Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, B – 2021: Thở được Thần Khí của Đức Giêsu
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để khai sinh Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô cũng như để biến đổi các tông đồ và môn đệ trở thành những con người phi thường làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh.
Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Thở được Thần Khí của Đức Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống để khai sinh Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô cũng như để biến đổi các tông đồ và môn đệ trở thành những con người phi thường làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Người đã thổi hơi trên các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Quyền tha tội chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, nên khi ban Thánh Thần cho ta, là Đức Giêsu đã muốn biến đổi ta thành Thiên Chúa như Người. Vậy chúng ta đã thở Thần Khí của Người như thế nào?
1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên
Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí.
Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người bình thường cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải khí carbonic ra. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài[1]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy. Trong vòng ¼ giây, máu đen tràn vào các túi chứa khí, gọi là phế nang. Có khoảng 500 triệu túi trong 2 lá phổi, tạo ra một bề mặt có diện tích khoảng 70m2 để việc trao đổi khí được diễn ra thật nhanh chóng.
Khi hô hấp bình thường, có khoảng 500ml khí lưu thông vào và ra khỏi phổi. Tuy nhiên, người ta có thể gia tăng lượng khí hít thở trong khi vận động nhờ tập thở. Lượng khí tối đa mà hai lá phổi có khả năng giữ lại bên trong là 5.800ml, nhưng có khoảng 1000ml gọi là khí cặn, luôn được giữ lại trong phổi sau mỗi nhịp thở, để phòng trường hợp khẩn cấp do thiếu khí, ngạt hơi [2].
Hệ thần kinh, với bộ não và tuỷ sống, tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan.
Đặc biệt bộ não với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh gọi là neuron, tuy chỉ to bằng nắm tay, nhưng cần một lượng khí tối thiểu khoảng 2.000 lít không khí một ngày. Vì thế khi bộ não được nuôi dưỡng đầy đủ bằng máu và khí oxy trong máu, hệ thần kinh sẽ phát đầy đủ các lệnh cho mọi cơ quan hoạt động và sức khoẻ con người được bảo đảm, tài năng được phát triển.
Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đấy là lý do chúng ta cần tập thở nhiều để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.
2. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên
Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người.
Chúa Thánh Thần là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” [3] để biến đổi họ thành con người mới đầy ơn sủng và quyền năng. Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, được ban tặng cho ta.
Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô, có chung sự sống của Chúa Giêsu, nên cũng thở cùng một Thần Khí với Người. Chúa Thánh Thần chính là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu [4].
Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” [5]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô. Đó là “sứ mệnh phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần” [6], đồng thời cũng là sứ mệnh của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” [7].
Chúng ta phải thú nhận rằng: nhiều tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí như các tông đồ và môn đệ xưa. Thần Khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít giúp họ sống yếu ớt, thoi thóp chứ không phải dồi dào với đủ loại đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học…
Vì thế, chúng ta cần phải tập thở Thần Khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và tin theo Người.
3. Tập thở tự nhiên và siêu nhiên
Chúng ta có thể tập những động tác thở tự nhiên để tăng khối lượng khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây. Đồng thời, ta cũng tập thở Thần Khí để tăng cường sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở trong ta.
Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, La Mã đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Nhiều đạo sĩ, thiền sư Đông Phương ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước muốn được thần hoá của con người.
Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí” [8], “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn” [9], “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” [10] thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”[11]. Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được khí thiêng của Trời.
Để cụ thể hơn, chúng tôi thử đề nghị một cách thở siêu nhiên kết hợp với thở tự nhiên, nhất là dành cho những ai đang bị bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần. Nhiều bệnh nhân đã được chữa lành nhờ cách thở này:
Chúng ta dành chừng 5 phút, ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ đêm. Khi hít vào bằng mũi khí tự nhiên thì tinh thần ta cũng cần mở ra để hít khí siêu nhiên. Làn khí tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng này tràn vào hồn ta, toả khắp người ta. Vừa hít khí vào từ từ bằng mũi, ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Khi thở ra, thể xác ta thải ra khí carbonic, tinh thần ta cũng đẩy những uế khí, tà khí ra khỏi tâm trí mình. Tà khí đó là những tư tưởng tiêu cực, hình ảnh dâm ô, cảm xúc buồn phiền, thất vọng, ghen tương, sợ hãi… Tâm trí ta lúc đó hoàn toàn trống rỗng để chỉ còn Thần Khí hiện diện. Vừa thở ra từ từ bằng miệng, ta vừa nói thầm: “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi con”[12]. Chúng ta sẽ cảm nhận được tâm hồn mình thanh thản và tràn đầy ơn lành của Chúa Thánh Thần.
Lời kết
Bài học “Thở được Thần Khí của Đức Giêsu” này đối với chúng ta là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Vì thế ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin thánh hoá chúng con”. Amen.
- x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196. ↑
- x. Alice Roberts, Atlas, tr.330. ↑
- x. Cv 2,1-11. ↑
- x. Gl 4,6 ↑
- x. 2Cr 12,37.12.13. ↑
- x. GLHTCG, số 689-690, 727. ↑
- x. GLHTCG, số 730. ↑
- Gl 5,16. ↑
- Gl 5,18. ↑
- Gl 5,25. ↑
- Gl 5,22. ↑
-
x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.173-175; Bạn là Lời Cứu độ, tái bản lần IV, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.30-31. ↑