23/01/2025

Phát hiện hành tinh ngày đêm chẳng khác gì nhau

Phát hiện hành tinh ngày đêm chẳng khác gì nhau

Các nhà thiên văn học bất ngờ phát hiện một hành tinh lạ, cách Trái đất vỏn vẹn 35 năm ánh sáng, và nơi này thì ngày chẳng khác gì đêm.

 

Mô phỏng hành tinh Coconuts-2b /// Đại học Hawaii
Mô phỏng hành tinh Coconuts-2b ĐẠI HỌC HAWAII
Coconuts-2b là hành tinh khổng lồ khí, khối lượng lớn gấp 6 lần sao Mộc và đang quay xung quanh một sao lùn đỏ với khoảng cách hơn 900 tỉ km (6.471 đơn vị thiên văn), theo báo cáo của đội ngũ chuyên gia của Đại học Hawaii (Mỹ) đăng tên chuyên san Astrophysical Journal Letters.
Sao lùn đỏ được đặt tên Coconuts-2a, với khối lượng chỉ bằng 1/3 mặt trời của chúng ta và trẻ hơn gấp 10 lần so với mặt trời.
Khoảng cách trên giữa Coconuts-2b và sao trung tâm lớn gấp 6000 lần so với khoảng cách giữa Trái đất và mặt trời. Và hành tinh này phải mất đến 1,1 triệu năm mới hoàn tất một vòng quay quanh ngôi sao của nó.
Nhiệt độ bề mặt của Coconuts-2a được ước tính vào khoảng 161 độ C.
Quỹ đạo rộng của hành tinh và nhiệt độ thấp của sao trung tâm cũng đồng nghĩa với thực tế ngày và đêm trên Coconuts-2b không khác gì nhau. Và trong mọi thời điểm, Coconuts-2a xuất hiện trên bầu trời hành tinh dưới dạng một chấm tròn đỏ tươi.
Sự tồn tại của Coconuts-2b và hệ sao Coconut-2 của nó là kết quả đến từ khám phá bất ngờ của anh Zhoujian Zhang, nghiên cứu sinh của Đại học Hawaii. Coconuts-2b được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011, nhưng lúc đó các nhà thiên văn học cho rằng nó là một thiên thể trôi dạt tự do chứ không phải là hành tinh xoay quanh một ngôi sao.
Cho đến nay, Coconuts-2b cũng là hành tinh gần nhất được ghi nhận trực tiếp bằng hình ảnh từ Trái đất.
HẠO NHIÊN
TNO