24/11/2024

Người không tiêm phòng Covid-19 sẽ trở thành ‘nhà máy sản xuất biến thể’

Người không tiêm phòng Covid-19 sẽ trở thành ‘nhà máy sản xuất biến thể’

Càng có nhiều người không được chủng ngừa, vi rút càng có nhiều cơ hội phát triển.
Các quốc gia đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng Covid-19 cho người dân /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Các quốc gia đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng Covid-19 cho người dân ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Ngày 4.7, phát biểu trên CNN, giáo sư – tiến sĩ William Schaffner, công tác tại Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cảnh báo: “Những người không (hoặc chưa được) tiêm chủng vắc xin Covid-19 là những nhà máy sản xuất biến thể tiềm tàng. Càng có nhiều người không được chủng ngừa, vi rút càng có nhiều cơ hội sinh sôi, phát triển”.
Các loại vi rút đều đột biến trong cơ thể vật chủ, trong khi một số đột biến làm suy yếu vi rút, một số khác lại giúp ích cho nó dễ lây nhiễm hơn hoặc khả năng lây nhiễm vật chủ đa dạng hơn. “Khi vi rút xuất hiện, nó sẽ đột biến và có thể tạo ra một dạng đột biến thậm chí còn nghiêm trọng hơn”, tiến sĩ Schaffner nói.
Khi vi rút truyền sang người khác, đột biến sẽ nhân lên và nếu đủ mạnh, nó sẽ trở thành một biến thể. Theo các chuyên gia, một phiên bản đột biến phải tự tái tạo để trở thành một biến thể mới, và những người chưa được tiêm ngừa sẽ tạo cho nó cơ hội đó.
Về cơ bản, nếu vi rút không lây lan thì không thể đột biến nên phạm vi tiêm chủng càng bao phủ thì hiệu quả ngăn chặn các đột biến trở thành biến thể đáng lo ngại càng cao. Thống kê cho thấy những biến thể nguy hiểm nhất thường được phát hiện trong giai đoạn số lượng bệnh nhân tăng cao.
Andrew Pekosz, nhà vi sinh vật học và miễn dịch học tại Trường Y tế công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thông tin: “Mỗi khi vi rút thay đổi, nó lại bổ sung một nền tảng khác để xuất hiện thêm nhiều đột biến”.
Theo CNN, các quốc gia đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng Covid-19 cho người dân vì các biến thể đang nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới, đặc biệt là biến thể Delta được ghi nhận lần đầu tiên ở Ấn Độ. Biến thể này hiện đã có mặt tại 98 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định các quốc gia đang trong “thời kỳ rất nguy hiểm” của đại dịch. Giới chuyên gia y tế công cộng đặc biệt lo ngại về những rủi ro mà biến thể Delta gây ra, ngay cả đối với người đã được tiêm chủng. Tình trạng thiếu vắc xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cùng với sự chần chừ tiêm vắc xin của một bộ phận công dân trên toàn thế giới đang là trở ngại trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể vi rút mới và các đột biến gây chết người.
“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng vào thời điểm này năm sau, 70% người dân ở mọi quốc gia đều được tiêm chủng”, CNN dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
NGỌC MINH KHUÊ
TNO