Phát hiện chủng vi rút Corona mới có nguồn gốc từ động vật
Phát hiện chủng vi rút Corona mới có nguồn gốc từ động vật
Chủng vi rút Corona mới có nguồn gốc từ động vật, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của người nhiễm với các triệu chứng giống như viêm phổi. Hầu hết bệnh nhân được phát hiện đến nay là trẻ em.
Chuyên trang Scitech Daily mới đây đưa tin nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Đại học Bang Ohio, Trường Y Đại học Luke (Mỹ) và Đại học SEGi (Malaysia) phối hợp thực hiện đã phát hiện và hoàn thành phân tích gien một chủng vi rút Corona mới, bắt nguồn từ động vật, có thể gây bệnh trên người.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên tờ The Journal Clinical Infectious Diseases (tạm dịch: Tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng) vào hôm 20.5.
Cần theo dõi thật kỹ
Kết quả cuộc nghiên cứu trên đã xác nhận chủng vi rút mới được đặt tên là CCoV-HuPn-2018, lây từ chó sang người và mang 50% cấu trúc gien tương tự SARS-CoV-2, vi rút đang gây ra đại dịch Covid-19.
Các tác giả cũng nhấn mạnh hiện tại chủng vi rút này chưa gây nhiều nguy hiểm và chưa có dấu hiệu có thể lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi và có nhiều nghiên cứu sâu hơn trong tương lai để xác định mức độ nguy hại, nhất là nguy cơ CCoV-HuPn-2018 có thể phát triển thành một đại dịch mới hay không.
Trước đó, năm 2018, nhóm chuyên gia trên đã phát hiện chủng vi rút Corona mới trong một lần phân tích mẫu dịch mũi họng của 301 bệnh nhân Malaysia nhập viện vì có một số triệu chứng giống viêm phổi.
Có 8 người trong số này, bao gồm 7 trẻ em, đã nhiễm phải CCoV-HuPn-2018. Các bệnh nhân phải thở ô xy sau khi nhập viện và trải qua 4 – 6 ngày điều trị thì bắt đầu hồi phục.
Phó giáo sư Anastasia Vlasova, chuyên gia về vi rút học của Đại học Bang Ohio, cho biết: “Hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy loại vi rút này có thể gây ra bệnh nặng ở người lớn. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng một lúc nào đó chúng sẽ tiến hóa thành một mầm bệnh phổ biến ở người”.
Cụ thể, bà Anastasia Vlasova giải thích vi rút vốn thay đổi liên tục. Khi một loại vi rút thay đổi cấu trúc di truyền đủ để chuyển từ trạng thái chỉ lây nhiễm cho một loại động vật nhất định sang lây nhiễm cho người, thì cần phải theo dõi thật kỹ. Bởi nếu chúng có thể tái tạo tốt và thích nghi khi ở bên trong cơ thể người, đồng thời qua mặt hệ miễn dịch thì nguy cơ bùng phát một đại dịch khác có thể đang ở rất gần.
Chúng ta chỉ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các bệnh mới xuất hiện trên người, mà bỏ qua những mầm bệnh đang tấn công động vật. Đó là một lỗ hổng lớn trong cách tiếp cận của giới nghiên cứu hiện nay
Anastasia Vlasova (chuyên gia về vi rút học tại Mỹ)
Bà Vlasova cũng nhấn mạnh chủng CCoV-HuPn-2018 khi gây bệnh trên chó chỉ tạo ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy hay đau bụng. Tuy nhiên, khi lây nhiễm sang người, chúng lại tập trung tấn công hệ hô hấp chứ không phải đường tiêu hóa.
Giám sát kỹ mầm bệnh từ động vật
Nghiên cứu mới cũng cho hay CCoV-HuPn-2018 là chủng vi rút Corona đầu tiên phát hiện trên chó và có thể lây nhiễm sang người. Đồng thời, nhấn mạnh sự nguy hiểm của họ vi rút này và nhu cầu cấp bách của việc giám sát các mầm bệnh từ động vật để chủ động rà soát các mối đe dọa có thể xảy ra với sức khỏe cộng đồng.
Giáo sư Gregory C.Gray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y Đại học Duke (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định: “Chúng ta có thể đang bỏ sót thông tin về những loại vi rút nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật, vốn đang dần thích nghi với con người. Điều này làm lỡ cơ hội dự báo sớm về nguy cơ bùng phát các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai”.
Cùng quan điểm, Phó giáo sư Vlasova cho biết nhiều mối đe dọa tiềm tàng mà họ vi rút Corona có thể gây ra cho chó, mèo hay nhiều động vật khác có thể chưa được nghiên cứu rộng rãi. “Chúng ta chỉ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các bệnh mới xuất hiện trên người, mà bỏ qua những mầm bệnh đang tấn công động vật. Đó là một lỗ hổng lớn trong cách tiếp cận của giới nghiên cứu hiện nay”, bà Vlasova nhận định.
THANH LƯƠNG
TNO