Các Giám mục Brazil tố cáo sự vi phạm quyền của người bản địa
Các Giám mục Brazil tố cáo sự vi phạm quyền của người bản địa
Nhân Ngày Quốc tế các Dân tộc bản địa 9/8, Đức cha Roque Paloschi, Giám mục của Porto Velho, Chủ tịch Hội đồng Truyền giáo Bản địa Brazil (CIMI), lên tiếng tố cáo về tình trạng vi phạm quyền của người bản địa một cách có hệ thống. Đức cha nói: “Có quá nhiều cuộc tấn công và quá nhiều bạo lực nhắm vào người bản địa dưới nhiều hình thức. Quyền của họ bị vi phạm một cách có hệ thống, liên tục, từ chính phủ này sang chính phủ khác. Hậu quả là quyền của họ ngày càng bị giảm hoặc bị gạt bỏ. Và hiện nay, quyền này đang phải đối mặt với một thực tế rất nghiêm trọng.”
Đức cha cho biết, thực tế, rất nhiều cuộc tấn công chống lại toàn cuộc sống, văn hoá và lãnh thổ của người bản địa. Và điều này đôi khi còn được thực hiện với sự bao che của chính quyền, làm cho quyền của các cộng đoàn truyền thống, nói chung những người dễ bị tổn thương bị xâm phạm. Tất cả những điều này tác động tiêu cực đến đời sống xã hội ở Brazil, như làm gia tăng sự bất khoan dung, phân biệt đối xử.
Theo Chủ tịch Hội đồng Truyền giáo Bản địa, để giúp người bản địa đấu tranh cho quyền sống, đất đai, giáo dục, y tế, thì trong mọi trường hợp không được quên rằng các dân tộc bản địa là các dân tộc có sự trao đổi lẫn nhau, và cần phải tôn trọng quyền của họ, quyền mà họ đã giành được sau nhiều năm nỗ lực đấu tranh bảo vệ thụ tạo và sự sống. Từ đây, Đức cha kêu gọi mọi người liên đới với những người đầu tiên sinh sống tại lục địa Châu Mỹ.
Ngày Quốc tế các Dân tộc Bản địa được Liên Hiệp Quốc thiết lập, để kỷ niệm cuộc họp đầu tiên tại Genève ngày 9/8/1982 của nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc dành cho các dân tộc bản địa. Mục đích của ngày này là nhằm giúp nâng cao ý thức cộng đồng về sự cần thiết bảo đảm điều kiện cuộc sống với phẩm giá tối thiểu cho các dân tộc bản địa trên khắp hành tinh, đặc biệt liên quan đến quyền tự quyết của họ.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-08/giam-muc-brasil-to-cao-vi-pham-quyen-ban-dia.html