123 triệu euro dành cho các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới
Theo báo cáo hằng năm được công bố hôm thứ Sáu 18/6, trong năm 2020, qua 23 văn phòng quốc gia, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACS), một Tổ chức của Toà Thánh, đã quyên góp được 122,7 triệu euro cho các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới, tăng 15,4% so với năm 2019.
Nhờ những khoản đóng này, Tổ chức đã tài trợ cho các hoạt động với tổng giá trị là 102,1 triệu euro. Trong đó, 79% được phân bổ cho các dự án, thông tin, hỗ trợ phương tiện truyền thông và các chiến dịch cầu nguyện. Theo cách này, Tổ chức đã hỗ trợ tổng cộng 4.758 dự án cá nhân ở 138 quốc gia. Ngoài ra, do sự chậm trễ gây ra bởi các hạn chế về đại dịch, 20,6 triệu euro khác sẽ được giải ngân vào cuối tháng 6 năm 2021.
Từ khi bắt đầu đại dịch, Tổ chức đã hỗ trợ 401 dự án liên quan đến virus corona với tổng giá trị hơn 6,2 triệu euro, trong đó có việc cung cấp cho các linh mục, tu sĩ các thiết bị phòng chống virus, cũng như trợ giúp tài chính khẩn cấp.
Khoảng 32,6% tiền viện trợ dành cho Châu Phi, 14,2% cho Trung Đông, 18% cho Châu Á. Liên quan đến các dự án, tổ chức giúp xây dựng: 744 nhà thờ, nhà xứ, tu viện, chủng viện hoặc trung tâm cộng đồng được xây dựng lại từ đầu, tái xây dựng hoặc trùng tu sau khi bị tàn phá do chiến tranh hoặc khủng bố.
Ông Alessandro Monteduro, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý, cho biết: “Báo cáo cho thấy các khoản quyên góp ở Ý đã tăng 20%, tức khoảng 5,3 triệu euro do 15.763 ân nhân đóng góp. Với sự quảng đại này chúng tôi đã tài trợ cho hơn 100 dự án bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại.”
Ông Alfredo Mantovano, Chủ tịch của Tổ chức của Ý, cho biết thêm: “Cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội do Covid-19, khiến chúng tôi lo lắng các khoản quyên góp giảm, điều này sẽ ngăn cản việc thực hiện nhiều dự án quan trọng. Nhưng hiện nay chúng tôi an tâm bởi lòng bác ái bền bỉ của các ân nhân. Chúng tôi rất cảm động trước sự quảng đại này.”
“Một lần nữa các ân nhân đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên khi tỏ cho thấy cách thể hiện lòng bác ái đối với các anh chị em bị bách hại hoặc nghèo khổ. Các ân nhân đã chứng minh rằng họ có thể vượt qua nỗi sợ hãi chính đáng và rất con người do những rủi ro xảy ra trước mối đe dọa từ Covid-19. Chúng tôi nghĩ rằng những lần phong toả cũng đã giúp cho nhiều người Công giáo Ý suy ngẫm về những hạn chế mà thông thường rất nhiều cộng đoàn Kitô giáo bị đe doạ trên thế giới, không phải vì virus mà vì sự đàn áp vì thù hận đức tin, phải chịu đựng. Nói cách khác, Covid-19 có thể thay đổi và trở nên hung hăng hơn hoặc ít hơn, nhưng nó không có khả năng làm suy giảm lòng bác ái được thúc đẩy bởi đức tin Kitô.”