24/11/2024

ĐHY Napier kêu gọi cầu nguyện cho Nam Phi

ĐHY Napier kêu gọi cầu nguyện cho Nam Phi

Tình hình bất ổn tại Nam Phi (AFP or licensors)

Đức Hồng y Wilfrid Napier, nguyên Tổng Giám mục của Durban, phản ánh tình trạng bất ổn của Nam Phi trong thời gian gần đây, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cho hoà bình ở đất nước này.

Trong những ngày gần đây, Nam Phi bị bao trùm bởi bạo loạn và cướp bóc tồi tệ nhất chưa từng có trước đây. Hơn 200 người chết và hơn 1000 vụ bắt giữ. Tình hình bất ổn bắt đầu vào ngày 8/7 khi cựu Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, đã tự nộp mình cho nhà chức trách để nhận án tù 15 tháng vì tội khinh thường toà án. Những người ủng hộ ông Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal, quê hương ông, đã dựng rào chắn và đốt lốp xe trên đường cao tốc để phản đối. Các cuộc biểu tình còn lan sang các khu vực khác. Các đám đông nhắm mục tiêu vào các trung tâm mua sắm, nhà máy và nhà kho, đốt cháy và cướp bóc những người khác.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các chính trị gia Nam Phi, các lãnh đạo các phe nhóm và những người có liên quan đến tình hình bất ổn của đất nước cùng hợp tác để khôi phục hoà bình. Ngài nói: “Cùng với các giám mục của đất nước, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm, hãy làm việc vì hòa bình và cộng tác với chính quyền hỗ trợ những người gặp khó khăn. Không được quên ước muốn đã hướng dẫn dân tộc Nam Phi để tái sinh trong sự hoà hợp giữa tất cả mọi người dân của đất nước.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, Đức Hồng y Wilfrid Napier, nguyên Tổng Giám mục của Durban, bày tỏ lòng biết ơn về sự gần gũi của Đức Thánh Cha với Nam Phi. Đức Hồng y cho biết lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha là dấu hiệu cho thấy toàn thể Giáo hội hoàn vũ đang cầu nguyện và có sự quan tâm dành cho quốc gia.

Nguyên Tổng Giám mục của Durban cũng bày tỏ lòng biết ơn đến Sứ thần Toà Thánh tại Nam Phi, Đức Tổng Giám mục Peter Wells. Chính Đức Sứ thần đã tổng hợp các tuyên bố của Hội đồng Giám mục Nam Phi, Hội đồng Kitô KwaZulu-Natal và Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Phi thành báo cáo gửi đến Roma.

Về phần Giáo hội Công giáo, Đức Hồng y cho biết, trong bối cảnh đầy thử thách này, đặc biệt từ khi có đại dịch, với mong muốn giảm bớt đau khổ cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương, các tổ chức của Giáo hội đã có những buổi gặp gỡ trực tuyến hằng tuần để đưa ra các biện pháp an toàn giúp cộng đoàn vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, sau sự bùng nổ của các cuộc bạo động, các buổi gặp gỡ này đã cố gắng giải quyết “Covid của linh hồn đang nắm quyền điều hành quốc gia và phá huỷ lối sống và suy nghĩ của nhiều người”.

Ngọc Yến