24/11/2024

Bắc bán cầu đang bị ‘thiêu cháy’

Bắc bán cầu đang bị ‘thiêu cháy’

Biến đổi khí hậu đang tàn phá Bắc bán cầu khi gây ra đợt nắng nóng chưa từng thấy khiến hàng trăm người chết và một thị trấn bị phá huỷ.
Khói bốc lên từ đám cháy ở hồ Long Loch và Derrickson ở miền Trung Okanagan ở Canada ngày 30.6 /// Reuters
Khói bốc lên từ đám cháy ở hồ Long Loch và Derrickson ở miền Trung Okanagan ở Canada ngày 30.6 REUTERS

Nắng nóng khắp nơi

Những ngày gần đây, thị trấn nhỏ Lytton (Canada) có lúc ghi nhận nhiệt độ kỷ lục tại nước này là 49,6 độ C. Đợt nắng nóng chưa từng có kéo dài hơn một tuần đã giết chết hàng trăm người và gây ra hơn 240 vụ cháy rừng trên khắp tỉnh bang British Columbia. Đám cháy đã biến phần lớn Lytton thành tro bụi và buộc người dân ở thị trấn, cũng như hàng trăm người dân ở vùng lân cận, phải sơ tán ngay lập tức.
Tuần trước, đường xá ở khu vực tây bắc nước Mỹ bị tan chảy trong khi người dân ở thành phố New York tại bờ Đông được yêu cầu không sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng như máy giặt, máy sấy và thậm chí cả điều hòa để đảm bảo an toàn lưới điện.
Tại Nga, Moscow ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay trong tháng 6 là 34,8 độ C vào ngày 23.6, và những người nông dân vùng Siberia đang cố gắng cứu cây trồng của họ khỏi chết trong đợt nắng nóng đang diễn ra.
Ngay cả ở Vòng Bắc cực, nhiệt độ đã tăng vọt lên tới hơn 30 độ C. Tổ chức Khí tượng Thế giới đang tìm cách xác minh nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay ở phía bắc Vòng Bắc cực kể từ khi bắt đầu ghi chép nhiệt độ, sau khi một trạm thời tiết ở Verkhoyansk tại Siberia ghi nhận nhiệt độ vào ngày 20.6 lên tới 38 độ C.
Bắc bán cầu đang bị 'thiêu cháy' - ảnh 1

Một người đàn ông đứng bên quạt phun sương trên một con phố ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 30.6 AFP

Tại Ấn Độ, hàng chục triệu người ở phía tây bắc bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ hôm 30.6 đã phân loại thủ đô New Delhi và các thành phố xung quanh là nơi chịu “nắng nóng cực độ nghiêm trọng”, với nhiệt độ duy trì ở mức hơn 40 độ C, cao hơn 7 độ C so với bình thường.
Tại Iraq, ngày 1.7, nhà chức trách cho người lao động, học sinh ở một số tỉnh, bao gồm cả thủ đô Baghdad hưởng một ngày nghỉ do nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C và hệ thống điện thủ đô bị sập.

Tác động của biến đổi khí hậu

Giới chính trị gia cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng như các đợt nắng nóng này. Đầu tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm giữa nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. “Chúng ta đang chứng kiến những đám cháy rừng có cường độ lớn hơn, lan rộng với tốc độ nhanh hơn và kéo dài qua cả mùa khô”.
Các chuyên gia cho biết rất khó để xác định chính xác mối liên hệ của những sự kiện thời tiết này, nhưng không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các đợt nắng nóng ập đến một số khu vực của Bắc bán cầu cùng một lúc.
Nhà khí tượng học Nikos Christidis của Cơ quan Khí tượng quốc gia Anh cho biết các nghiên cứu cho thấy rằng nếu không có sự tác động của con người thì hầu như nhiệt độ không thể nóng đến mức kỷ lục như vậy như tại các khu vực bị ảnh hưởng ở Canada và Mỹ.
Ông Christidis cho biết trong quá khứ, nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra, thì nhiệt độ khắc nghiệt ở phía tây bắc của Mỹ hoặc tây nam Canada sẽ xảy ra trong khoảng “hàng chục ngàn năm một lần”. Tuy nhiên hiện nay, nó có thể xảy ra sau mỗi 15 năm hoặc lâu hơn và nếu tiếp tục phát thải khí nhà kính thì sự thay đổi có thể xảy ra thường xuyên như mỗi năm hoặc hai năm một lần.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO