24/12/2024

ĐTC Phanxicô: Sau đại dịch cần có hệ sinh thái toàn diện

ĐTC Phanxicô: Sau đại dịch cần có hệ sinh thái toàn diện

Một đảo của Guadalupe (AFP or licensors)

Trong thư gửi đến Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, nhân Hội nghị trực tuyến về đề tài “Xây dựng Tình huynh đệ, Bảo vệ Công lý. Những thách đố và Cơ hội cho người dân trên đảo”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Hiện nay người dân trên đảo đang phải đối diện với sự biến đổi môi trường và khí hậu khắc nghiệt. Hậu quả là môi trường, xã hội và con người bị suy thoái. Vì thế, sau đại dịch cần phải có hệ sinh thái toàn diện.”

Hội nghị trực tuyến được tổ chức bởi Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Trung tâm Anh giáo ở Roma có sự tham dự đặc biệt của ông Wavel Ramkalawan, Tổng thống Đảo quốc Seychelles; Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của Tổng Giáo phận Canterbury.

Đức Thánh Cha viết cho Đức Hồng y Turkson: “Sáng kiến đại kết quan trọng này nhằm tạo ra một cuộc đối thoại nảy sinh từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các truyền thống Kitô khác nhau, tạo cơ hội cho các tín hữu, các nhà lãnh đạo chính phủ và các thành viên của xã hội dân sự rộng lớn hơn, đặc biệt là giới trẻ, về những thách đố cụ thể mà người dân trên đảo đang phải đối diện.”

Đức Thánh Cha đề cập đến bạo lực, khủng bố, nghèo đói và nhiều hình thức bất công xã hội và kinh tế đang làm thiệt hại cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Ngài đặc biệt lo ngại vì hiện nay, nhiều người dân trên đảo đang phải đối diện với những biến đổi môi trường và khí hậu khắc nghiệt, một số là hậu quả của việc khai thác không kiểm soát tài nguyên thiên nhiên và con người. Hậu quả không chỉ là môi trường bị suy thoái nhưng con người và xã hội cũng bị suy thoái, khiến cuộc sống của cư dân trên những vùng lãnh thổ đảo và biển này ngày càng gặp nhiều rủi ro.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong những tháng đại dịch này, chúng ta ý thức hơn về sự mong manh của chính mình, vì thế cần phải có một hệ sinh thái toàn diện có thể hỗ trợ không chỉ các hệ sinh thái vật chất mà còn cho cả hệ sinh thái con người. Vì mọi thứ đều được kết nối, do đó, thái độ liên đới và tôn trọng đối với mỗi người là điều cần thiết hơn cả để kết hợp tình yêu thương chân thành dành cho anh chị em của chúng ta, với một dấn thân bền bỉ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội ảnh hưởng đến những người sống trên các vùng đảo và biển.”

Cuối thư, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì những nỗ lực không ngừng nhằm xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý trong xã hội của các khu vực này. Ngài tin Hội nghị sẽ là dấu hiệu cho thấy vai trò quan trọng của người dân trên đảo, có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của một thế giới hoà nhập và nhân văn hơn.

Ngọc Yến