18/11/2024

Chúa Nhật XV Thường Niên B: Tông đồ và ngôn sứ

Dù là tông đồ hay ngôn sứ, một khi được gọi, Thiên Chúa đều chờ đợi nơi người được gọi sự trung thành với Thiên Chúa và sứ mạng được Người trao phó.

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B

(Am 7,12-15; Ep 1,3-10a; Mc 6,7-13)

TÔNG ĐỒ VÀ NGÔN SỨ

“Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6,7a)

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa mời gọi sự cộng tác của những con người khác nhau trong những hoàn cảnh cụ thể cho những nhiệm vụ riêng biệt. Trong số đó có các tông đồ và ngôn sứ: Tông đồ là những sứ giả được sai đi để thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao; còn ngôn sứ là những người được Thiên Chúa gọi để nói theo ý Người. Dù là tông đồ hay ngôn sứ, một khi được gọi, Thiên Chúa đều chờ đợi nơi người được gọi sự trung thành với Thiên Chúa và sứ mạng được Người trao phó.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Câu chuyện về sứ mạng của Amos cho thấy nét đặc biệt của ơn gọi ngôn sứ, theo đó Thiên Chúa gọi những ai Người muốn và trao cho sứ mạng nói cho ai và nói những gì.

Từ vùng đất Giuđa, vương quốc miền Nam, Amos được Chúa kêu gọi làm ngôn sứ tại Bêthel, nơi có đền thờ của vương quốc miền Bắc là Israel (x. Am 7,13). Dù Amos chỉ là một người chăn đàn vật (x. 1,1) và chăm sóc cây sung (x. 7,14) nhưng khi được gọi làm ngôn sứ, ông không sao cưỡng lại (x. 3,8). Chính Thiên Chúa đã “bắt lấy” ông khi ông đang đi theo sau đoàn vật và truyền cho ông hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Người (x. 7,15).

Trong hoàn cảnh vương quốc Israel ở miền Bắc đang trong cảnh hoà bình, thịnh vượng, đời sống kinh tế đang phát triển; người ta xây biệt thự (x. Am 3,15), ăn uống tiệc tùng (x. Am 6,4-6), buôn bán, thì Amos lại tố cáo những bất công trong xã hội (x. Am 6,12), sự ngược đãi người nghèo (x. Am 4,1), tình trạng gian dối, bóc lột (x. Am 8,5). Trước những bất công và khốn cùng của người nghèo, Amos cho thấy sự thịnh vượng chỉ là cảnh an toàn giả tạo và tuyên sấm về cảnh mất nước nhà tan sắp xảy đến (x. x. 6,14; 7,17). Amasia, vị tư tế tại đền thờ Bêthel, lo ngại, vì Amos dám tuyên sấm chống lại nhà vua ngay trong đền thờ nên khuyên ông trở về Giuđa, nhưng Amos vẫn một mực trung thành với sứ mạng ngôn sứ mà Thiên Chúa đã trao phó cho ông.

Như vậy, làm ngôn sứ không phải là một sự lựa chọn mang tính cá nhân mà là một ơn gọi từ Thiên Chúa nên người được gọi không thể tìm cách thoái thác. Ngôn sứ cũng không được chọn lựa nói điều mình muốn, nói cho ai mình thích hay nói những gì vừa lòng người nghe, mà nói theo điều Thiên Chúa truyền, nói cho những đối tượng được Người chỉ định.

2. Bài đọc 2:

Qua bài thánh ca quen thuộc mà Hội thánh đọc hằng tuần, thánh Phaolô dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, vì trong và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ và ban cho muôn vàn ơn phúc cho con người.

Trước hết là ơn được tuyển chọn (Ep 1,4). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương, tuyển chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ và đặt chúng ta vào trong chương trình cứu độ. Như vậy, sự tuyển chọn và cứu độ con người được đặt lên hàng đầu trong toàn bộ công trình của Thiên Chúa. Mục đích của sự tuyển chọn là để con người được trở nên tinh tuyền, thánh thiện trước nhan Thiên Chúa.

Sau nữa là ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa (Ep 1,5-6). Theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa, Ngài đã tiền định cho chúng ta được làm nghĩa tử, làm anh em của Đức Giêsu, Đấng là Trưởng Tử, là nguồn mạch và gương mẫu cho ơn làm nghĩa tử (x. Rm 8,29). Đồng thời, ơn làm nghĩa tử là để chúng ta hằng ngợi khen ân sủng mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người.

Thêm vào đó là ơn được cứu chuộc (Ep 1,7-8). Trong Đức Kitô và nhờ máu Người đổ ra, Thiên Chúa, do lượng ân sủng phong phú của Người, đã thực hiện trong lịch sử ý định Người đã có từ muôn đời, là cho Đức Kitô chết trên thập giá, đổ máu ra mà ban ơn tha thứ cho loài người, chuộc lại con người đã bị làm nô lệ cho tội lỗi.

Sau cùng là ơn được biết mầu nhiệm của Thiên Chúa (Ep 1,9-10a). Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được giữ kín từ muôn thuở, nhưng nay Người ban cho con người sự khôn ngoan thông hiểu để được biết: đó là kế hoạch yêu thương thực hiện trong Đức Kitô, là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô. Ơn cứu độ trong Đức Kitô quy tụ muôn loài thành một thể thống nhất dưới quyền Đức Kitô; quy tụ muôn người vào trong một Hội thánh duy nhất do Đức Kitô thiết lập

3. Bài Tin mừng

Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai ra đi loan báo Tin mừng, và đòi hỏi các ông phải khước từ những gì không cần thiết để chỉ tập trung chu toàn sứ mạng được giao phó.

Trước hết, Chúa Giêsu sai từng hai môn đệ để các ông tương trợ lẫn nhau và để lời chứng của các ông có giá trị. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền trừ quỷ, nghĩa là cho các ông chia sẻ phần nào quyền năng của Thiên Chúa trên ma quỷ và sự dữ. Khi các môn đệ biết cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như khi các ông biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, thì sứ mạng của các ông mới đem lại kết quả.

Hơn nữa, Chúa Giêsu chỉ thị cho các ông khi đi đường không được mang những gì không thật sự cần thiết cho sứ mạng loan báo Tin mừng như lương thực, bao bị, tiền bạc vì “làm thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10, 10; x. Lc 10,7). So với các tác giả Nhất Lãm khác, chỉ riêng Marcô nói đến việc được mang cây gậy và đôi dép khi đi đường (x. Mt 10,1-15; Lc 9,1-6). Trong Cựu ước, cây gậy là dấu chỉ năng quyền Thiên Chúa trao cho Môisen, Aharon (x. Xh 4,2; 14,16; 17,5), nên việc các môn đệ cầm cây gậy có thể ngầm ý rằng: các ông chỉ có thể cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ra, việc Mátthêu và Luca cấm các môn đệ đi giày có lẽ muốn nói rằng cấm mang theo một đôi giày dư ra, vì đi chân đất trên các nẻo đường đầy sỏi đá xứ Palestine rất khó khăn. Hơn nữa, có thể vào thời Marcô, tình thế khá nguy hiểm cho người môn đệ truyền giáo, nên Marcô chấp nhận giảm nhẹ, để người môn đệ có phương tiện tự bảo vệ là cây gậy và đôi dép.

Sau cùng, nhiệm vụ chính yếu của các môn đệ là đến ở với người ta, rao giảng kêu gọi họ ăn năn sám hối, trừ quỷ và xức dầu để chữa những người đau ốm. Khi xức dầu để chữa lành bệnh nhân về thể lý cũng như kêu gọi người ta sám hối và trừ quỷ, để chữa lành những bệnh tật trong tâm hồn, các môn đệ được chia sẻ sứ mạng chữa lành của Chúa Giêsu. Tất cả những ai đón nhận các môn đệ là sẵn sàng mở lòng, để đón nhận ơn chữa lành từ Thiên Chúa; còn những ai chối từ các ông là chối từ ân sủng chữa lành của Thiên Chúa. Và việc giũ bụi chân là để cho họ thấy rằng: việc chối từ ơn chữa lành của Thiên Chúa là một thiếu sót, một sai lầm nghiêm trọng.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Ơn ngôn sứ không phải là sự chọn lựa của Amos nhưng là lời mời gọi từ Thiên Chúa. Sứ mạng ngôn sứ đòi buộc Amos phải rời bỏ quê quán để đến một nơi mà ông không mong muốn, thôi thúc ông tuyên sấm những gì Thiên Chúa truyền, dù lời sấm có thể phải chống lại cả những người quyền thế. Dù bị ghen ghét, xua đuổi, Amos vẫn trung thành với sứ mạng được giao phó. Qua Bí tích Rửa tội, mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi làm ngôn sứ cho Chúa, nói những điều Chúa truyền, và không lùi bước trước những khó khăn. Làm ngôn sứ cho Chúa chưa bao giờ là một sứ mạng dễ dàng, nhưng Chúa không bỏ rơi những ai trung thành với Người.

2/ Thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải cho con người biết chương trình cứu độ của Ngài. Trong và nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa tuyển chọn con người, cho được làm nghĩa tử và ban ơn cứu độ là tha thứ muôn vàn tội lỗi nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá. Mọi Kitô hữu đều được lãnh nhận những ơn phúc cao quý này, được thôi thúc sống tinh tuyền, thánh thiện và cùng với Đức Kitô mà ca tụng Thiên Chúa.

3/ Các Tông đồ được Chúa Giêsu sai đi rao giảng và trao cho năng quyền chữa lành về thể lý và tinh thần. Để có thể chu toàn sứ mạng này, các Tông đồ phải sống tinh thần phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa và hoàn toàn thanh thoát đối với của cải. Sống thanh thoát để không cậy dựa hay lệ thuộc thái quá vào của cải vật chất hoặc bất cứ phương tiện nào khác, ngoại trừ lòng tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn là chìa khoá thành công của người tông đồ Chúa Kitô mọi nơi và mọi thời.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương mời gọi chúng ta cộng tác vào công cuộc loan báo Tin mừng, hầu muôn người được quy tụ và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Cộng đoàn chúng ta cùng chúc tụng tri ân Chúa và tha thiết dâng lời cầu nguyện.

1. “Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và sai đi từng hai người một”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho hàng giáo phẩm luôn hợp nhất trong đức tin và đức ái, tận tâm hoàn thành sứ mạng Chúa trao bằng lời rao giảng, gương sáng đạo đức, và những hoạt động bác ái.

2. “Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ có quyền trên các thần ô uế”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết nhìn nhận và trân trọng những nỗ lực của Giáo hội, nhằm đẩy lui sự dữ, chữa lành và thanh luyện lương tâm con người.

3. Môn đệ Chúa Kitô luôn bị người đời khước từ và chống đối. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang dấn thân cho các hoạt động tông đồ, luôn khiêm tốn và nhẫn nại trong sứ vụ, siêu thoát trước của cải vật chất, và tin tưởng phó thác kết quả cho thánh ý Chúa.

4. Trong Đức Kitô, mọi tín hữu được chọn để trở nên tinh tuyền thánh thiện. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn liên kết mật thiết với Đức Kitô qua việc lắng nghe cùng thực hành Lời Chúa, và nhiệt tâm với sứ mạng loan báo Tin mừng.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và chúc phúc, để chúng con luôn hăng say tiếp nối sứ vụ tông đồ của Con Chúa, hầu đem tin mừng cứu độ đến cho nhiều người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.