24/12/2024

Toà Thánh: Cần cơ chế pháp lý và văn hoá liêm chính để chống tham nhũng

Toà Thánh: Cần cơ chế pháp lý và văn hoá liêm chính để chống tham nhũng

Đức TGM Paul Richard Gallagher và ĐTC (Vatican Media)

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, hôm thứ Sáu 04/6, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, nói: “Đối với Toà Thánh, chỉ cơ chế pháp lý thôi thì không đủ trong việc phòng chống tham nhũng trong xã hội. Điều cần thiết hơn là thúc đẩy một nền văn hoá liêm chính.”

Tại cuộc họp về “Những thách đố và biện pháp phòng chống tham nhũng và tăng cường hợp tác quốc tế”, Đức Tổng Giám mục Gallagher bày tỏ ủng hộ đối với Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc, chỉ ra rằng tham nhũng không giới hạn ở phạm vi chính trị hay địa lý, và nó tồn tại ở cả nước giàu lẫn nước nghèo. Theo Đức Tổng Giám mục, bằng cách phản bội “các nguyên tắc đạo đức và các chuẩn mực của công bằng xã hội”, tham nhũng cản trở việc đạt được sự phát triển toàn diện và giảm đói nghèo. Bằng cách làm suy yếu lòng tin vào các tổ chức công và giữa chính quyền và công dân, tham nhũng làm tổn hại đến hoạt động của một xã hội được tổ chức tốt.

Vị đại diện Toà Thánh kêu gọi xoá bỏ nạn tham nhũng để mọi người có quyền tiếp cận công lý và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao gồm ở tất cả các cấp. Do tính chất lan tràn và hậu quả đa diện, việc phòng chống tham nhũng đòi hỏi nhiều hơn các cơ chế pháp lý: chúng ta cần thúc đẩy một văn hoá rộng rãi liêm chính. Về vấn đề này, công chức phải thực hiện công bằng, quản lý tài chính lành mạnh, quản trị tốt và có trách nhiệm xã hội. Điều quan trọng nữa là phải bảo vệ sự công bằng trong xã hội và củng cố công ích qua việc tuân thủ pháp quyền.

Đức Tổng Giám mục Gallagher chỉ ra rằng việc phòng chống tham nhũng phải gắn liền với việc tôn trọng và bảo vệ các quyền phổ quát của con người, trên bình diện quốc gia và quốc tế, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “công lý thực sự không chỉ hài lòng ở việc trừng phạt những kẻ phạm tội. Điều cần thiết là phải đi xa hơn và làm mọi thứ có thể để cải tạo và giáo dục con người”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng nhắc lại các điều khoản gần đây do Đức Thánh Cha ban hành nhằm thúc đẩy tính minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các thủ tục hợp đồng công, và cải thiện thông tin liên lạc tài chính về các xung đột lợi ích tiềm ẩn. Đối với Đức Tổng Giám mục, cuộc họp mang đến một cơ hội đặc biệt để thúc đẩy nỗ lực của tất cả các quốc gia và chia sẻ các phương pháp tốt nhất để ngăn chặn nạn tham nhũng. (CSR_4132_2021)

Ngọc Yến