23/12/2024

2 yếu tố quyết định khả năng giảm lây truyền virus của vắc xin COVID-19

2 yếu tố quyết định khả năng giảm lây truyền virus của vắc xin COVID-19

Bên cạnh việc bảo vệ người bệnh trở nặng và tử vong do COVID-19, việc giảm khả năng lây nhiễm virus của vắc xin cũng là mối quan tâm hàng đầu với các nhà nghiên cứu vắc xin.

 

 

2 yếu tố quyết định khả năng giảm lây truyền virus của vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Minh họa ngăn ngừa xâm nhiễm virus của những người không tiêm vắc xin và đã tiêm vắc xin – Ảnh: TRẦN MINH TRANG

Cho đến nay, dù chưa nhiều nhưng có những nghiên cứu uy tín chứng minh vai trò của vắc xin COVID-19 trong việc giảm khả năng xâm nhiễm hoặc lây truyền virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng trên toàn cầu. Các nhà khoa học cho rằng có hai yếu tố quyết định khả năng giảm lây truyền virus của vắc xin COVID-19, gồm: 1. Ngăn ngừa sự xâm nhiễm của virus và 2. Giảm sự phát tán virus.

Nghiên cứu đáng chú ý của Israel

Theo đó, một số nghiên cứu lâm sàng đã bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm ngoái đến nay ở Anh và Israel, nơi có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đủ 2 liều trên 50% dân số, để kiểm tra liệu vắc xin COVID-19 có giúp chặn đứng sự lây nhiễm virus người sang người hay không.

Vào đầu tháng 7 năm nay, các nhà khoa học Israel đã đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet một bằng chứng khoa học về khả năng giảm lây truyền virus SARS-CoV-2 của vắc xin Pfizer/BioNTech. Nghiên cứu được thực hiện trên 9.347 nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Sheba nước này từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021.

Những trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm hay tiếp xúc gần với F0 được xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy nhóm tiêm đủ 2 liều vắc xin có tỉ lệ dương tính là 1,8% (23 ca dương tính trên 1.300 trường hợp), con số này thấp hơn đáng kể so với nhóm người chưa tiêm vắc xin 5,2% (75 ca dương tính trên 1.441 trường hợp). Như vậy hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa sự xâm nhiễm của virus là 65%.

Tiếp tục đánh giá trên nhóm có kết quả PCR dương tính nhưng không triệu chứng, họ phát hiện giá trị Ct trung bình cao hơn đáng kể ở nhóm được tiêm chủng so với không được tiêm chủng (27,3 so với 22,2). Giá trị Ct càng cao cho thấy lượng virus có trong mẫu càng thấp.

Ngoài ra, tỉ lệ dương tính với xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cũng thấp hơn đáng kể ở nhóm được tiêm chủng (31%) so với chưa tiêm chủng (80%). Điều này phản ánh vắc xin có hiệu quả làm giảm tải lượng virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc giảm khả năng phát tán virus.

Tóm lại, họ đưa ra kết luận vắc xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả giảm sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 từ 48-86% thông qua ngăn ngừa sự xâm nhiễm và giảm sự phát tán của virus.

Nhà khoa học Anh tin tưởng vắc xin

Tuần trước, một công bố khác ở Anh đã giúp củng cố thêm vai trò của vắc xin giảm lây truyền virus. Nghiên cứu đánh giá trên 365.447 hộ gia đình (có 2-10 nhân khẩu) có một trường hợp bị dương tính ở mỗi hộ và hơn 1 triệu người tiếp xúc gần.

Kết quả cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trong các hộ gia đình có một người dương tính không chích vắc xin là 10,1%. Tỉ lệ này thấp hơn đáng kể ở các hộ gia đình có dương tính đã nhận ít nhất một liều vắc xin Oxford-AstraZeneca (5,7%) hoặc vắc xin Pfizer/BioNTech (6,2%) trước đó 21 ngày.

Sự lây nhiễm thấp hơn 40-50% ở các hộ gia đình có người dương tính được tiêm chủng 21 ngày trở lên trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính so với các hộ gia đình có bệnh nhân chưa được tiêm chủng. Kết quả nhìn chung là tương tự đối với hai loại vắc xin Oxford-AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Xác suất lây nhiễm có thể thấp hơn nếu đã nhận đủ 2 liều vắc xin.

Trong một công bố khác đăng tải trên tờ The Lancet vào tháng 4, các nhà khoa học Anh cũng chứng minh vắc xin Pfizer/BioNTech có thể ngăn ngừa sự xâm nhiễm của virus SARS-CoV-2 khoảng 70% sau liều đầu tiên 21 ngày và 85% sau liều thứ hai 7 ngày. Nghiên cứu này có hơn 23.000 người tham gia trên khắp nước Anh với độ tuổi trung bình 46, và ở thời điểm đó biến thể Alpha B1.1.7 đang thịnh hành tại nước này.

Đáng chú ý, vào giữa tháng 7, nhà khoa học Pitzer và các cộng sự công bố hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa sự xâm nhiễm của virus lên đến 80-88% trong môi trường hộ gia đình tại Israel. Cụ thể, với các trường hợp dương tính dù đã tiêm chủng đủ 2 liều, phân tích cho thấy vắc xin có hiệu quả giảm sự lây nhiễm từ 41-79%. Qua đó, hiệu quả tổng thể của vắc xin Pfizer/BioNTech trong việc chặn đứng sự lây lan của virus là 88,5%.

Hãy tiêm chủng, nếu có cơ hội

Kết luận: các bằng chứng về hiệu quả của vắc xin COVID-19 chống lại sự lây truyền virus SARS-CoV-2 trên đã khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Do vậy, hãy tiêm chủng vắc xin khi bạn có cơ hội để đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng hiện nay tại Việt Nam nhằm sớm đẩy lùi đại dịch về trong quá khứ, mang lại cuộc sống bình thường.

Dẫu vậy, những người được tiêm chủng không nên chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng dịch như khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách. Bởi vì vắc xin có thể không hoàn toàn chặn đứng sự lây lan của virus, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn khiêm tốn. Hơn nữa, vẫn cần thêm bằng chứng về khả năng lây nhiễm của những người được tiêm chủng với từng vắc xin cụ thể đối với các biến thể virus đáng quan ngại hiện nay như biến thể Delta.

CDC Mỹ: Delta lây nhanh hơn cúm mùa

Báo Washington Post tiếp cận được một tài liệu nội bộ của Cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đề ngày 29-7, về biến thể Delta, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.

Cụ thể, các chuyên gia Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây tương đương virus gây bệnh thủy đậu (varicella) – một trong những virus hiện nay có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm thông thường, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa.

Ngoài khả năng lây lan gia tăng, độc lực của Delta “có vẻ như mạnh hơn chủng gốc” – một trang tài liệu viết. Trong phần tóm tắt, nhóm tác giả khuyến cáo do sự xuất hiện của Delta, CDC cần phải nhìn nhận rằng “cuộc chiến đã thay đổi”, và cần thông tin nhiều hơn để công chúng hiểu vắc xin là cách duy nhất giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng.

PHÚC LONG

TS TRẦN MINH TRANG (Đại học Ghent, Bỉ và thành viên Ban khoa học, Ruy Băng Tím)
TTO