23/01/2025

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, B: Mạc khải Thiên Chúa qua những mối tương quan

Ba bài đọc trong thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay lần lượt nêu bật những dáng vẻ khác nhau về mạc khải của Một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần trong tương quan với con người. Mạc khải tiệm tiến đó được khởi đi từ một Thiên Chúa duy nhất là Chúa của dân Israel, đến một Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI – B

(Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)

MẠC KHẢI THIÊN CHÚA

QUA NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN

“Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Ba bài đọc trong thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay lần lượt nêu bật những dáng vẻ khác nhau về mạc khải của Một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần trong tương quan với con người. Mạc khải tiệm tiến đó được khởi đi từ một Thiên Chúa duy nhất là Chúa của dân Israel, đến một Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chính cái chết của Người đã làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, đồng thời sống trọn vẹn tư cách ấy nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần.

1. Bài đọc I – Đnl 4,32-34.39-40

Khát vọng hướng tới một tôn giáo đa thần với một đời sống luân lý dễ dãi của các dân tộc xung quanh, luôn là cơn cám dỗ triền miên đối với người Do Thái. Chính trong bối cảnh đó, Môsê đã đặt lại cho dân những vấn đề hết sức nền tảng khởi đi từ nhu cầu về ‘hạnh phúc và tồn tại’. Sẽ không thể có ‘hạnh phúc và tồn tại’, nếu như dân Do Thái không có Chúa là Thiên Chúa của họ.

Chính kinh nghiệm còn rất sống động về biến cố xuất Ai Cập và vượt biển Đỏ là một khẳng định không thể chối cãi cho mọi dân xung quanh, cũng như cho chính dân Do Thái về ‘cánh tay mạnh mẽ oai hùng’ của một vị Thiên Chúa luôn ở với dân, để giúp họ tồn tại và có được hạnh phúc. Kinh nghiệm quý báu này đã giúp dân Do Thái nhớ lại căn tính của mình: họ là dân được tuyển chọn, yêu thương và hiến thánh bởi chính Thiên Chúa, chứ không phải bởi bất cứ thần thánh nào khác.

Từ kinh nghiệm sống động về một quá khứ ấy, Môsê đã dẫn dân tới một bổn phận trong hiện tại: đó là ‘hãy tuân giữ các lề luật và giới răn’ của Thiên Chúa. Và Môsê cũng đã không quên khẳng định cách chắc chắn rằng: việc ‘tuân giữ các lề luật và giới răn’ của Thiên Chúa ngay hôm nay sẽ là một bảo đảm cho tương lai của người Do Thái, cũng như cho con cháu mai sau của họ ‘được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho.’

2. Bài đọc II – Rm 8,14-17

Nếu như việc ‘tuân giữ lề luật và các giới răn’ là mối dây nối kết chặt chẽ giữa dân Do Thái với Chúa là Thiên Chúa của họ; thì điều làm cho mỗi Kitô hữu được gọi là con Thiên Chúa, theo thánh Phaolô, không gì khác hơn là việc ‘sống theo Thánh Thần Thiên Chúa.’

Nhưng tại sao chúng ta lại phải sống theo hướng dẫn của Thánh Thần? Thánh Phaolô chỉ ra rằng: nhờ Đức Kitô, chúng ta được trở nên thừa tự của Thiên Chúa. Vì thế tinh thần mà chúng ta được lãnh nhận là tinh thần nghĩa tử, khiến chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, Abba. Như thế, chúng ta là ‘những người thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô.’ Và do vậy, duy chỉ Thánh Thần mới có thể hướng dẫn chúng ta sống đúng tư cách là con Thiên Chúa; nhờ đó chúng ta có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong những đau khổ, cũng như trong vinh quang phục sinh.

3. Bài Phúc Âm – Mt 28,16-20

Nếu việc ‘tuân giữ lề luật và các giới răn’ làm cho con người có khả năng tiếp cận với Thiên Chúa duy nhất, là Chúa của mình; và nếu việc sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần làm cho con người sống đúng tư cách là nghĩa tử của Thiên Chúa; thì việc ‘ra đi loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo’ chính là phương thế làm cho người Kitô hữu trở nên người môn đệ đích thực của Vị Thầy Giêsu. Và điều cốt lõi của lời rao giảng nơi người môn đệ là tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

Khi ban ‘lệnh lên đường’ cho các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ nói trong tư cách là một người Thầy, nhưng còn trong tư cách là Đấng Phục sinh đã được tôn vinh là Đức Chúa (Pl 2,11). Chính tư cách này của Chúa Giêsu đã làm cho lời xác quyết của Người: ‘ở cùng các môn đệ mọi ngày’ trở nên hợp lý và khả tín. Như thế, tình trạng ‘có Chúa ở cùng’ trên mọi nẻo đường truyền giáo của người môn đệ là một bảo đảm chắc chắn nhất cho những hoa trái có được từ lời rao giảng về một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Kinh nghiệm sống niềm tin của dân Do Thái giúp ta hiểu ra rằng: để có thể ‘tồn tại và hạnh phúc’, niềm khát vọng khôn nguôi của mọi người, mọi dân tộc, thì chỉ có một con đường duy nhất là tuân giữ các lề luật và giới răn của Thiên Chúa. Kinh nghiệm tôn giáo ấy vẫn còn nguyên giá trị qua mọi thời đại và cho mọi người. Như thế, ‘tuân giữ các lề luật và giới răn’ không phải là một gánh nặng mà Thiên Chúa yêu thích khi áp đặt nó lên đôi vai cuộc sống của con người, nhưng đó chính là phương thế hữu hiệu giúp con người có thể thoả mãn được cái khát vọng sâu xa nhất của kiếp nhân sinh.

2. Tư cách là con Thiên Chúa là món quà đắt giá mà người Kitô hữu thủ đắc được nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Nhưng để sống trọn vẹn tư cách ‘là con’ này, không thể có con đường nào khác hơn là phải ‘sống theo Thánh Thần Thiên Chúa’. Chính Thánh Thần là Đấng giúp người Kitô hữu có thể hiểu rõ hơn những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và nhất là dẫn họ tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Như thế, lắng nghe và buông mình theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần phải là ‘nhịp thở’ trong cuộc sống hằng ngày của những nghĩa tử của Thiên Chúa.

3. Ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày, cũng như sự đồng hành của Người trên mọi nẻo đường sứ vụ, sẽ giúp cho những nỗ lực sống và loan báo Tin mừng của người môn đệ gặt hái được nhiều hoa trái.

4. Nếu hành vi ‘ở cùng’ là một tác động kép luôn xảy ra giữa một bên là Chúa Giêsu và bên kia là người môn đệ, thì sự nên một hoàn hảo này cũng đã là một lời chứng sống động cho thế giới hôm nay về một niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

5. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần xét như là những mối tương quan trong đời sống Kitô hữu, được cụ thể hoá và đơn giản hoá qua công thức tuyên xưng: ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’. Người tín hữu được mời gọi ý thức hơn mỗi khi thực hiện hành vi đức tin này, vì đó là cách thế giản dị nhất giúp họ ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày của mình.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm quan trọng nền tảng của Kitô giáo. Cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh, luôn can đảm tuyên xưng và sống niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng giúp cho nhiều người tin nhận và thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.

2. “Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các dân tộc trên thế giới, luôn yêu mến và khao khát tìm kiếm chân lý qua việc tôn trọng và thực thi lề luật mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm con người.

3. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn xác tín sự hiện diện và đồng hành của Chúa Kitô trong hành trình đức tin, thêm lạc quan và tích cực cộng tác vào công cuộc loan báo Tin mừng tại Giáo Hội địa phương.

4. “Ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn quảng đại yêu thương và dấn thân phục vụ anh chị em chung quanh.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúc tụng Chúa đã thương tạo thành, cứu chuộc và thánh hoá chúng con trong Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu và ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.