25/12/2024

Thế vận hội Olympic: Nếu tình huynh đệ là huy chương đẹp nhất

Thế vận hội Olympic: Nếu tình huynh đệ là huy chương đẹp nhất

Logo Olympic 2021 Tokyo Logo Olympic 2021 Tokyo (AFP or licensors)

Trước thềm khai mạc Thế Vận hội Olympic 2021, sáng ngày 19/7, tác giả Alessandro Gisotti, biên tập viên của Vatican News có một bài bình luận về Thế Vận hội dựa trên tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, nơi đó giáo huấn của ngài về thể thao như một cách thức để tăng cường sự hoà hợp giữa các dân tộc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh đến tiềm năng giáo dục của thể thao cho giới trẻ, và tầm quan trọng của việc “tham gia” và chơi công bằng, cũng như giá trị của sự thất bại, vì sự vĩ đại của một người được nhìn thấy khi người ấy ngã nhiều hơn là khi họ chiến thắng, trong thể thao cũng như trong cuộc sống.

Về chủ đề này, hồi đầu năm, Đức Thánh Cha đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn dài với trang báo thể thao Gazzetta dello Sport: “Chiến thắng chứa đựng cảm giác vui sướng khó tả, nhưng thất bại cũng có điều gì đó tuyệt vời (…) Từ những thất bại, chiến thắng đẹp đẽ được sinh ra, bởi vì khi nhận ra sai lỗi thì khát vọng sửa sai được nhen nhóm. Tôi cũng muốn nói rằng ai chiến thắng thì không biết mình mất gì.”

Do đó, trong một thời điểm được đánh dấu bởi sự đứt gãy và phân cực ở mọi thể loại, thì đối với Đức Thánh Cha, như ngài nói với các vận động viên của Thế Vận hội Đặc biệt, thể thao là “một trong những ngôn ngữ phổ quát vượt qua những khác biệt về văn hoá, xã hội, tôn giáo và thể lý, và có khả năng gắn kết mọi người, khiến họ tham gia vào cùng một cuộc chơi và các nhân vật chính của chiến thắng và thất bại đều cùng nhau”.

Thế Vận hội Olympic 2021 được gọi là “Thế Vận hội buồn”. Tại Tokyo, để tránh sự lây lan Covid-19, khán đài của các sân vận động sẽ không có khán giả, các vận động viên không được phép ôm nhau; các vận động viên sẽ phải tự đeo huy chương lên cổ để tránh mọi tiếp xúc có thể.

Tuy nhiên, trong bầu khí ảm đạm vì đại dịch, ý nghĩa và giá trị của sự kiện – tinh thần huynh đệ, hoà hợp giữa các dân tộc như được thể hiện trên logo 5 vòng khuyên đang xen nhau – được gia tăng. Đây là một thông điệp mà chắc chắn ngày nay rất cần, khi chúng ta thấy mình “cùng trên một chiếc thuyền” để đối mặt với muôn vàn khó khăn trong một thời đại thay đổi bất ngờ với những hậu quả khó lường.

Do đó, ngày nay, hơn bao giờ hết, thách thức không chỉ là giành huy chương vàng – như ước mơ và mục tiêu của mọi vận động viên Olympic – mà là tất cả cùng nhau giành chiến thắng huy chương của tình huynh đệ nhân loại.

Văn Yên, SJ