23/12/2024

ĐTC Phanxicô – Giáo lý: Thánh Phaolô, vị tông đồ đích thực

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta suy ngẫm về cách Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, làm chúng ta ngạc nhiên, đổi mới và biến đổi hoàn toàn chúng ta bởi Chúa Thánh Thần, và củng cố chúng ta trở thành môn đồ truyền giáo cho việc truyền bá Phúc âm và sứ điệp giải phóng của nó.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Sân San Damaso
Thứ Tư, 30 tháng 6 năm 2021

____________________________

Bài Giáo lý: 2. Thánh Phaolô, vị tông đồ đích thực
(Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát)

 

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp

Chúng ta hãy đi vào Thư gửi tín hữu Galát mỗi lần một ít. Chúng ta thấy các Kitô hữu này rơi vào thế kình chống nhau về cách sống đức tin. Thánh Tông đồ Phaolô bắt đầu viết Thư nhắc nhở họ nhớ đến mối liên hệ trong quá khứ của họ, cảm giác khó chịu khi phải xa họ và tình yêu không thay đổi ngài vốn dành cho mỗi người trong số họ. Tuy nhiên, ngài không thể không nêu lên mối quan tâm của ngài rằng tín hữu Galát nên đi theo con đường đúng đắn: đây là mối quan tâm của một người cha, người đã tạo ra các cộng đoàn trong đức tin. Ý định của ngài rất rõ ràng: cần phải nhắc lại tính mới mẻ của Tin Mừng, mà tín hữu Galát đã nhận được qua lời rao giảng của ngài, để xây dựng căn tính đích thực làm cơ sở cho sự hiện hữu của họ. Và đây là nguyên tắc: tái khẳng định tính mới mẻ của Tin Mừng, mà tín hữu Galát đã nhận được từ ngài.

Ngay lập tức, chúng ta thấy Thánh Phaolô có một kiến thức sâu sắc về mầu nhiệm Chúa Kitô. Ngay từ đầu Thư của ngài, ngài đã không tuân theo những lập luận thấp kém được những người gièm pha ngài sử dụng. Thánh Tông đồ “bay cao” và cũng cho chúng ta thấy cách cư xử khi xung đột nảy sinh trong cộng đồng. Thực thế, chỉ đến cuối Thư, chúng ta mới thấy rõ rằng trọng tâm của bài giảng là vấn đề cắt bì, trước nay vẫn là truyền thống chính của người Do Thái. Thánh Phaolô quyết định đi sâu hơn, vì điều đang gặp nguy cơ là sự thật của Tin Mừng và quyền tự do của các Kitô hữu, vốn là một phần không thể thiếu của Tin Mừng. Ngài không dừng lại ở bề mặt của các vấn đề, của các xung đột, như chúng ta thường bị cám dỗ muốn làm để tìm giải pháp tức thời khiến chúng ta lầm lẫn suy nghĩ rằng chúng ta hết thẩy đều có thể đồng ý với một thỏa hiệp. Thánh Phaolô yêu Chúa Giêsu và biết rằng Chúa Giêsu không phải là một người, một Thiên Chúa của sự thỏa hiệp. Đó không phải là cách thức hoạt động của Tin Mừng, nên Thánh Tông đồ đã chọn con đường nhiều thử thách hơn. Ngài viết: “Giờ đây, tôi tìm sự chấp thuận của con người, hay sự chấp thuận của Thiên Chúa?” Ngài không cố gắng làm hòa với mọi người. Và ngài viết tiếp: “Hay tôi đang cố gắng làm hài lòng mọi người? Nếu tôi còn làm đẹp lòng người ta, thì tôi đã không làm tôi tớ Đức Kitô ”(Gl 1:10).

Thứ nhất, Thánh Phaolô cảm thấy mình có nhiệm vụ nhắc nhở tín hữu Galát rằng ngài là tông đồ chân chính không phải bởi công trạng của mình, mà bởi ơn kêu gọi của Thiên Chúa. Ngài kể lại câu chuyện về ơn gọi và việc trở lại của ngài, trùng hợp với sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trong cuộc hành trình của ngài đến Đamát (x. Cv 9,1-9). Thật đáng lưu ý khi thấy các điều được ngài khẳng định về cuộc đời của ngài trước sự kiện đó. Và đây là những gì ngài nói về cuộc sống “trước đây” của ngài: “Tôi đã bách hại dữ dội Giáo Hội của Thiên Chúa và cố gắng phá hủy nó. Tôi tiến thân trong đạo Do Thái hơn nhiều người cùng lứa tuổi với tôi, vì tôi sốt sắng hơn nhiều đối với các truyền thống của tổ tiên tôi ”(Gl 1:13-14). Thánh Phaolô đã dám khẳng định rằng trong đạo Do Thái, ngài trổi vượt hơn mọi người khác, ngài là một người pharisêu thực sự nhiệt thành, “về sự công chính dựa trên lề luật, không có lỗi lầm” (Pl 3: 6). Hai lần ngài nhấn mạnh rằng ngài là người bảo vệ “truyền thống của cha ông” và là người “trung thành tuân thủ lề luật”. Đó là câu chuyện về Thánh Phaolô.

Một mặt, ngài nhấn mạnh rằng ngài đã bách hại dữ dội Giáo hội và là một “kẻ phạm thượng, một kẻ bách hại và một kẻ đầy bạo lực” (1 Tm 1:13). Ngài không từ một tĩnh từ nào: chính ngài tự mô tả ngài cách đó. Mặt khác, ngài nhấn mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa đối với ngài, điều này dẫn ngài đến chỗ trải nghiệm một sự biến đổi triệt để, tất cả chúng ta đều biết việc đó. Ngài viết: “Tôi vẫn chưa được các Giáo Hội ở Giuđêa vốn thuộc về Chúa Kitô biết đến; họ chỉ nghe nói: ‘Kẻ trước kia bách hại chúng ta, nay đang công bố đức tin mà ông ta từng cố gắng tiêu diệt’ ”(Gl 1:22-23). Ngài đã trở lại, ngài đã thay đổi, đã thay lòng đổi dạ. Do đó, Thánh Phaolô nêu bật chân lý về ơn gọi của ngài qua sự tương phản nổi bật đã được tạo ra trong cuộc đời ngài: từ việc là người bách hại các Kitô hữu vì không tuân theo các truyền thống và lề luật, ngài được kêu gọi trở thành một tông đồ để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta thấy Thánh Phaolô được tự do: ngài được tự do loan báo Tin Mừng và ngài cũng được tự do thú nhận tội lỗi của mình. “Tôi đã như vậy”: chính sự thật mang lại tự do cho trái tim, và đó là tự do của Thiên Chúa.

Nghĩ lại câu chuyện này, Thánh Phaolô đầy ngạc nhiên và biết ơn. Như thể ngài muốn nói với tín hữu Galát rằng ngài có thể là bất cứ điều gì, trừ là một tông đồ. Ngài đã được nuôi dưỡng từ khi còn là một cậu bé để trở thành một người tuân theo lề luật Môsê một cách không chê trách được, và các hoàn cảnh đã khiến ngài phải đánh phá các môn đệ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra: Thiên Chúa, bằng ân sủng của Người, đã mặc khải cho thánh nhân Con của Người, Đấng đã chết và đã sống lại, để thánh nhân trở thành sứ giả giữa các dân ngoại (x. Gl 1:15-6).

Đường lối của Chúa thật khôn dò xiết bao! Chúng ta trải nghiệm điều này mỗi ngày, nhưng đặc biệt khi chúng ta nghĩ lại những lần Chúa kêu gọi chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên thời gian và cách thức Thiên Chúa bước vào cuộc đời chúng ta: chúng ta hãy luôn ghi tạc trong tâm hồn và tâm trí chúng ta cuộc gặp gỡ ân sủng ấy, lúc Thiên Chúa thay đổi cuộc sống của chúng ta. Khi đối diện với những công trình vĩ đại của Thiên Chúa, câu hỏi sau đây rất thường được nêu ra: nhưng làm thế nào Thiên Chúa lại có thể sử dụng một tội nhân, một người mảnh khảnh yếu đuối, để thực hiện thánh ý Người? Tuy nhiên, không có điều gì trong số những điều này xảy ra một cách tình cờ, vì mọi sự đều được chuẩn bị trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người dệt nên lịch sử của chúng ta, câu chuyện của mỗi người chúng ta: Người dệt nên lịch sử của chúng ta và nếu chúng ta đáp ứng một cách tín thác đối với kế hoạch cứu rỗi của Người, chúng ta sẽ hiểu ra điều đó. Lời kêu gọi luôn bao hàm một sứ mệnh mà chúng ta đã được chỉ định; đó là lý do tại sao chúng ta được yêu cầu chuẩn bị bản thân một cách nghiêm túc, biết rằng chính Thiên Chúa là Đấng sai chúng ta đi, chính Thiên Chúa là Đấng hỗ trợ chúng ta bằng ân sủng của Người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cho mình được dẫn dắt bởi nhận thức này: tính ưu việt của ân sủng biến đổi sự hiện hữu và làm cho nó xứng đáng được xắp đặt để phục vụ Tin Mừng. Tính ưu việt của ân sủng bao phủ mọi tội lỗi, thay đổi các cõi lòng, thay đổi các cuộc sống và khiến chúng ta nhìn thấy những con đường mới mẻ. Chúng ta đừng quên điều này. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong bài giáo lý tiếp tục của chúng ta về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta suy ngẫm về việc thánh Phaolô thực thi quyền tông đồ của mình. Với sự chăm sóc của người cha, Phaolô nhắc nhở người Galát về lời rao giảng của ông về sự sống mới do Chúa Kitô mang lại, và nhắc lại sứ điệp Phúc Âm về sự tự do khỏi các mệnh lệnh của luật pháp Môsê. Phao-lô bảo vệ uy quyền của mình với tư cách là một Tông đồ, mô tả một cách trung thực hành trình hoán cải của chính mình – từ kẻ bách hại Giáo hội khốc liệt đến sự kêu gọi của lòng thương xót của Thiên Chúa để biết Chúa Giêsu Phục sinh và trở thành Tông đồ cho các quốc gia. Khi nhấn mạnh đến quyền năng của lòng thương xót Chúa hoạt động trong đời sống riêng của ngài, thánh Phaolô mời gọi chúng ta suy ngẫm về cách Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, làm chúng ta ngạc nhiên, đổi mới và biến đổi hoàn toàn chúng ta bởi Chúa Thánh Thần, và củng cố chúng ta trở thành môn đồ truyền giáo cho việc truyền bá Phúc âm và sứ điệp giải phóng của nó.