Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Mễ Du – lịch sử 40 năm của đức tin
Ngày 24/6/1981, các thiếu nữ tại làng Mễ Du đã nhìn thấy hiện tượng lạ: hình bóng một phụ nữ chiếu sáng trên đám mây, mà các em khẳng định là Đức Mẹ Maria và hiện tượng này vẫn tiếp tục nhiều lần cho đến nay. Giáo hội chưa đưa ra tuyên bố chính thức về hiện tượng được cho là Đức Mẹ hiện ra, nhưng một điều không thể chối bỏ đó là Mễ Du đã trở thành một trong những trung tâm hành hương Đức Mẹ với những câu chuyện về lòng đạo đức và ơn hoán cải. Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép hành hương Mễ Du.
Giáo xứ Mễ Du
Medjugorje – Mễ Du – nằm tại một đồng bằng màu mỡ “giữa những ngọn núi” (đây là nghĩa đen của thuật ngữ Medjugorje). Giáo xứ Mễ Du được ghi nhận từ năm 1599 nhưng sau đó đã biến mất dưới thời Thổ Nhĩ Kỳ thống trị nơi này. Nó được xây dựng lại vào thế kỷ XVIII và kể từ năm 1892, giáo xứ được chăm sóc mục vụ bởi các tu sĩ Dòng Phanxicô.
Đức tin Công giáo của dân làng luôn được coi là “không thể lay chuyển”: một cây Thánh giá bê tông cao 12 mét, được dựng lên vào năm 1933 trên đỉnh núi Krizevac và tồn tại trong Thế chiến thứ hai cũng như dưới thời cộng sản. Nhà thờ giáo xứ dâng kính Thánh Giacôbê được xây dựng từ năm 1934 đến năm 1969 và ngày nay vẫn là nhà thờ lớn duy nhất trong cả nước.
Khởi đầu của sự kiện Mễ Du
Đời sống Mễ Du đã thay đổi từ ngày 24 tháng 6 năm 1981, một buổi chiều đầu mùa hè và ở một nơi hẻo lánh, chính xác là trên ngọn đồi Podbrdo, nơi nhìn ra làng Bijakovici – ngày nay thuộc Bosnia và Herzegovina. Các thiếu nữ bắt đầu nhìn thấy một hình bóng phụ nữ sáng chói mà họ xác định là Đức Trinh Nữ Maria.
Đó là vào lúc 4 giờ chiều, hai cô gái tuổi 15 và 16, Ivanka Ivankovic và Mirjana Dragicevic, khi đang đi bộ dưới chân một ngọn đồi đá có tên là Podbrdo, đã nhìn thấy hình dáng một phụ nữ trên một đám mây nhỏ. Vì vậy, khi trở về họ đã kể lại cho dân làng. Vào khoảng 16 giờ rưỡi chiều, họ lại lên đồi và lần này có Vicka Ivankovic, chị họ của Ivanka, cùng đi. Ba cô gái cho biết lần này họ lại nhìn thấy hình bóng bí ẩn đó bế một em bé trên tay, và ngay lập tức họ xác định đó là Đức Mẹ. Và sau đó những thiếu niên khác cũng được nhìn thấy những lần mà theo họ là chính Đức Mẹ đã hiện ra.
Lời mời gọi hoà giải và sám hối
Bắt đầu từ những sự kiện đó và từ những câu chuyện đó, trong 40 năm này, lịch sử của Medjugorje – Mễ Du – đã mở ra, trong một vùng đất nghèo nàn, khi đó bị chế độ cộng sản thống trị. Sáu thiếu niên, khi đó còn rất trẻ, nói về những lần hiện ra của Đức Maria, người xưng là “Nữ Vương Hoà Bình”. Thông điệp của Mễ Du cơ bản là một lời mời hòa giải và sám hối.
Với thời gian trôi qua, địa điểm hẻo lánh ở vùng Balkans này ngày càng trở nên nổi tiếng trên thế giới, với hàng triệu người hành hương đến đó mỗi năm. Với hàng dài người đến xưng tội và chầu Thánh Thể đông đúc. Có rất nhiều câu chuyện hoán cải. Vì vậy, bốn mươi năm được đánh dấu bằng những cuộc hành hương, những sứ điệp, những cuộc hoán cải, sự gắn kết với các Bí tích, sự ngạc nhiên và thậm chí là những câu hỏi. Người ta đã nhìn thấy ở Mễ Du một lịch sử đức tin với những thành quả đã hiển hiện trong sự thay đổi cuộc sống, ngay cả từ rất xa.
Uỷ ban điều tra dưới thời Đức Bênêđictô XVI
Để xác định rõ về những lần được cho là Đức Mẹ hiện ra, vào năm 2010, Đức Bênêđictô XVI muốn có một ủy ban điều tra quốc tế trong Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm 17 hồng y, giám mục, thần học gia và chuyên gia, dưới sự chủ trì của Đức Hồng y Camillo Ruini. Công việc kéo dài 4 năm và cuối cùng, một báo cáo chung kết, chưa bao giờ được công bố chính thức, đã được chuyển cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
ĐTC Phanxicô khẳng định ý nghĩa mục vụ thiêng liêng của Mễ Du
Đó có phải là những lần Đức Mẹ thật sự hiện ra không? Đức Thánh Cha vẫn chưa đưa ra kết luân. Trên chuyến bay từ Fatima trở về Roma vào tháng 5 năm 2017, trả lời một câu hỏi liên quan đến Mễ Du, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “tất cả các lần hiện ra hoặc được cho là hiện ra thuộc phạm vi tư, chúng không phải là một phần của Huấn quyền chung bình thường của Giáo hội”. Ngài cũng nhắc lại công việc của Uỷ ban Điều tra phân biệt ba khía cạnh. “Trong những lần hiện ra đầu tiên, khi những ‘thị nhân’ là những thiếu niên, báo cáo nói rằng phải tiếp tục điều tra. Về những lần hiện ra được cho là hiện tại, báo cáo có những nghi ngờ” và “khía cạnh thứ ba, cốt lõi thực sự của báo cáo của Đức Hồng y Ruini: chiều kích tâm linh, chiều kích mục vụ, người dân đến đó và hoán cải, những người gặp Chúa, những người thay đổi cuộc sống… Người ta không thể phủ nhận thực tế mục vụ-thiêng liêng này”.
Bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục người Ba Lan Henryk Hoser
Đức Thánh Cha chú ý đến lòng đạo đức bình dân. Năm 2018, ngài đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục người Ba Lan Henryk Hoser, Thanh tra Tông toà và là đặc sứ cho Giáo xứ Mễ Du: một nhiệm vụ hoàn toàn có chiều kích mục vụ, tiếp nối với sứ vụ của vị Đặc sứ của Tòa Thánh cho giáo xứ Mễ Du, đã được trao phó cho Đức cha Hoser năm trước và đã kết thúc. Phòng Báo chí Toà Thánh giải thích: “Sứ mạng của Thanh tra Tông toà có mục đích đảm bảo sự đồng hành ổn định và liên tục cho cộng đoàn Giáo xứ Mễ Du và của các tín hữu đến đó hành hương, những người có nhu cầu cần được quan tâm đặc biệt.”
Chính thức cho phép hành hương Mễ Du
Như một dấu hiệu của sự chú ý, một lần nữa, vào năm sau đó, năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định cho phép các cuộc hành hương đến Mễ Du. Từ thời điểm đó trở đi các giáo phận và giáo xứ có thể chính thức tổ chức các cuộc hành hương và sẽ không còn chỉ diễn ra dưới hình thức “riêng tư”, như trước đây.
Mời gọi giới trẻ khám phá ý nghĩa của sống
Sự nhạy cảm đối với những người đến nơi này dường như cũng là thông điệp mà năm ngoái Đức Phanxicô đã gửi đến các tham dự viên Đại hội giới trẻ, sự kiện đã được tổ chức ở Mễ Du từ 30 năm nay, trong đó ngài kêu gọi họ “khám phá ra một cách sống khác, khác với những thứ mà văn hóa tạm thời cung cấp cho chúng ta”. Đức Thánh Cha nói với những người trẻ, ở với Chúa thực tế là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Mễ Du trong “Marathon cầu nguyện” với Kinh Mân Côi
Một sự kiện khác gần đây liên quan đến giáo xứ kính Thánh Giacôbê, ở Mễ Du: nơi này được chọn làm một trạm trong chương trình “marathon cầu nguyện”, như mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, cầu nguyện cho đại dịch kết thúc và nối lại các hoạt động. Đây là một “cuộc tiếp sức” cầu nguyện với sự tham gia của 30 trung tâm Thánh Mẫu. Ngày 15 tháng 5 là ngày đền thánh Đức Mẹ Mễ Du hướng dẫn giờ kinh Mân Côi, cầu nguyện đặc biệt cho những người di cư.
Mễ Du: nơi gặp gỡ, sùng kính Đức Mẹ và trở về với Chúa
Cần lưu ý rằng cả việc bổ nhiệm Đức cha Hoser và quyết định về các cuộc hành hương không liên quan đến các câu hỏi giáo lý liên quan đến tính xác thực về tường thuật của sáu “thị nhân” về những gì đã xảy ra bắt đầu từ tháng 6 năm 1981, những điều vẫn chưa được kết luận. Điều nổi lên là Mễ Du ngày càng trở thành một nơi quy tụ các Kitô hữu: một nơi gặp gỡ, một nơi sống lòng sùng kính Đức Mẹ và một nơi, trong nhiều năm qua, để trở về với Chúa.
Cha Salvatore Perrella, giáo sư tín lý và Thánh mẫu học tại Phân khoa Thần học của Học viện Giáo hoàng Marianum và là cựu thành viên của “Uỷ ban Ruini” đã giải thích với báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý: “Chúng ta có thể nói như Đức Tổng Giám mục Hoser rằng, liên quan đến Toà Thánh và cũng như ý tưởng của Đức Thánh Cha, Mễ Du không còn là một ‘nơi đáng nghi ngờ’ mà là nơi hàng ngàn hàng vạn tín hữu đi đến với Chúa Kitô qua Đức Trinh Nữ Maria”.
Ý kiến của Đức Hồng y Christoph Schönborn
Nhận định về quan điểm của Đức Thánh Cha, ngày 18/6 vừa qua, trả lời phỏng vấn của tạp chí “Ốc đảo hoà bình” của phong trào Mễ Du ở Áo, Đức Hồng y Christoph Schönborn, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Vienne của Áo, nói rằng Đức Phanxicô đã: thực hiện những bước quyết định đối với Mễ Du” và vì điều này “không thể không cảm ơn ngài”. Đức Thánh Cha đã nhiều lần công khai ca ngợi báo cáo của Đức Hồng y Ruini là “rất tích cực” và nhấn mạnh “sự tin tưởng của ngài vào những gì Trời cao ban cho chúng ta ở Mễ Du”. Đức Hồng y cho biết ngài cũng coi việc Đức Thánh Cha cử Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser làm đặc sứ của Đức Thánh Cha đến Mễ Du là một “bước đi quyết định”. Nơi này hiện đã được “đặt dưới sự bảo vệ của giáo hoàng”.
Trước sự dè dặt của một số người về những thông điệp được các “thị nhân” truyền lại không có “bất cứ điều gì mới”, Đức Hồng y Schönborn trả lời rằng bản thân ngài sẽ “lo lắng” nếu có điều mới. Nó cũng giống như những bà mẹ luôn khuyên con cùng điều tương tự với những cách thế hơi khác nhau; ví dụ: “Con đã đánh răng chưa?”, “Con đã rửa tay chưa?”, “Con đã làm bài tập chưa?” – Điều này cũng đúng với Mễ Du. Đối với Đức Hồng y, “điều quan trọng không phải là luôn mong đợi điều gì đó mới mẻ, mà là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở về những gì liên quan đến đời sống Kitô hữu”. Việc hàng triệu người trên thế giới đọc hàng tháng những thông điệp như “Hãy cầu nguyện!”, “Hãy ăn năn”, “Hãy hoán cải”, “Hãy làm việc đền tội”, “Hãy lắng nghe Con của Mẹ!”, “Cảm ơn vì Mẹ đã lắng nghe con!”, Không nghi ngờ gì nữa, là “điều gì đó làm chúng ta vui mừng”.
Dòng người hành hương đông đảo đến Mễ Du, theo Đức Hồng y, là “cảm giác mà mọi người có đối với sự hiện diện của siêu nhiên”. Niềm tin yêu của các tín hữu, được cảm nhận mạnh mẽ ở Mễ Du là “thước đo chắc chắn cho hành trình của Giáo hội”; nó cũng tạo nên sức sống của Giáo hội và nhắc nhở chúng ta rằng đức tin Công giáo trước hết là một biến cố của các mối quan hệ.
Đức Hồng y chia sẻ rằng trong chuyến viếng thăm Mễ Du, ngài cũng cảm nghiệm rằng Mẹ Maria thật sự hiện diện. Ngài cho biết thêm rằng ngài đặc biệt bị ấn tượng bởi “tính bình thường” tuyệt vời, mà theo ngài đó là “một trong những dấu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy Mễ Du đúng đắn”. “Không có gì cường điệu, không đề cao cảm xúc hay tình cảm thái quá”; “cũng là giây phút thinh lặng trong lần chuỗi Mân Côi, trong đó một trong những ‘thị nhân’ đã trải nghiệm sự hiện diện đặc biệt của Đức Mẹ – mọi thứ diễn ra bình thường như tôi tưởng tượng ở Nazareth, trong Thánh Gia”.