23/01/2025

Tiêm vắc xin COVID-19 quá liều, chưa có tai biến lớn

Tiêm vắc xin COVID-19 quá liều, chưa có tai biến lớn

Đã có một số trường hợp hy hữu bị tiêm vắc xin COVID-19 quá liều ở Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông. Các trường hợp này được theo dõi y tế, nhưng chưa có trường hợp nào gặp biến chứng nặng.

 

Tiêm vắc xin COVID-19 quá liều, chưa có tai biến lớn - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Tháng 4-2021, tại bang Iowa, 77 phạm nhân của một nhà tù ở bang này bị tiêm quá liều vắc xin (vaccine) COVID-19 của Pfizer/BioNTech do lỗi của hai y tá, Đài ABC News tường thuật.

Truyền thông Mỹ không có thông tin về độ tuổi cũng như lượng bị tiêm quá liều so với khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, dường như đây là vụ tiêm quá liều lớn nhất với vắc xin COVID-19 từng được ghi nhận.

Sau sự cố, theo hướng dẫn của cả Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ và Hãng Pfizer, các trường hợp bị tiêm quá liều được hướng dẫn theo dõi y tế thường xuyên trong 2 ngày.

Kết quả, họ chỉ gặp những tác dụng phụ thông thường phổ biến đã được cảnh báo ở vắc xin của Pfizer như đau tại chỗ tiêm, nhức mỏi người. Mẹ một phạm nhân cho biết con của bà thấy buồn nôn, chán ăn.

Tại Đức, cuối tháng 12-2020, có 8 nhân viên, gồm 1 nam, 7 nữ, độ tuổi 38-54, làm việc trong viện dưỡng lão cũng bị tiêm quá liều gấp 5 lần so với mức khuyến cáo liều lượng vắc xin của BioNTech/Pfizer.

Có 4 người phải nhập viện để theo dõi các triệu chứng giống như cúm nhưng không gặp biến chứng lớn.

Sự việc tương tự cũng xảy ra ở vùng Tuscany (Ý) ngày 9-5, nhưng với quy mô nhỏ hơn. Một nữ sinh bị tiêm gấp 6 lần liều lượng tiêu chuẩn vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech. Cô được theo dõi y tế ở bệnh viện và sức khỏe vẫn ổn định.

Tiêm quá liều vắc xin COVID-19 cũng từng được ghi nhận ở một vài nước như Úc và Israel, theo Hãng tin AFP. Tất cả các trường hợp tiêm quá liều đã được ghi nhận hầu như đều liên quan đến sai sót riêng của người tiêm.

Phía Hãng BioNTech cho biết khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn đầu, hãng đã sử dụng liều cao hơn so với hiện nay và các tình nguyện viên đều không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.

Khoảng cách giữa các liều tiêm vắc xin COVID-19 dựa vào kết quả nghiên cứu. Theo nghiên cứu đăng trên trang web của tạp chí khoa học Jama tháng 2-2021, vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch tương đối yếu nếu chỉ tiêm duy nhất một liều. Tuy nhiên, vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh khi thêm liều thứ hai và phản ứng miễn dịch sẽ kích hoạt đầy đủ sau 2 tuần.

Lựa chọn dung tích mỗi liều vắc xin cũng dựa trên nghiên cứu. Liều an toàn là liều không gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn ở các tình nguyện viên mà vẫn có hiệu quả.

CDC Mỹ khuyến cáo thời gian tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer là sau 21 ngày kể từ mũi đầu tiên và 28 ngày với vắc xin của Moderna.

Khoảng thời gian giữa các liều không quá 6 tuần, mặc dù nếu không tiêm liều thứ hai trong khung thời gian này, họ vẫn cần đi tiêm mà không cần lặp lại liều đầu.

Không nên tiêm liều thứ hai sớm hơn so với hướng dẫn. Nếu ai đó thực sự cần tiêm liều thứ hai sớm hơn, thì họ nên được tiêm liều thứ hai trước thời hạn 4 ngày.

HỒNG VÂN
TTO