23/01/2025

Đức Bênêđictô XVI than phiền các tổ chức của Giáo hội Đức thiếu đức tin

Đức Bênêđictô XVI than phiền các tổ chức của Giáo hội Đức thiếu đức tin

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong lễ mở cửa Năm Thánh nhân Năm Thánh Lòng Thương xót năm 2015 (AFP or licensors)

Trả lời một cuộc phỏng vấn bằng văn bản, như được đăng trong số tháng 8/2021 của tạp chí tiếng Đức Herder Korrespondenz, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã phê bình tình trạng thiếu đức tin trong các cơ sở, tổ chức của Giáo hội ở Đức. Theo ngài, Giáo hội ở Đức có xu hướng xem trọng tổ chức và thể chế hơn là ơn gọi cởi mở với Thiên Chúa.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI năm nay 94 tuổi, đã trả lời các câu hỏi từ truyền thông Đức nhân kỷ niệm 70 năm ngày thụ phong linh mục của ngài, 29/6/2021.

Đức Bênêđictô XVI lo lắng: “Trong các tổ chức của Giáo hội ở Đức – bệnh viện, trường học, Caritas – nhiều người giữ vị trí quan trọng không chia sẻ sứ mạng chính của Giáo hội và do đó nhiều khi làm lu mờ chứng tá của Giáo hội.” Theo ngài, thực tế này ảnh hưởng đến các tài liệu do Giáo hội ở Đức công bố. Ngài cảnh báo rằng nếu việc soạn thảo những tài liệu này không được linh hứng bởi trái tim và Chúa Thánh Linh, thì “việc thế giới rời bỏ đức tin sẽ tiếp tục”.

Đức nguyên Giáo hoàng cũng đưa ra một suy tư về thuật ngữ tiếng Đức Amtskirche (nghĩa đen là Giáo hội của Nhà nước hoặc Giáo hội thể chế), được dùng để chỉ tất cả các cơ sở và tổ chức của Công giáo Đức được tài trợ bởi tiền thuế. Theo ngài, thuật ngữ này “được tạo ra để diễn tả sự tương phản giữa những gì được đức tin chính thức đòi hỏi và những gì được tin tưởng cách cá nhân”.

Đức Bênêđictô XVI nhận định rằng nhiều tài liệu được Giáo hội Đức công bố đã được soạn thảo bởi những người xem đức tin hầu như là thể chế, tổ chức. Ngài nói: “Bao lâu trong các văn bản của các tổ chức của Giáo hội chỉ có văn phòng, chứ không nói đến trái tim và Chúa Thánh Linh, thì cuộc di cư khỏi thế giới đức tin sẽ tiếp tục kéo dài.” Do đó, theo ngài, điều cần thiết là những người phát ngôn của Giáo hội ở Đức phải bước ra khỏi văn phòng của họ và làm chứng cho đức tin của họ. Ngài khẳng định rằng “Giáo lý phải phát triển trong và từ đức tin, chứ không phải đứng bên cạnh nó”, và ngài nhấn mạnh rằng “một giáo lý mà tồn tại như một khu bảo tồn tách biệt khỏi đời sống hằng ngày của đức tin và các nhu cầu của nó thì đồng thời sẽ là sự rời bỏ chính đức tin”. (CNA 26/07/2021)

Hồng Thuỷ