26/12/2024

Toà Thánh tiếp phái đoàn “Các nhà lãnh đạo vì hoà bình”

Toà Thánh tiếp phái đoàn “Các nhà lãnh đạo vì hoà bình”

Hôm thứ Ba 4/5, một phái đoàn của tổ chức quốc tế “Các nhà lãnh đạo vì hoà bình”, do ông Jean-Pierre Raffarin, nguyên Thủ tướng Pháp, thành lập, đã đến Vatican và được Đức Tổng Giám mục Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, đón tiếp và thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương và giáo dục vì hoà bình.

Chuyến thăm lần này của phái đoàn có 2 mục tiêu: thúc đẩy một cuộc tiếp kiến giữa Đức Thánh Cha và chủ tịch tổ chức, và lên chương trình cho một buổi hội thảo với Đại học Giáo hoàng Lateranô.

Tổ chức gồm 36 thành viên, trong đó có ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và ông Ban Ki-moon, nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Hoạt động của tổ chức là nhằm thúc đẩy cách tiếp cận mới đối với hòa bình và đối thoại, một chủ đề luôn được Toà Thánh đề cập.

Với cuộc gặp gỡ lần này, Toà Thánh và “Các nhà lãnh đạo vì hoà bình” hy vọng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo với Đại học Giáo hoàng Lateranô về giáo dục vì hoà bình. Bà Donia Kaouach, giám đốc điều hành, giải thích về hội thảo: “Nhằm cung cấp cho những người trẻ một hành trang tri thức để họ có thể trở thành những người kiến tạo hoà bình trong môi trường sống của họ. Hiện tại, nền tảng quốc tế đang nỗ lực phát triển mạng lưới các trường học hoà bình cho thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới. Do đại dịch, ngày diễn ra hội thảo với Đại học Lateranô hiện chưa được xác định.”

Bà Irina Bokova, nguyên Tổng Giám đốc Unesco, thành viên của Uỷ ban Cấp cao về Tình huynh đệ Nhân loại, cũng là người có mặt tại buổi gặp với Đức Tổng Giám mục Gallagher, cho biết, có nhiều điểm chung giữa tổ chức và chính sách ngoại giao của Toà Thánh. Tài liệu về Tình huynh đệ Fratelli tutti và Thông điệp Laudato Si’ mở ra một không gian rộng lớn cho sự hợp tác vì hoà bình giữa tổ chức và Toà Thánh. Việc ủng hộ những ý tưởng này về sự đồng cảm, quan tâm và tôn trọng người khác ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong thời điểm đại dịch này.

Ông Enrique Baron-Crespo, nguyên Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, cho rằng hoạt động vì hoà bình là một giá trị thánh thiêng. Theo ông, cần phải giáo dục thế hệ trẻ để không có sự thù ghét nhau nữa. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử và học hỏi những gì tốt nhất nơi con người. Ông Enrique cho biết thêm, tổ chức “Các nhà lãnh đạo vì hoà bình”, cùng với Đức Thánh Cha, còn hướng đến một cuộc chiến khác, đó là bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Bởi vì với sự nóng lên toàn cầu, chúng ta cần chia sẻ sự sống còn của chính chúng ta, và chứng tá của Đức Thánh Cha với Laudato Si’ sẽ khuyến khích mọi người dấn thân bảo vệ hành tinh.

Ngọc Yến