23/12/2024

ĐHY Tagle mời gọi các tu sĩ canh tân đời sống cộng đoàn và hoạt động bác ái

ĐHY Tagle mời gọi các tu sĩ canh tân đời sống cộng đoàn và hoạt động bác ái

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, mời gọi các tu sĩ canh tân đời sống cộng đoàn và hoạt động bác ái, đồng thời cảnh báo về một đời sống dâng hiến có nguy cơ không có khả năng đồng hành cùng với những người bị tổn thương, và không thể thực hiện tính công nghị nếu không cảm nhận được sự gần gũi với người khác.

Phát biểu trước hơn 200 bề trên các Hội Dòng nữ và Hội Dòng nam tại Hội nghị chung của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền Dòng nữ (UISG), và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền Dòng nam (Usg), vừa diễn ra trong những ngày này, về chủ đề “Hãy làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Đời sống tận hiến phục vụ tình huynh đệ trong một thế giới đầy thương tích”. Trước hết, Đức Hồng y Tagle đặt câu hỏi: “Văn hoá chủ đạo trong các cộng đoàn tu sĩ của chúng ta là gì? Đó có phải là văn hóa gặp gỡ mà chúng ta truyền lại cho các thành viên của chúng ta không? Hay là văn hóa gặp gỡ chưa thực sự hiện diện và bén rễ?”

Tiếp đến, Đức Hồng y Bộ trưởng nói đến hoạt động bác ái của các tu sĩ. Theo ngài, đời sống dâng hiến là một bậc sống nên hoàn thiện, nhưng chúng ta không hoàn hảo. Thiên Chúa toàn thiện, nhưng nếu Thiên Chúa không có cảm xúc, không thay đổi dù buồn hay vui, thì vị chúa ấy không đến từ Kinh Thánh. Sự toàn thiện của Thiên Chúa thể hiện nơi lòng trắc ẩn, tha thứ và thương xót. Từ điểm này, Đức Hồng y nhấn mạnh: Cần phải cẩn thận, vì trong cộng đoàn tu sĩ, không được có những hình ảnh về sự hoàn thiện của Thiên Chúa không phù hợp với Kinh Thánh. Nếu chúng ta bước đi với Chúa, chúng ta luôn bước đi với con người. Nếu chúng ta bước đi với con người, chúng ta luôn bước đi với Thiên Chúa. Chúng ta biết điều này từ Chúa Giêsu và từ những mẫu gương thánh thiện.

Khi nói về Công nghị tính, điều ngày nay đang được nói đến nhiều trong Giáo hội, Đức Hồng y giải thích: “Thượng hội đồng có nghĩa là cùng nhau bước đi. Nhưng sẽ rất khó đi cùng nhau nếu chúng ta không cảm nhận được sự gần gũi. Điều quan trọng là phải cảm nhận được sự gần gũi về thể lý. Thiên Chúa hiệp thông với nỗi đau khổ của con người”.

Trích dẫn Thông điệp Laudato Si’, Đức Hồng y nhận định rằng, nguyên nhân của việc bỏ quên người nghèo và công trình sáng tạo, là do có quá nhiều chuyên gia, phương tiện truyền thông và các trung tâm quyền lực xa người nghèo. Chúng ta không thể sống và lập luận từ một vị trí thoải mái khi nói đến nghèo đói. Tất cả những điều này có thể dẫn đến sự ngủ quên của lương tâm.

“Sự gần gũi tinh thần, thể lý và hiện sinh giúp chúng ta cùng mọi người bước đi hướng tới một thế giới công bằng và hòa bình hơn”, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc nhấn mạnh và đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Nhưng chúng ta, các mục tử và bề trên các tu sĩ đang ở đâu? Phải chăng chúng ta cũng có thể rơi vào cạm bẫy của việc xa rời người nghèo và người đau khổ? Để đưa ra giải pháp cho những tình huống mà chúng ta cố tình né tránh?” (Sir.27/5/2021)

Ngọc Yến