt hại về kinh tế do cá lồng chết có thể không đến mức khiến cho người dân kiệt quệ, trở nên nghèo đói, nhưng mối lo lớn nhất của người dân chính là mất đi dòng sông xanh trong, mất đi môi trường sinh sản của các loài thủy hải sản.

Ai cứu sông Lạch Bạng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, nghề nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng chủ yếu là tự phát, từ khoảng 10 năm trước. Nguyên nhân người dân có một thời gian ồ ạt đổ ra sông nuôi cá, là bởi các dự án phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn đã lấy đi đất nông nghiệp, trong khi ở khu vực ven biển thì người dân chỉ biết đến nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nên họ đổ tiền của ra sông nuôi cá.
Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi? - ảnh 3

Hàng trăm lồng cá trơ đáy sau những đợt cá chết bất thường  ẢNH MINH HẢI

Và có lẽ, cũng chính vì nuôi tự phát, không có quy hoạch vùng nuôi nên khi cá chết bất thường thì thay bằng tìm nguyên nhân, tìm cách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho người dân, chính quyền các địa phương lại họp dân và yêu cầu, khuyến cáo người dân không tiếp tục nuôi cá nữa, phải tháo dỡ lồng bè khỏi dòng sông.
Một người dân nuôi cá lồng ở P.Xuân Lâm nói: “Sau khi cá chết, chính quyền địa phương mời lên UBND phường rồi phổ biến cho người dân không được nuôi cá nữa, tháo dỡ lồng bè đi. Đất đai thì các dự án lấy, đi làm công nhân thì tuổi đã cao, thử hỏi ở khu vực ven sông, ven biển như này còn làm nghề gì khác ngoài nghề nuôi cá mà lại bắt tháo dỡ, không được nuôi nữa”.
Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi? - ảnh 4

Nước sông Lạch Bạng khi bị khuấy từ dưới đáy lên  ẢNH MINH HẢI

Một lãnh đạo P.Xuân Lâm cho hay: “Gần 10 năm trước, sông Lạch Bạng không ô nhiễm như bây giờ. Ngày trước, cá tôm các loại nhiều, giờ ô nhiễm cũng ít đi. Ô nhiễm mức độ như nào thì phải cơ quan chuyên môn mới xác định được. Nhưng bằng trực quan có thể thấy sông bây giờ ô nhiễm so với trước. Ô nhiễm có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tàu thuyền ra vào nhiều, rồi các hoạt động ở cảng cá thải nước thải, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy… làm cho sông bị ô nhiễm. Đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn công tác quản lý môi trường. Bình thường cũng quản lý rồi”.
Sông Lạch Bạng bị ‘bức tử’: Vì đâu nên nỗi? - ảnh 5

Ai sẽ cứu dòng sông đang chết dần vì ô nhiễm  ẢNH MINH HẢI

Bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc Công ty CP thương mại vận tải – chế biến hải sản Long Hải (doanh nghiệp vừa bị phát hiện có hành vi xả thải trái phép ra sông Lạch Bạng), khi trả lời phóng viên về tình trạng cá lồng chết trên sông Lạch Bạng, bà Cúc cho hay: “Cá chết thì xung quanh đây rất nhiều yếu tố, một là trong hệ thống các công ty, cái thứ hai ở đây trên cơ sở không phải quy hoạch để nuôi cá. Tất cả các điều kiện nó sẽ ảnh hưởng về môi trường. Ngay cả tàu bè vào nhiều rồi thì nước cá, nước này nước kia nó cũng ảnh hưởng”.
Giấc mơ sông Lạch Bạng trong xanh, sạch đẹp trở lại có lẽ sẽ ngày càng xa vời nếu cơ quan chức năng, chính quyền các cấp không đặt sự quan tâm đúng mức, nhanh chóng để cứu sông.
MINH HẢI
TNO