Phát hiện hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc

Phát hiện hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận đã phát hiện chứng cứ đầu tiên cho thấy có sự hiện diện của hơi nước trên Ganymede, mặt trăng băng giá của sao Mộc.

 

 

 

Mặt trăng Ganymede và hai ảnh chụp cách nhau 20 năm của Hubble /// NASA
Mặt trăng Ganymede và hai ảnh chụp cách nhau 20 năm của Hubble  NASA
Ganymede, mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời, được bao phủ bởi một lớp băng. Các nhà khoa học cho rằng thiên thể này có thể sở hữu đại dương chất lỏng ở độ sâu 160 km tính từ bề mặt. Đồng thời, nhiều khả năng đại dương đó có thể đang chứa sự sống ngoài Trái đất.
Hôm 26.7, NASA tuyên bố dựa trên dữ liệu do kính Hubble thu thập trong vòng 2 thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã tìm ra chứng cứ đầu tiên cho thấy có hơi nước bên trong khí quyển mỏng manh của mặt trăng sao Mộc.
Dựa trên phát hiện mới, các chuyên gia có thể hiểu thêm về khí quyển của Ganymede. Trước đó, họ chỉ biết khí quyển của mặt trăng này chứa ô xy.
Có vẻ như nhiệt độ gần đường xích đạo của Ganymede đã tăng đến mức đủ ấm để phóng thích một số lượng nhỏ phân tử hơi nước.
Kể từ khi được phát hiện vào tháng 1.1610, Ganymede trở thành mục tiêu nghiên cứu của các thế hệ nhà thiên văn học địa cầu.
Với đường kính 5.262 km, Ganymede có kích thước lớn hơn sao Thủy lẫn sao Diêm Vương, hay còn gọi là hành tinh lùn Pluto. Đây cũng là mặt trăng duy nhất trong hệ mặt trời sở hữu từ quyển, vùng không gian bao quanh thiên thể do từ trường tạo ra.
HẠO NHIÊN
TNO