22/01/2025

Giáo hội Tây Ban Nha kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho người di cư

Giáo hội Tây Ban Nha kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho người di cư

Ceuta (AFP or licensors)

Giáo hội Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra trong những ngày này tại thành phố Ceuta, Tây Ban Nha, khẳng định “các quốc gia không thể sử dụng sự tuyệt vọng, nghèo khổ của các gia đình và trẻ vị thành niên, cũng như khát vọng chính đáng của họ cho mục đích chính trị”.

Ceuta là một thành phố tự trị của Tây Ban Nha, nằm bên bờ biển Bắc Phi và có đường biên giới dài 6,4km với Moroc. Thành phố này ngăn cách với Moroc bằng hàng rào biên giới cao tới 10m. Người di cư chọn vượt biên bằng đường biển để có thể đặt chân lên lãnh thổ Châu Âu. Tại đây, từ thứ Hai 17/5 có hơn 8.000 người từ Maroc vượt biển đến.

Trước tình hình nhập cư trái phép của số đông này, ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu nói: “Châu Âu sẽ không cho phép bất cứ ai đe doạ, không để những người khai thác di cư đe doạ”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, người có kinh nghiệm trong vùng đất này thì nói đây là “một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho Tây Ban Nha và Châu Âu”. Thực tế, cuộc khủng hoảng ở Ceuta là cuộc khủng hoảng chưa từng có. Chưa bao giờ Tây Ban Nha phải quản lý một số lớn người di cư như vậy, tất cả họ đều đến cùng một lúc trên một lãnh thổ không quá 85.000 cư dân.

Trong một lưu ý được phổ biến trong những ngày vừa qua, các Giám mục Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại về tình hình khẩn cấp này và khẳng định rằng “các quốc gia không thể sử dụng sự tuyệt vọng, nghèo khổ của các gia đình và trẻ vị thành niên, cũng như khát vọng chính đáng của họ cho mục đích chính trị”. Các vị mục tử tái khẳng định tình liên đới với các giáo phận có nhiều người nhập cư, đồng thời mời gọi tất cả mọi người “duy trì sự chung sống hoà bình và thực hiện chính sách tốt nhất để phục vụ công ích”.

Cha Camillo Ripamonti, Chủ tịch Trung tâm Astalli, Cơ quan Cứu trợ Dòng Tên dành cho người tị nạn, nhận định rằng, một tình huống khẩn cấp thực sự đang diễn ra tại đây, cộng đồng quốc tế và Châu Âu phải chung tay giải quyết vấn đề này. Theo cha, cần phải có một cách tiếp cận mới, cần phải thay đổi quan điểm một cách triệt để. Đó là cách nhập cảnh hợp pháp thông qua các kênh tái định cư và nhân đạo, được kích hoạt với sự phân bổ công bằng người di cư giữa tất cả các quốc gia của Liên minh, với một cơ chế bắt buộc mỗi quốc gia phải cam kết thi hành phận vụ của mình.

Ngọc Yến