24/12/2024

Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim

Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim

Logo của Hội nghị Quốc tế Thần học

Trong 2 ngày 03 và 04/06, tại Roma đã diễn ra một Hội nghị Quốc tế Thần học, do Giáo hoàng Học viện Thần học và Đại học Giáo hoàng Thánh Tâm tổ chức. Mục đích của buổi gặp gỡ: suy tư các hệ luận của phương pháp thần học cổ xưa được định nghĩa là “phủ định” – vốn khẳng định Thiên Chúa không phải là – như một cầu nối đối thoại với các tôn giáo khác và với con người đương thời, không tin vào chân lý tuyệt đối.

Sau Hội nghị, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Giulio Maspero, giảng viên Thần học Tín lý tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tâm, một trong những diễn giả của buổi suy tư. Trong cuộc phỏng vấn, giáo sư giải thích mục tiêu của Hội nghị, những ý nghĩa thực tế quan trọng của phương pháp  thần học phủ định, những tài liệu tham khảo có trong huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau đây là nội dung của cuộc phỏng vấn:

Thưa giáo sư, thần học phủ định là gì?

Để có thể hiểu một cách rõ ràng nhất về thần học phủ định, tôi xin đưa ra một ví dụ: Nếu chúng ta muốn nói về biển, khi thời tiết đẹp chúng ta có thể nói biển trong xanh, và vào mùa đông chúng ta nói biển tối hơn, chúng ta có thể nói về mùi của biển, về độ mặn, và một số điều khác, nhưng nếu chúng ta muốn nói tất cả những gì là biển, nếu chúng ta muốn mô tả biển tất cả trong một khái niệm, chúng ta không thể làm được. Có hai loại thần học phủ định: một loại cho rằng chúng ta không thể nói điều gì về Thiên Chúa ngoại trừ việc Người hiện hữu. Nhưng có một thần học phủ định khác khẳng định về sự vĩ đại của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa không ở trong đầu của chúng ta, bởi vì nếu không, Người sẽ là một Thiên Chúa nhỏ bé. Thánh Josemaría Escrivá de Balaguer giúp chúng ta hiểu điều này, ngài nói: “Thiên Chúa không ở trong đầu tôi, nhưng ở trong trái tim tôi”, vì vậy thần học phủ định có thể được đọc như một khẳng định về sự cần thiết phải vượt qua tương quan cá nhân với Chúa Kitô và sự bất khả thi, thay vì giảm Thiên Chúa xuống các phạm trù của chúng ta, bởi vì Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn các phạm trù của con người.

Nguồn gốc của thần học phủ định nằm trong tư tưởng Hy Lạp và theo thời gian nó đã được phục hồi cho đến ngày nay, có phải thần học phủ định là đặc điểm cách tiếp cận của các Giáo phụ?

Đúng thế, bởi vì các Giáo phụ là các triết gia, văn hoá của các ngài là trường phái triết học theo Platon và Tân Platon; và do đó họ đã phải thực hiện một bước nhảy vọt lớn để công nhận rằng Kitô giáo là một học thuyết, tuy nhiên, được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ, từ một quan hệ cá nhân với Đức Kitô và đó không chỉ là một dạng tư tưởng. Vì vậy, họ đã phải phát triển các phạm trù mới cho chính mình, như trường hợp của Aristotle, mối quan hệ là một tuỳ thể, vì vậy điều gì đó mà nếu bạn có đánh mất thì nó cũng không thay đổi được gì, trái lại, đối với chúng ta, Thiên Chúa là sự liên hệ bởi vì là Cha và Con và tình yêu giữa Cha và Con, là Thánh Thần. Các Giáo phụ là những người đầu tiên nhận ra rằng thần học phủ định của các triết gia, về cơ bản được liên kết với sự thiếu hụt của tư tưởng, tức là sự thiếu hụt của chủ thể tư duy, phải được vượt qua từ một thần học phủ định nhằm khẳng định sự vĩ đại của đối tượng đã biết, và do đó, trong trường hợp này, chính Thiên Chúa, Đấng luôn vượt qua các khái niệm của chúng ta.

Thần học phủ định gợi ý cách tiếp cận thần học của các tôn giáo phương Đông như Phật giáo hay Đạo giáo, nơi có khái niệm “không có gì – niết bàn” để hướng đến. Trong hội nghị có nói về khía cạnh này không?

Hội nghị muốn chứng minh rằng bên trong Kitô giáo có những yếu tố thần học, theo một nghĩa nào đó, có thể trở thành cầu nối hướng tới các phương pháp tiếp cận tôn giáo khác, như trong trường hợp Phật giáo. Các tôn giáo nhận ra bản sắc nhưng có lẽ họ không có kinh nghiệm vững chắc về sự khác biệt bởi vì, thực tế, họ cố gắng tìm sự trọn vẹn trong việc đánh mất bản sắc của chính họ, trong cái ‘không phải’. Chúng tôi có thể cho họ thấy rằng Kitô giáo cung cấp một cách, nơi có thể đón nhận sự khác biệt như một mối liên hệ. Tôi xin đưa ra một ví dụ: để yêu thì cần có hai người, để có tình yêu thì phải có sự khác biệt, nhưng đồng thời sự khác biệt này được thể hiện trong sự hiệp nhất. Vì vậy, khi một người yêu người khác, người này không đánh mất chính mình, anh ta tìm thấy chính mình, nhưng tìm thấy chính mình ở bên ngoài mình, không phải bên trong. Động lực yêu thương này, điều tất cả chúng ta đều khao khát, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Và những gì mà các tôn giáo phương Đông đang tìm kiếm có lẽ cũng có thể tìm thấy câu trả lời trong một dạng thần học Kitô phủ định, mà ngoài bản sắc còn có thể thể hiện vẻ đẹp của sự khác biệt.

Hội nghị muốn nêu bật đóng góp mà thần học phủ định có thể cung cấp trong cuộc đối thoại liên tôn chống cám dỗ của khuynh hướng cực đoan. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn điều này?

Tất cả các tôn giáo độc thần đều có nguyên tắc vàng trong giáo lý của họ: không làm cho người khác những gì bạn không muốn họ làm cho bạn hoặc làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Hiện nay, đây là một điểm rất quan trọng của sự thật, theo tôi, chìm sâu vào ý thức về sự vĩ đại của Thiên Chúa, bởi vì con người không ủng hộ chính mình, không biện minh cho chính mình. Nếu Thiên Chúa thực sự vô hạn và không thể biết được tất cả sự vĩ đại của Người, thì thế giới mà chúng ta thấy, người anh em bên cạnh tôi, không chỉ dành cho tôi, mà sự hiện hữu của họ phụ thuộc vào một người vĩ đại hơn tôi, vì vậy họ phải được tôn trọng. Mọi tôn giáo đều bị cám dỗ bởi khuynh hướng cực đoan, biến kinh nghiệm về sự vĩ đại của Thiên Chúa này thành những khái niệm, những quy tắc, trong khi chúng ta cũng phải tìm kiếm từ quan điểm thần học để thúc đẩy một số yếu tố có thể làm cầu nối để chúng ta gặp nhau trong thực tế và không tranh cãi về các hình thức, bởi vì các hình thức luôn thay đổi, quả thực Thánh Gregory thành Nyssa – một Giáo phụ của Giáo hội vào thế kỷ IV – đã nói rằng các khái niệm tạo ra các thần tượng. Vì vậy, con đường để thực sự trở thành người của tôn giáo là đi đến thực tế và bằng cách này chúng ta sẽ gặp gỡ những người khác.

Suy tư về thần học phủ định có thể góp phần vào việc đối thoại với con người và nền văn hoá đương đại, thường né tránh những sự thật được mặc khải?

Hoàn toàn có thể, chủ đích trước mắt và cũng là điều chúng tôi quan tâm nhất, là quay trở lại các nguồn, chúng ta có thể đáp ứng hiệu quả hơn cho sự khao khát Thiên Chúa nơi người đương thời. Bởi vì, ngày nay có một một hình thức tôn giáo phủ nhận Thiên Chúa nhưng thực ra lại rất cần Người. Ngày nay người ta sợ  những khẳng định tuyệt đối, bởi vì thời hiện đại đã sản sinh ra rất nhiều phép biện chứng và do đó, theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải chỉ cho con người hậu hiện đại thấy rằng có khả năng khác biệt và riêng biệt, theo một cách không biện chứng, không đối đầu, mà là trong mối quan hệ. Ngày nay, chúng ta hãy nghĩ đến những yêu cầu của phụ nữ, của các nhóm thiểu số: tất cả đều là những đòi hỏi rất quan trọng và cũng phải được hỗ trợ về mặt thần học. Vì vậy, chúng ta có cơ hội lớn trong đức tin để chỉ mọi người thấy rằng có thể là chính mình, không phải chống lại ai đó, bởi vì bản sắc của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng vĩ đại hơn chúng ta và do đó tôn trọng người khác.

Cũng có thể đem lại ích lợi cho tín hữu khi tiếp cận thực tại của Thiên Chúa bằng phương pháp phủ định vốn không tuyệt đối này không?

Khi còn trẻ, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình đã hiểu tất cả mọi thứ, nhưng khi lớn hơn, chúng ta nhận ra rằng ông bà chúng ta rất khôn ngoan vì thực tế phức tạp hơn. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ rằng trong đời sống thiêng liêng, một con đường tương tự cũng diễn ra như thế, bởi vì càng tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta càng nhận ra rằng Thiên Chúa vĩ đại. Trong Kinh Thánh, điều này xảy ra trên hết trong các sách khôn ngoan, như Gióp hoặc Diễm ca. Chúa Giêsu nói chúng ta phải trở nên giống như trẻ nhỏ để được vào nước trời, trẻ nhỏ biết mình đang được một người lớn hơn chăm sóc. Đối với người Công giáo theo một cách rất thực tế trong mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, thì chiều kích thần học phủ định này, tức là nhận thức về sự vĩ đại của Thiên Chúa có thể là một trợ giúp lớn. Cũng ở khía cạnh mục vụ, trong Tông huấn Amoris laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng thời gian quan trọng hơn không gian, ngài đang nói với chúng ta một cách chính xác điều này: hãy xem hành động của Thiên Chúa vĩ đại hơn những gì chúng ta nghĩ, các hình thức quan trọng nhưng chúng không phải là tất cả, chúng ta phải suy nghĩ đến sự tốt đẹp của linh hồn, chúng ta phải nghĩ đến sự trưởng thành về mặt tinh thần của con người, chứ không phải chỉ kiểm tra như một người thợ điện hay một người thợ sửa xe, xem xe có ổn hay không. Chúng ta đang chăm sóc một cuộc sống ngày càng phát triển, một điều gì đó tươi đẹp mà chúng ta có trong tay, vì vậy tôi nghĩ cách tiếp cận này thực sự quan trọng đối với Giáo hội trong đời sống thiêng liêng và mục vụ của Giáo hội.

Có một sự liên hệ giữa những gì Hội nghị suy tư và Huấn quyền của Đức Thánh Cha?

Đó là một liên kết có chủ đích, chúng tôi cố gắng thúc đẩy các chủ đề mà Đức Thánh Cha quan tâm và nâng cao nhận thức này từ bên trong thế giới đại học. Trong trường hợp này, thần học phủ định là một yếu tố của truyền thống thần học Giáo hội cũng phải được phục hồi để hiểu rõ hơn những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đang nói, cũng như hiểu được nguồn gốc giáo lý và truyền thống của nó. Về cơ bản những gì ẩn sau những lời khẳng định của ngài là một nhận thức rất mạnh mẽ về sự vĩ đại của Thiên Chúa và không thể giảm bớt của sự vĩ đại này đối với các hình thức bên ngoài hoặc bên ngoài. Nhưng điều này là hoàn toàn trong sự hiệp thông và liên tục với các vị tiền nhiệm, như nhiều lần Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng Kitô giáo không phải là một học thuyết triết học hay đạo đức luân lý, mà là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, do đó nó là một sự phát triển của cùng tư tưởng này.

Ngọc Yến