24/11/2024

ĐTC Phanxicô (18/7): Người môn đệ cần nghỉ ngơi và có lòng trắc ẩn

ĐTC Phanxicô (18/7): Người môn đệ cần nghỉ ngơi và có lòng trắc ẩn

Trưa Chúa nhật 18/7/2021, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Cũng như mọi khi, trước khi cầu nguyện Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn, diễn giải Tin Mừng Chúa Nhật tuần XVI thường niên (Mc 6,30-34).

Người môn đệ cần phải nghỉ ngơi

Đức Thánh Cha nói rằng, thái độ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng giúp chúng ta nắm bắt được hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống. Đầu tiên là sự nghỉ ngơi. Các Tông đồ trở về sau hoạt động truyền giáo và phấn khởi kể lại tất cả những gì các ông đã làm, Chúa Giêsu dịu dàng đáp lại bằng một lời mời gọi: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (c. 31).

Đức Thánh Cha giải thích: “Khi làm như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta một lời dạy quý giá. Mặc dù vui khi thấy các môn đệ hoan hỉ vì những điều kỳ diệu của việc rao giảng, nhưng Chúa không dành thời gian cho những lời khen ngợi và đặt câu hỏi, nhưng quan tâm đến sự mệt mỏi về thể chất và nội tâm của các môn đệ. Chúa muốn các ông ý thức về một mối nguy hiểm luôn rình rập, ngay cả với chúng ta. Đó là để bản thân bị lôi cuốn vào vòng xoáy làm việc điên cuồng, rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa hoạt động. Để rồi, điều quan trọng nhất đối với chúng ta chỉ là hiệu quả của công việc và cảm giác mình là nhân vật chính tuyệt đối.”

Theo Đức Thánh Cha, điều này cũng thường xảy ra trong Giáo hội. Chúng ta bận rộn, chúng ta chạy loanh quanh, chúng ta nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, và cuối cùng chúng ta có nguy cơ bỏ Chúa. Đó là lý do vì sao Chúa mời các môn đệ nghỉ ngơi riêng một chút với Người.

Đức Thánh Cha quảng diễn thêm về sự nghỉ ngơi: “Đây không chỉ là sự nghỉ ngơi thể chất, mà còn là sự nghỉ ngơi của con tim. Vì nếu chỉ ‘rút phích cắm’ thôi thì chưa đủ, chúng ta cần nghỉ ngơi thực sự. Và để làm được điều này, chúng ta cần quay trở lại trọng tâm của mọi sự: dừng lại, thinh lặng, cầu nguyện, để kế hoạch điên cuồng của công việc không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của chúng ta. Chúa Giêsu không từ chối nhu cầu của đám đông, trái lại mỗi ngày, trước hết, Người rút lui trong cầu nguyện, trong thinh lặng, trong tình thân mật với Chúa Cha. Lời mời dịu dàng của Chúa – hãy nghỉ ngơi đôi chút – phải đồng hành với chúng ta: chúng ta hãy thận trọng với thái độ chỉ quan tâm đến hiệu quả, chúng ta hãy dừng lại cuộc chạy đua điên cuồng của quyết định cho các chương trình nghị sự. Chúng ta hãy học cách tạm dừng, tắt điện thoại di động để nhìn thẳng vào mắt mọi người, trau dồi sự thinh lặng, chiêm ngắm thiên nhiên, tái tạo bản thân trong cuộc đối thoại với Chúa.”

Người môn đệ phải có lòng trắc ẩn

Đức Thánh Cha nói tiếp về phần thứ hai của Tin Mừng: “Tin Mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu và các môn đệ không thể nghỉ ngơi như ý muốn. Mọi người tìm thấy Chúa và các môn đệ và từ khắp các thành đổ xô đến. Tại thời điểm đó, Chúa chuyển sang lòng trắc ẩn.” Theo Đức Thánh Cha, đây là khía cạnh thứ hai của cuộc sống người môn đệ: lòng trắc ẩn. Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu trao ban chính mình cho dân chúng và tiếp tục giảng dạy. Điều này tưởng chừng là mâu thuẫn nhưng thực sự không phải vậy. Thực tế, chỉ có trái tim không để mình bị cuốn đi bởi sự vội vàng mới có khả năng xúc động, nghĩa là không để mình bị cuốn theo những việc cần làm, nhưng để ý đến người khác, vết thương và nhu cầu của họ. Lòng trắc ẩn nảy sinh từ việc chiêm niệm. Nếu chúng ta học cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có lòng trắc ẩn thực sự; nếu chúng ta trau dồi một cái nhìn chiêm niệm, chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động của mình, không có thái độ thô bạo của những kẻ muốn chiếm hữu và tiêu thụ mọi thứ; nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không làm cho nơi sâu thẳm nhất của chúng ta bị gây mê, thì những việc cần làm sẽ không có quyền lấy đi hơi thở của chúng ta và nuốt chửng chúng ta. Chúng ta cần một “hệ sinh thái của trái tim” được tạo thành từ nghỉ ngơi, chiêm niệm và lòng trắc ẩn.

Đức Thánh Cha kết thúc bài suy niệm với lời mời gọi các tín hữu cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã nuôi dưỡng sự thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm, và luôn động lòng trắc ẩn dịu dàng đối với những người con của Mẹ.

Sau kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân ở Đức, Bỉ và Hà Lan bị ảnh hưởng bởi thiên tai và lũ lụt. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa đón nhận những người đã qua đời và an ủi gia đình họ, cùng nâng đỡ những người bị thiệt hại nghiêm trọng.

Tiếp đến, liên quan đến tình trạng bạo lực ở Nam Phi, làm cho dân chúng vốn đã gặp nhiều khó khăn về kinh tế và sức khỏe do đại dịch, càng thêm khốn khổ hơn, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi: “Cùng với các giám mục của đất nước, tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm, hãy làm việc vì hòa bình và cộng tác với chính quyền hỗ trợ những người gặp khó khăn. Không được quên ước muốn đã hướng dẫn dân tộc Nam Phi để tái sinh trong sự hòa hợp giữa tất cả mọi người dân của đất nước.”

Đức Thánh Cha cũng không quên nhắc đến Cuba, đặc biệt những gia đình đang đau khổ do cuộc khủng hoảng. Ngài nói: “Tôi cầu xin Chúa giúp Cuba xây dựng một xã hội ngày càng công bằng và huynh đệ trong hoà bình, liên đới và đối thoại. Tôi khuyến khích mọi người dân Cuba phó thác cho sự bảo vệ của Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng. Xin Mẹ đồng hành với mọi người trong cuộc hành trình này.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha chào tất cả mọi người đang hiện diện tại quảng trường, trong đó có nhiều bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ đến từ các nguyện xá của các giáo xứ. Đức Thánh Cha chúc các bạn trẻ có một cuộc hành trình tốt trên con đường của Tin Mừng.

Ngọc Yến