Lễ Chúa Ba Ngôi-B-2021: Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi
Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, để khám phá ra ba đặc tính của tình yêu Thiên Chúa và từ đó ta có thể yêu thương cách đúng đắn và trọn vẹn.
Lễ Chúa Ba Ngôi – B – 2021
Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, để khám phá ra ba đặc tính của tình yêu Thiên Chúa và từ đó ta có thể yêu thương cách đúng đắn và trọn vẹn. Vì thế, Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất và thâm sâu nhất của Kitô giáo để đưa muôn loài vào con đường tình yêu của Thiên Chúa.
1. Mầu nhiệm tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa
Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” đã xác định rằng: “Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người” (x. số 38) vì Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong lòng con người như một dấu hiệu đặc biệt khi dựng nên họ theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta và giống như chúng ta” (St 2,26). Từ “chúng ta” ở đây, ngay từ buổi đầu của công cuộc tạo thành vũ trụ, đã muốn diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa với các Ngôi vị khác biệt nhưng lại đồng tâm nhất trí trong mọi hoạt động của mình.
Chúng ta không hiểu những bậc thầy Do Thái giải thích từ “chúng ta” của câu Thánh Kinh này như thế nào, để chỉ tin vào một Chúa Giavê độc nhất và không đón nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần như Ngôi vị nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thật sự mầu nhiệm Ba Ngôi có cùng một bản thể Thiên Chúa là một mầu nhiệm độc đáo, của riêng Kitô giáo mà không tìm thấy nét tương tự ở bất cứ tôn giáo nào. Đây cũng là mầu nhiệm không phải do con người suy luận hay tưởng tượng ra, như thể văn sĩ Homer viết về 12 vị thần trên đỉnh Olympus vào thế kỷ VI TCN của Hy Lạp. Đây là mầu nhiệm được chính Chúa Giêsu mạc khải cho ta và dặn dò ta công bố cho mọi người như Người ra lệnh trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 28,16-20).
Mầu nhiệm này cũng không thể giải thích nhưng lại có thể cảm nghiệm được, nếu chúng ta đã từng yêu và hành động theo tình yêu. Hồi trước, trong các lớp giáo lý, nhiều giáo lý viên khi dạy về một Chúa Ba Ngôi, thường lấy hình ảnh của một tam giác có ba cạnh đều nhau hay một tinh thần có ba tài năng khác biệt nhau như trí hiểu, trí nhớ và ý chí. Tuy nhiên sự so sánh đó không chính xác.
Chúng ta có thể diễn tả mầu nhiệm này bằng tình yêu là hình ảnh gần gũi và chính xác hơn cả. Khởi đầu Thiên Chúa chỉ có một mình, nhưng vì bản chất của Ngài là tình yêu, nên đòi phải có đối tượng để yêu. Do không có ai ngoài mình nên Ngài đưa chính mình làm đối tượng: Thiên Chúa yêu chính mình. Khi yêu, Ngài dâng hiến tất cả những gì là của mình cho đối tượng mình yêu, mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa lại là chính bản thể của Ngài. Tác động yêu thương đó tức khắc phát sinh ra hai ngôi khác biệt: đó là Ngôi Cha là chủ thể yêu và Ngôi Con là đối tượng được yêu. Cả hai ngôi có chung một bản thể Thiên Chúa.
Tác động tiếp theo là Ngôi Con bây giờ là chủ thể yêu. Người yêu lại Chúa Cha như là đối tượng cho tình yêu của mình và Người cũng dâng hiến cho đối tượng đó tất cả những gì là của mình. Tất cả những gì Chúa Con có chính là bản thể Thiên Chúa mà Người đã nhận được từ Ngôi Cha. Tác động này tức khắc phát sinh Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba, có cùng một bản thể với hai ngôi kia nhưng lại khác biệt với hai ngôi đó vì Ngài là tình yêu nối kết hai ngôi lại với nhau.
Tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại hay chỉ luân chuyển giữa ba ngôi Thiên Chúa với nhau. Tình yêu đó đã tiếp tục chuyển động để chia sẻ cho muôn loài muôn vật những tác động riêng biệt của từng ngôi.
2. Những đặc tính của tình yêu Ba Ngôi
Hôm nay, chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.
2.1. Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha
Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.
Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của chính mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ, dốt nát, yếu hèn, bệnh tật? Tình yêu của ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?
2.2. Tình yêu cứu độ của Chúa Con
Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống (x. 1Ga 3,18; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 38).
Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ dành mọi sự cho con cái, như người tình dám chết cho người mình yêu, như người chiến sĩ dâng hiến mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.
Con đường tình yêu đó cũng là chính Đức Giêsu thực hiện cho mỗi người chúng ta khi mời gọi chúng ta bước theo Người “anh em hãy theo Thầy”, vì Người chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6). Người thúc giục ta hôm nay: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
2.3. Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần
Thánh hoá có nghĩa là hoá thành thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh, thần hoá có nghĩa là biến thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, do những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, ta đã hạ thấp, làm nhục đối tượng mình yêu, thậm chí biến người yêu thành phương tiện giải trí cho tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu phải hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi ta phải thay đổi thái độ ấy.
Chúng ta đang được mời gọi dám chia sẻ tất cả những gì mình có cho đối tượng mình yêu để nâng cao họ lên hơn cả chính mình, như Chúa Giêsu đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hy sinh mạng sống để phục vụ con người và nâng chúng ta lên thành Thiên Chúa như Người.
Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta. Đó cũng là “tình yêu của Cha Trên Trời đổ vào lòng chúng ta nhờ Thần Khí Ngài ban cho ta” (x. Rm 5,5) để hướng dẫn chúng ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái xưa kia đã cảm nhận, và để chúng ta có thể nói lên hai tiếng “Abba, Cha ơi!” đối với Thiên Chúa như Bài đọc II (x. Rm 8,14-17) nhắc nhở.
Lời kết
Hôm nay chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình xem có mang những đặc tính sáng tạo, cứu độ và thần thánh hoá của Ba Ngôi không. Khi thể hiện chúng trong cuộc sống hằng ngày, ta mới làm cho những anh chị em lương dân nhận biết rằng chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa của người Công giáo mới có thể biến đổi và thăng hoa đời sống con người và xã hội hiện nay.
HKK