23/01/2025

Tiêm đủ liều vắc xin có thể bị dương tính, nhưng rất ít

Tiêm đủ liều vắc xin có thể bị dương tính, nhưng rất ít

Nhiều nghiên cứu quy mô lớn chứng minh người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 không chỉ tránh phát bệnh nặng mà còn ít lây hơn, dù có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi tiêm.

 

Tiêm đủ liều vắc xin có thể bị dương tính, nhưng rất ít - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson được tiêm liều vắc xin AstraZeneca thứ hai vào ngày 3-6 – Ảnh: REUTERS

Cơ quan Y tế công cộng Anh đã so sánh mức độ lây của 57.000 bệnh nhân từ 24.000 gia đình có người tiêm vắc xin (vaccine) bị nhiễm COVID-19 với các hộ gia đình không ai tiêm vắc xin.

Kết quả công bố vào cuối tháng 4-2021 cho thấy ba tuần sau khi tiêm liều đầu tiên (Pfizer hoặc AstraZeneca), người đã tiêm giảm nguy cơ lây virus cho người khác được 38% – 49% bất kể với độ tuổi nào.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã khảo sát 101 triệu người tiêm  đủ hai liều vắc xin COVID-19 trong bốn tháng đầu năm 2021.

Theo báo cáo công bố vào tuần đầu tháng 6-2021, CDC ghi nhận tỉ lệ người tiêm vắc xin bị nhiễm virus chỉ chiếm 0,01% (tức 10.262 ca dương tính từ hai tuần trở lên sau tiêm), tức 99,99% số người đã tiêm được miễn dịch hoàn toàn.

Hai nghiên cứu khác ở Mỹ được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cũng cho kết quả tương tự.

Nghiên cứu đầu tiên ghi nhận chỉ có 4 ca dương tính trong toàn bộ 8.121 nhân viên được tiêm vắc xin đầy đủ tại Trung tâm Y tế Tây Nam thuộc Đại học Texas.

Nghiên cứu thứ hai ghi nhận chỉ có 7 người trong 14.990 nhân viên thuộc hệ thống bệnh viện và Trường Y David Geffen thuộc Đại học California có kết quả dương tính từ hai tuần trở lên sau khi tiêm liều vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna thứ hai.

Tại Israel, nghiên cứu trên 1,2 triệu người, trong đó có 600.000 người được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech được công bố vào ngày 14-2 khẳng định vắc xin đạt hiệu quả 94% và hiệu quả chống bị nhiễm virus đạt 92%.

Từ 3-4 tuần sau liều đầu tiên, tỉ lệ dương tính không triệu chứng giảm 52% so với nhóm đối chứng.

Một tuần sau liều thứ hai, nguy cơ nhiễm không hay biết và nguy cơ lây virus đã giảm gấp 10 lần.

Tiêm đủ liều vắc xin có thể bị dương tính, nhưng rất ít - Ảnh 2.

Tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở bang Maharashtra (Ấn Độ) – Ảnh: PTI

Các nghiên cứu ở Anh, Mỹ và Israel nêu trên đã chứng minh trong hầu hết các trường hợp, tiêm vắc xin đầy đủ còn bảo vệ chúng ta khỏi mắc các dạng COVID-19 nghiêm trọng.

Đến với biến thể Delta (biến thể Ấn Độ), hai vắc xin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca vẫn đạt hiệu quả dù biến thể này dễ lây hơn, theo nghiên cứu của Anh công bố vào cuối tháng 5-2021.

Với hai liều Pfizer, hiệu quả đạt 93,4% đối với biến thể Anh (B.1.1.7) giảm còn 87,9% đối với biến thể Ấn Độ (B.1.617.2). Còn với hai liều AstraZeneca, hiệu quả từ 66,1% giảm còn 59,8%.

GS Daniel Floret tại Cơ quan Y tế cấp cao (HAS) ở Pháp giải thích: “Khả năng miễn dịch chỉ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên nên vẫn có thể bị nhiễm. Dù vậy, nói vắc xin đạt hiệu quả 94% có nghĩa đã giảm 94% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng”.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận điều quan trọng là chừng nào chưa đạt miễn dịch cộng đồng, người đã tiêm vắc xin vẫn cần phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.

HOÀNG DUY LONG
TTO