25/12/2024

Hội thảo Hoà giải Châu Âu lần thứ 12

Hội thảo Hoà giải Châu Âu lần thứ 12

“Cùng nhau học hỏi từ Auschwitz: định hình các tương quan theo cách xây dựng” là chủ đề của Hội thảo Hoà giải Châu Âu lần thứ 12 sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 16/8 tại Auschwitz, Ba Lan.

Sự kiện được tổ chức bởi Tổ chức Massimiliano Kolbe, thành lập vào năm 2007 với sự hỗ trợ của Hội đồng Giám mục Ba Lan và Đức. Các tham dự viên sẽ là các giám mục của hai quốc gia và những người sống sót từ trại tập trung.

Hội đồng Giám mục Đức cho biết mục tiêu của cuộc gặp gỡ sẽ là phân tích “những vết thương lâu dài do Auschwitz và Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ra: trên cơ sở những kinh nghiệm khác nhau, các tham dự viên sẽ trao đổi ý kiến về các quan điểm cơ bản của việc khắc phục bạo lực và hoà giải, cũng như những khó khăn phải đối diện trong quá trình này”.

Đức Tổng Giám mục Ludwig Schick của Tổng Giáo phận Bamberg, Chủ tịch Uỷ ban Giáo hội Hoàn vũ của Hội đồng Giám mục Đức và là người đứng đầu Hội đồng quản trị của Tổ chức Massimiliano Kolbe, giải thích: “Năm nay chúng tôi cũng kỷ niệm 80 năm ngày mất của Thánh Massimiliano Kolbe, mẫu gương bác ái và là thánh bảo trợ hoà giải cho toàn Châu Âu. Ngày 14/8/1941, linh mục Dòng Phanxicô đã chết trong phòng hơi ngạt của trại tập trung Auschwitz, sau khi chấp nhận chết thay cho một người cha của một gia đình. Cha đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI phong Chân phước năm 1971, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982. Để tưởng nhớ ngài, vào chiều tối ngày 13/8, một sự kiện kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trung tâm Đối thoại và Cầu nguyện Auschwitz.”

Đức Tổng Giám mục Schick nói thêm: “Chúng tôi đã đi một chặng đường dài hướng tới sự hoà giải giữa người Ba Lan và người Đức, và hướng tới hoà bình theo tinh thần Tin Mừng. Đặc biệt trong thời điểm này, nơi được đánh dấu bởi nhiều thách đố chính trị ở Đông và Tây, kinh nghiệm hoà giải vẫn còn là một định hướng và khuyến khích quan trọng để đối diện với những thách đố vì hoà bình.”

Do đó, theo Đức Tổng Giám mục, Hội thảo Châu Âu góp phần củng cố con đường hướng tới chữa lành và hoà giải trên toàn châu lục và để hình thành một mạng lưới hỗ trợ Châu Âu cho các hoạt động tương tự. Cũng bởi vì dưới ánh sáng từ kinh nghiệm đại dịch Covid-19, tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tin cậy ngày càng rõ ràng. (CSR_5368_2021)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-08/hoi-thao-hao-giai-chau-au-lan-12.html