Rác khẩu trang đe doạ môi trường toàn cầu
Rác khẩu trang đe doạ môi trường toàn cầu
Việc sử dụng khẩu trang nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm một đại dịch khác: ô nhiễm rác thải, do nhiều người không xử dụng các loại khẩu trang có thể tái sử dụng.
AFP dẫn số liệu từ Hiệp hội Hóa học Mỹ cho thấy, khoảng 129 tỉ chiếc khẩu trang dùng một lần được sử dụng mỗi tháng trên khắp thế giới.
Hồi chuông báo động
Được chế tạo từ vật liệu nhựa PP, cao su và kim loại, khẩu trang rất khó phân hủy nhưng đang bị vứt đầy các thùng rác, ngoài đường, dưới sông lẫn dưới biển, đe dọa môi trường.
Cuối tháng 5.2020, tổ chức phi lợi nhuận Opération Mer Propre của Pháp dấy lên hồi chuông báo động khi tìm thấy “khẩu trang còn nhiều hơn cả sứa” trong các chuyến nhặt rác dọc bờ biển Địa Trung Hải, theo tờ The Guardian. Bên cạnh đó còn có cả găng tay nhựa, chai nhựa đựng dung dịch rửa tay đã qua sử dụng.
Trước khi xảy ra đại dịch, các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa đối với các đại dương và sinh vật biển do ô nhiễm rác thải nhựa tăng vọt. Theo ước tính năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra các đại dương mỗi năm, riêng rác thải ở Địa Trung Hải là 570.000 tấn mỗi năm – một lượng mà Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên (WWF) mô tả là tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa xuống biển mỗi phút.
Những con số này có nguy cơ tăng lên đáng kể khi các quốc gia trên thế giới đang phải đối đầu với đại dịch Covid-19 và sử dụng khẩu trang y tế để phòng dịch.
Trước tình hình đó, các nhà nghiên cứu và các công ty trên thế giới đang tìm cách tái chế khẩu trang đã qua sử dụng thành những vật dụng khác có ích, mặc dù cách làm này chưa tạo ra nhiều lợi nhuận vào thời điểm hiện tại.
|
Ứng phó
Tại Anh, nhiều bệnh viện đã mua một loại máy nén do Tập đoàn Ép nhiệt có trụ sở tại Cardiff sản xuất, để nung chảy đồ bảo hộ và khẩu trang phẫu thuật thành các tấm nhựa màu xanh. Vật liệu này sau đó sẽ được sử dụng để làm bàn ghế.
Công ty tái chế tại Pháp Tri-o et Greenwishes đã thu gom rác từ hàng chục khách hàng như bệnh viện, đài truyền hình… và sau đó phân loại ra để lấy khẩu trang. Khu vực phân loại được khử trùng bằng đèn cực tím và khẩu trang được để trong khu cách ly một tuần trước khi được xử lý.
Hai công ty có trụ sở tại miền bắc nước Pháp sau đó đã cắt nhỏ khẩu trang, khử trùng và chiết xuất polypropylene, chất này được biến đổi thành những hạt nhỏ để sử dụng làm thảm trải sàn hoặc các bộ phận bằng nhựa khác trên xe hơi.
|
Cho đến nay, Tri-o et Greenwished đã tái chế 1 tấn khẩu trang và hy vọng sẽ xử lý được 20 tấn vào cuối năm nay. Con số này như muối bỏ bể khi có khoảng 40.000 tấn khẩu trang được thải ra từ Pháp trong năm 2020 mà không được tái chế.
Công ty tái chế tư nhân của Mỹ TerraCycle bán một chiếc hộp với giá 88 USD để đựng khẩu trang đã qua sử dụng. Công ty sẽ thu gom khẩu trang trong những hộp này và đưa đến các cơ sở của đối tác để tái chế thành hạt nhựa, sau đó bán cho các nhà sản xuất làm thành các sản phẩm khác như băng ghế, hoặc bề mặt sàn, thùng đựng hàng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành TerraCycle Tom Szaky cho biết chi phí tái chế thiết bị bảo hộ cá nhân đắt hơn nhôm. Vì vậy, doanh nghiệp của TerraCycle nói rằng nếu ai đó chịu trả những chi phí đắt đỏ này, thì họ có thể thực hiện dịch vụ này lâu dài.
Tại Úc, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) đang thử nghiệm các giải pháp khác sau khi được truyền cảm hứng từ cảnh tượng những chiếc khẩu trang bị xả đầy trên đường phố.
Theo các nhà khoa học, khẩu trang sau khi được khử trùng và cắt nhỏ có thể được trộn với đá vụn xây dựng đã qua xử lý để tạo ra một vật liệu dẻo và chắc để giúp làm đường.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO