Vài phản ứng về Hình luật Tu chính của Giáo Hội
Sau gần 14 năm tu chính, cuốn VI về hình luật trong Bộ Giáo luật Công giáo đã được công bố ngày 1/6/2021 với Tông hiến của Đức Thánh Cha Phanxicô “Pascite gregem Dei” (Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa). Tông hiến mang chữ ký của Đức Thánh Cha ngày 23/5/2021, trong đó, ngài quy định rằng hình luật với những quy luật mới do ngài ấn định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/12 năm nay. Hình luật mới được dư luận các nơi chào đón, tuy cũng có vài phản ứng tiêu cực.
Vài điểm nổi bật
Công trình tu chính cuốn VI trong bộ giáo luật đã tiến hành từ năm 2007 do quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và nay mới hoàn thành.
Buộc phải áp dụng hình phạt khi cần
Trong Tông hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng văn bản mới của cuốn VI là một phương tiện cứu độ và sửa chữa mau lẹ, cần được sử dụng kịp thời và với lòng bác ái mục tử, để tránh những tệ nạn nghiêm trọng và thoa dịu những vết thương do sự yếu đuối của con người gây ra. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng sự thiếu nhận thức về tương quan mật thiết trong Giáo Hội giữa việc thực thi bác ái, và việc áp dụng kỷ luật xử phạt khi mà hoàn cảnh và công lý đòi hỏi, đã gây ra nhiều thiệt hại. Đây là điều khác với trước đây: hình luật trước đây không khuyến khích áp dụng hình phạt, vì thế đã gây thiệt hại lớn cho Giáo Hội.
Những cải tiến được đề ra
Đức Thánh Cha cũng cho biết Văn bản mới của cuốn VI được cải tiến về phương diện chuyên môn, nhất là những khía cạnh cơ bản về hình luật, ví dụ quyền bào chữa, thời hiệu khởi sự truy tố hình sự, xác định chính xác hơn các hình phạt, cống hiến “những tiêu chuẩn khách quan để ấn định hình phạt thích hợp nhất cần áp dụng trong trường hợp cụ thể, giảm bớt sự tuỳ tiện từ phía nhà chức trách, nhờ đó giúp duy trì sự thống nhất của Giáo Hội khi áp dụng các hình phạt, đặc biệt đối với những tội phạm gây thiệt hại trầm trọng và gương mù trong cộng đoàn Giáo Hội”.
Phản ứng từ nước Đức
Đức Tổng Giám mục Ludwig Schick
Trong thời gian qua, có những phản ứng tiêu cực, chống đối từ nhiều thành phần Công giáo ở Đức về vấn đề chúc lành cho các cặp đồng phái, nhưng về bộ hình luật mới, người ta thấy có sự chào đón. Vị Giám mục Đức duy nhất lên tiếng là Đức Tổng Giám mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg. Ngài là một chuyên gia giáo luật, từng làm giáo sư giáo luật tại Fulda (1985-2002) và trong Hội đồng Giám mục Đức, ngài được uỷ thác nhiệm vụ thiết lập một hệ thống hình luật với sự cộng tác của một uỷ ban chuyên gia. Chính Đức Tổng Giám mục là thành viên từ năm 2010 của Uỷ ban Tu chính Hình luật của Giáo Hội.
Ủng hộ từ phía dân sự
Cả từ phía chính phủ cũng có phản ứng chào mừng. Ông Johannes-Wilhelm Roerig, người đặc trách của Chính phủ Đức về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em, cũng tuyên bố rằng sự bất công do lạm dụng tính dục từ nay được giáo luật Công giáo gọi đích danh và xác định đó là một bất công trầm trọng. Sự lạm dụng này từ nay không còn được mô tả là “sự vi phạm giới răn thứ sáu hoặc chống lại luật độc thân”, nhưng là một tội ác. Với sự thay đổi này, các giám mục và bề trên không còn có thể tuỳ ý trừng phạt hay không trừng phạt kẻ phạm tội lạm dụng. Giống như tội phá thai và giết người, tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ nay được xếp vào phần nói về những tội “chống lại sự sống, phẩm giá và tự do của con người”. Theo Ông Roerig, với những tu chính trên đây, hình luật của Giáo hội Công giáo xích lại gần hình luật của các chính phủ đời.
Phản ứng bất mãn
Tuy nhiên cũng có phản ứng “đau buồn và thất vọng” của Hội Phụ nữ Công giáo Đức đối với Bộ Hình luật mới của Giáo Hội.
Phong trào Phụ nữ Công giáo cấp tiến ở Đức, gọi tắt là Maria 2.0 cho rằng việc cải tổ hình luật của Toà Thánh là chưa đủ và “vi phạm phẩm giá của các phụ nữ Công giáo”. Phong trào này bất mãn vì hình luật tu chính của Giáo Hội xếp việc truyền chức thánh cho phụ nữ vào những tội nặng nhất, giống như tội giáo sĩ lạm dụng tích dục trẻ vị thành niên, và theo họ, điều này có nghĩa là Giáo Hội vi phạm phẩm giá của phụ nữ: “Thật là điều không thể chấp nhận được khi xếp việc truyền chức cho phụ nữ ngang hàng với tội lạm dụng tính dục!”
Không truyền chức cho phụ nữ
Hội Phụ nữ Công giáo Đức cũng phê bình một số điểm, nhất là giáo luật tiếp tục khép cửa đối với việc phụ nữ có thể đảm tất cả các chức vụ và giáo vụ. Bà Agnes Wuckelt tuyên bố hôm 2/6/2021 tại Dusseldorf: Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này không phải là điều mới, nhưng thực là điều thất vọng lớn đối với chúng tôi, “một cái tát mới” vào mặt các phụ nữ chúng tôi. Việc cấm truyền chức cho phụ nữ lại được tái khẳng định.
Bà Wuckelt kêu gọi tất cả tất cả những người nam nữ hãy tranh đấu đừng để mình bị lạc hướng… Bà nói: Trong “Con đường Công nghị” chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để mở ra cánh cửa này. Trong tư cách là Hội Phụ nữ Công giáo, chúng tôi bênh vực sự tham gia của phụ nữ vào Giáo Hội qua những chức vụ khác nhau. Với việc cải tổ mới ngày 1/6/2021, Giáo Hội tạo nên hình luật nghiêm ngặt hơn.
Vài phản ứng khác
Hình luật mới của Giáo Hội tái khẳng định nguyên tắc “Mọi người phải được coi là vô tội cho đến khi bị xác nhận là có tội”. Nguyên tắc này bị vi phạm khá nhiều ở Bắc Mỹ trong những năm gần đây. Thực vậy, sau làn sóng những vụ xì căng đan làm dụng tính dục, nhiều linh mục, nhất là ở Mỹ, bị tố giác nhiều, và có những giám mục đề ra chủ trương “tuyệt đối không dung thứ”. Tại một số giáo phận, các giám mục muốn hành động mau lẹ, không chút do dự, loại bỏ các linh mục bị cáo, và do đó tạo nên một lớp linh mục mà các nhà giáo luật gọi là “không thể bổ nhiệm”: các giám mục từ chối không cho các vị này làm việc mục vụ trở lại, mặc dù sau khi xét xử, người ta không thấy có đủ lý để kết án họ.
Về vấn đề này, có thay đổi tuy nhỏ, nhưng đáng kể, đó là điều khoản 1321 tái khẳng định rằng không ai có thể bị trừng phạt trừ khi tội của họ được chứng thực và họ có thể chịu trách nhiệm về hành động của họ, nghĩa là có thể chịu trách nhiệm về tâm lý và luân lý. Và khoản luật mới thêm rằng “mọi người phải được coi là vô tội cho đến khi chứng minh ngược lại”.
Quản trị tài sản
Nhiều bài báo cũng nêu rõ những điểm mới trong hình luật tu chính về những tội trong việc quản trị tài sản của Giáo Hội, như trong khoản số 1376 liệt kê một loạt những tội trong lĩnh vực này: những tội biển thủ tài sản của Hội Thánh hoặc ngăn cản thu các hoa trái của tài sản ấy (1375,1,2) hoặc không tham khảo ý kiến, không có sự đồng thuận, cho phép hoặc không có những đòi hỏi theo luật để bán, chuyển nhượng tài sản của Giáo Hội. Cũng bị trừng phạt nếu người nào tỏ ra cẩu thả, lơ là trong việc quản lý tài sản của Giáo Hội.
Những khoản này dường như nhắm trực tiếp tới các giám mục hoặc cha sở là những người thường đưa ra những quyết định về tài sản mà không theo các thủ tục cần thiết theo giáo luật. Điều này cũng áp dụng cho những vụ đóng cửa hoặc bán nhà thờ, hoặc đệ đơn nơi chính quyền dân sự để xin tuyên bố giáo phận phá sản mà không có sự chấp thuận trước đó của Toà Thánh, điều mà một số giám mục tại Mỹ đã bị Toà Thánh cảnh cáo trong thời gian gần đây.