23/01/2025

Thêm chủng SARS-CoV-2 gây dịch nhanh hơn, diễn tiến khó lường

Thêm chủng SARS-CoV-2 gây dịch nhanh hơn, diễn tiến khó lường

Theo Bộ Y tế, chủng SARS-CoV-2 gây dịch lần này lây rất nhanh, rất mạnh, có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phân lập, nuôi cấy và nghiên cứu về biến đổi của SARS-CoV-2 /// Ảnh: Liên Châu
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phân lập, nuôi cấy và nghiên cứu về biến đổi của SARS-CoV-2  ẢNH: LIÊN CHÂU
“Lần này, không chỉ lây theo chuỗi, vi rút còn lây qua không khí, phát tán trong khu công nghiệp (KCN), trong không gian hẹp…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Hết sức phức tạp

Theo Bộ Y tế, chỉ 1 tháng kể từ ngày 27.4 (thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4) đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 2.872 ca Covid-19 trong nước. Trong khi đó, đợt dịch thứ 3 (ổ dịch đầu bùng phát tại Đà Nẵng trước đây) kéo dài 3 tháng, tổng số bệnh nhân (BN) trong nước chỉ là 910 ca.
Trong đợt dịch lần này, tại ổ dịch trong KCN của Bắc Giang, tỷ lệ phát hiện dương tính trong số các mẫu được xét nghiệm có thời điểm lên đến gần 40%. Và tại Nhà máy Hosiden (KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.
Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng khiến cho tình trạng bệnh nặng lên.
Ngày 24.5, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có kết quả giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm do các địa phương gửi về ở những BN đã mắc Covid-19 để xác định biến thể của SAR-CoV-2. Theo đó, trong 32 mẫu lấy tại Đà Nẵng, có 30 mẫu thuộc chủng B.1.1.7 (là chủng lần đầu phát hiện ở Anh) và 2 mẫu thuộc chủng B.1.617.2 (là chủng lần đầu phát hiện ở Ấn Độ). Tỉnh Điện Biên có 4 mẫu, tất cả đều thuộc chủng B.1.617.2. TP.Hải Phòng có 1 mẫu thuộc chủng B.1.1.7.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết kết quả giải trình tự gien trong đợt dịch thứ 4 cho thấy các BN ở các tỉnh, thành hầu hết đều nhiễm biến thể của chủng SARS-CoV-2 được tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ.

Không chủ quan về độc lực của vi rút

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay: “Trong đợt dịch này, chủng vi rút được tìm thấy ở một số trường hợp mắc đều có tốc độ lây lan rất nhanh. Thực tế điều trị đã ghi nhận một số BN những ngày đầu bệnh diễn tiến nhẹ, nhưng mức độ nặng đã tăng vào những ngày sau đó. Chủng được tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ hiện đang gây dịch, được cảnh báo lây lan nhanh, và có thể gây bệnh tiến triển nặng”.
Theo TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng lần đầu phát hiện tại Ấn Độ gây ra. Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước. Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng vi rút mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp, nhưng để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm BN có tuổi, có bệnh nền, mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong các tuần gần đây, đã ghi nhận 2 BN Covid-19 là người trẻ (dưới 40 tuổi) tử vong, có biến chứng suy hô hấp do Covid-19. Trong đó, BN được công bố mới đây là BN nữ 38 tuổi, không có bệnh nền.
Thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết hiện trong các ca bệnh nặng, có ghi nhận BN Covid-19 trẻ, viêm phổi nặng, dù không có bệnh nền. PGS-TS Lương Ngọc Khuê lo ngại SARS-CoV-2 là vi rút mới, chưa thể hiểu hết về những biến đổi, trong đó có đặc tính độc lực. Gần 80% BN ít có triệu chứng, tuy nhiên, đã có một số ca khởi đầu là triệu chứng thông thường, nhưng sau đó diễn biến nặng rất nhanh.

7 biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam

BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã phát hiện 2 biến chủng mới của SARS-CoV-2 sau khi giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm BV đã thực hiện, đó là biến chủng B.1.222 và biến chủng B1.619. Trong đó, biến chủng B.1.222 xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, đặc biệt là ở vùng Scotland. Biến chủng này có rất nhiều đột biến trên protein gai (spike protein) khác với chủng lần đầu tìm thấy tại Ấn Độ B.1.617.2. Biến chủng B.1.619 xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ Cameroon của châu Phi sau lan ra châu Âu.
Như vậy, với 2 biến chủng mới phát hiện này, Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2. 5 biến chủng phát hiện trước đó, gồm: D614G từ châu Âu, gây dịch tại Đà Nẵng; B.1.1.7 từ Anh, gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên BN người Nam Phi (ca bệnh 1.422), nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) từ Nam Phi ngày 19.12.2020 và biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi, ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Và biến thể B.1.617.2 được phát hiện gần đây từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh, hiện đang là nguyên nhân gây dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thanh Đặng – Liên Châu
LIÊN CHÂU
TNO