23/01/2025

Nhìn lại việc Đức Thánh Cha bác đơn từ chức của ĐHY Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich

Nhìn lại việc Đức Thánh Cha bác đơn từ chức của ĐHY Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich

Trong những tuần gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa một số quyết định được dư luận đặc biệt chú ý và bàn luận, đặc biệt là vụ ngài cho công bố đơn của Đức Hồng y Reinhard Marx xin từ chức Tổng Giám mục Giáo phận Munich rồi sau đó bác đơn và yêu cầu Đức Hồng y tiếp tục nhiệm vụ.

Thân thế Đức Hồng y Marx

Đức Hồng y Marx năm nay 68 tuổi, sinh ngày 21/9/1953, thụ phong linh mục năm 1979 thuộc Giáo phận Paderborn, và được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá tại đây vào năm 1996, khi được 43 tuổi, trước khi được chuyển về làm Giám mục Chính toà Giáo phận Trier vào năm 2001. Cuối tháng 11/2007, Đức cha được thăng làm Tổng Giám mục Giáo phận Munich và được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm hồng y vào năm 2010. Sau đó, Đức Hồng y đã làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức trong 6 năm, từ 2014 đến 2020. Ngài cũng là thành viên Hội đồng Hồng y Cố vấn của Đức Thánh Cha, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Toà Thánh.

Thư từ chức

Trong thư từ chức viết ngày 21/5/2021 và được Đức Thánh Cha cho công bố ngày 4/6 sau đó, Đức Hồng y Marx đặc biệt nhấn mạnh gánh nặng của những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên đè trên số phận của Giáo Hội. Ngài nhìn nhận “những thất bại về phương diện cá nhân” và những “sai lầm về hành chánh”, và cả sự thất bại của cơ chế và hệ thống của Giáo Hội liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục. Đức Hồng y viết: “Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm về sự thất bại ấy.” Và theo Đức Hồng y có một khúc quanh duy nhất để ra khỏi cuộc khủng hoảng này, đó là “Con đường Công nghị”.

Hỗ trợ của Đức cha Baetzing

Ngày 5/6, tức là hôm sau ngày công bố lá thư từ chức của Đức Hồng y Marx, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức Georg Baetzing, Giám mục Giáo phận Limburg, trong cuộc phỏng vấn dành Kênh Truyền hình ARD Mediathek, tuyên bố hoàn toàn ủng hộ luận đề của Đức Hồng y Marx và nói: “Trong Giáo Hội, người ta nhận thấy một sự thất bại hàng loạt, có hệ thống, và chỉ có thể có những câu trả lời nhất loạt, những câu trả lời này phải có tính chất cơ bản, đó là ‘Con đường Công nghị’.”

Con đường Công nghị

Đây là Con đường mà Giáo hội Công giáo tại Đức đang theo đuổi từ 2 năm nay, và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm tới đây, với những đề nghị cải tổ trong 4 lĩnh vực qua 4 diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hoá; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ.

Đức Hồng y Julian Herranz

Như một phản ứng về quan niệm và lập trường trên đây, ngày 8/6 báo “Quan sát viên Roma” của Toà Thánh có đăng bài của Đức Hồng y Julian Herranz, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo luật, bác bỏ lập luận của Đức Hồng y Reinhard Marx, trong đơn từ chức đệ lên Đức Thánh Cha cho rằng Giáo Hội đang ở “ngõ kẹt, đang ở đường cùng” về nạn lạm dụng giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Đức Hồng y Herranz, 91 tuổi người Tây Ban Nha, khẳng định rằng một giáo sĩ lạm dụng tính dục một trẻ em, và một giám mục hay một bề trên dòng che đậy những lạm dụng ấy, thì bản thân có lỗi về luân lý, nhưng Giáo hội Công giáo như một định chế không có lỗi về điều này… Những sai lầm, tội lỗi và đôi khi cả những tội ác của các phần tử Giáo Hội, kể cả các thành phần thuộc hàng giáo phẩm, không thể cho phép nghi ngờ sự đáng tin cậy của Giáo Hội và giá trị cứu độ cũng như giáo huấn của Hội Thánh.

Đức Hồng y Herranz cũng viết: “Vấn đề ở đây không phải là bảo vệ hình ảnh tự yêu quyền lực và uy tín trần tục của một Giáo Hội tự vệ mà quên lòng khiếm tốn, nhưng là tái khẳng định đặc tính thần linh của Giáo Hội, sự thánh thiêng của các bí tích mà Giáo Hội cống hiến như những giá trị và uy tín ngàn đời của sứ điệp Kitô cứu độ… Vì thế, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm cơ chế đối với những tội ác lạm dụng tính dục sẽ có nguy cơ làm thương tổn dư luận quần chúng, và có lẽ làm hại cả lương tâm của các tín hữu, cũng như uy tín của Hội Thánh và sứ điệp Tin Mừng”.

Đức Hồng y Kasper

Cả Đức Hồng y Walter Kasper, 88 tuổi người Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất các Tín hữu Kitô, cũng tỏ ra rất lo âu về “Con đường Công nghị” của Công giáo Đức và cảnh giác Giáo hội Đức đừng đưa Giáo Hội theo con đường này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo của Giáo phận Passau (Passauer Bistumsblatts) số ra Chúa Nhật 6/6/2021, Đức Hồng y Kasper nói: “Con đường Công nghị ở Đức không tỏ cho dư luận một hình ảnh thật là tốt… Tôi rất lo lắng, nhưng tôi thận trọng khi đưa ra một phán đoán chung kết toàn bộ. Cho đến nay, chúng tôi nghe những tiếng nói cá nhân, nhiều khi la ó, và những nhóm cá nhân ồn ào, nhưng chúng ta chưa có văn bản chung kết… Điều vượt quá sự tưởng tượng của tôi là những đòi hỏi bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ và truyền chức linh mục cho phụ nữ, từ phía 2/3 các Giám mục Đức, điều này khó lòng đạt được sự đồng thuận với Giáo Hội hoàn vũ.”

Đức Hồng y Kasper cũng nhận xét: “Con đường Công nghị của Công giáo Đức có cơ cấu yếu ớt, nó chẳng phải là một công nghị đúng nghĩa và cũng chẳng phải là một tiến trình đối thoại thuần túy. Ban đầu đây là một tiến trình đối thoại, rồi sau đó Hội đồng Giám mục có tiếng nói, tiếp đến là Đức Giáo hoàng, và cuối cùng mỗi giám mục tuỳ ý làm những gì mình nghĩ là tốt trong giáo phận thuộc quyền. Làm sao tất cả những điều đó có thể dẫn tới một danh xưng chung, đó là điều thật khó tưởng tượng, đứng trước sự bất đồng của các Giám mục Đức. Hơn nữa, có sự thiếu sót ngay từ đầu về nội dung: tại sao Con đường Công nghị không coi trọng lá thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho Cộng đồng dân Chúa tại Đức?”

Đức Hồng y Kasper cảnh giác Giáo Hội tại Đức đừng muốn đưa con đường của mình để áp dụng cho Giáo Hội hoàn vũ. Ngài nói: “Người Đức chúng ta được tôn trọng trên thế giới vì những tư tưởng rõ rệt, về khả năng tổ chức, về sự quảng đại đóng góp, và cả về thần học. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng các dân tộc khác phản ứng khó chịu khi chúng ta muốn thiết lập hành trình cho họ, theo phương châm ‘Thế giới nên theo con đường của Đức’. Tôi thấy những đề tài được bàn đến trong Con đường Công nghị ở Đức chẳng giữ vai trò nào đối với các nước khác.” (KNA 9-6-2021)

Đức Thánh Cha bác đơn từ chức

Sau những phản ứng trên đây, ngày 10/6/2021 có tin Đức Thánh Cha bác đơn xin từ chức của Đức Hồng y Reinhard Marx và yêu cầu Đức Hồng y tiếp tục làm Tổng Giám mục giáo phận này.

Trong thư Đức Thánh Cha viết: “Cám ơn Đức Hồng y vì lòng can đảm theo tinh thần Kitô, không sợ bị nhục trước thực tại lớn lao về tội lỗi. Đảm nhận cuộc khủng hoảng, với tư cách cá nhân và cộng đồng, đó là con đường duy nhất có hiệu quả.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại: “Toàn thể Giáo Hội bị khủng hoảng vì những vụ lạm dụng và Giáo Hội ngày nay không thể tiến bước mà không đảm nhận cuộc khủng hoảng ấy”, vì “chính sách đà điểu” không nhận thực vấn đề sẽ không đưa tới đâu cả và cuộc khủng hoảng phải được đón nhận với lòng tin Phục Sinh của chúng ta. Những thái độ duy xã hội và duy tâm lý là vô ích”.

Đức Hồng y Marx

Sau khi nhận được thư của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Reinhard Marx tuyên bố vâng phục quyết định của Đức Thánh Cha và viết: “Trong tinh thần vâng phục, con chấp nhận quyết định của Đức Thánh Cha. Con không ngờ Đức Thánh Cha phản ứng mau lẹ như thế và cũng không đợi quyết định của Đức Thánh Cha theo đó con phải tiếp tục nhiệm vụ.”

Một tín hiệu cho Công giáo Đức

Đức Hồng y Marx, khi làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã từng tuyên bố: “Chúng tôi không phải là một chi nhánh của Roma.” Giờ đây đơn từ chức của Đức Hồng y bị Đức Thánh Cha Phanxicô bác và Đức Hồng y tuyên bố vâng phục tiếp tục làm Tổng Giám mục Giáo phận Munich. Sự việc này là một tín hiệu gửi đến những người ở Đức, tuy không tuyên bố, nhưng vô tình hay hữu ý đang đi trên con đường ly giáo. Trong thư gửi đến Đức Thánh Cha bày tỏ chấp nhận quyết định của ngài, Đức Hồng y Marx không nhắc đến “Con đường Công nghị” nữa. Có người cho rằng “Con đường này” đang bị “chìm” trong một biển cả của tiến trình công nghị do Đức Thánh Cha sắp chính thức khởi xướng vào tháng 10 tới đây để tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục về “Công nghị tính” sẽ nhóm vào năm 2023, trong đó không có những luận đề như Con đường Công nghị ở Đức.

G. Trần Đức Anh OP