Chúa Nhật, 02.05.2021
Sinh Nhiều Hoa Trái

Đức Giêsu có một ước mơ lớn, đó là nên một với các môn đệ. Chúng ta chỉ trở thành một kitô hữu trọn vẹn khi được chia sẻ cùng một sự sống của Chúa Kitô phục sinh, nghĩa là chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.

Chúa Nhật, 02.05.2021
Sinh Nhiều Hoa Trái

Lời Chúa

Cv 9,26-31 • Tv 21,26b-27.28 và 30.31-32 (Đ.c.26a) • 1 Ga 3,18-24 • Ga 15,1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô Theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: 1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm Lời Chúa

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu. Hai bên biết nhau, hiểu ngôn ngữ của nhau. Người mục tử tốt dám chết để chiên được sống dồi dào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả tương quan ấy, Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh quen thuộc khác, đó là hình ảnh cây nho và cành nho gắn kết với nhau,vì cây nho là cây được trồng nhiều ở nước Israen.

Có một Cây Nho Giêsu gồm nhiều cành, và có người trồng. Người trồng nho là Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu. Cha đã chăm sóc cẩn thận cho Cây Nho này. Cành không sinh trái thì Cha chặt đi, đốt đi. Cành đã sinh trái thì Ngài cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn. Ước mơ của Thiên Chúa là Cây Nho Giêsu sinh nhiều trái. Vinh quang của Thiên Chúa là những cành nho trĩu quả. Nhưng cành nho không thể nào tự mình sinh trái. Nó chỉ sống nhờ dòng nhựa nguyên từ Cây Nho. Tách mình ra khỏi Cây Nho, cành nho nhanh chóng bị héo, và cuối cùng chỉ để làm mồi cho ngọn lửa. “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Cũng như Thầy “không thể tự mình làm điều gì”, ngoại trừ điều Thầy thấy Cha làm (Ga 5,19; 8,28). Mọi cố gắng ngoài Thiên Chúa đều trở nên vô ích.

Lối nói “ở lại trong” được dùng 9 lần trong bài Tin Mừng này để nói về tương quan giữa Đức Giêsu và người tín hữu. “Ở lại trong” không phải chỉ là “ở lại với” về mặt thể lý, dù “ở lại với” đôi khi cũng không dễ dàng. Đức Giêsu ở lại với các môn đệ (Ga 1,38-39; 4.40; 11,54…), nhưng có những người rút lui, không đi với Ngài nữa (Ga 6,66). Phêrô cũng không dám nhận mình ở với Thầy Giêsu (Ga 18,26-27). Đức Giêsu mong các môn đệ hiện tại và tương lai chẳng những “ở lại với” Ngài, mà còn “ở lại trong” Ngài. Ngài đã chỉ cho ta một cách để ở lại trong Ngài qua bí tích: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, Và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Khi gần kề giờ phải về với Cha, giờ phải chia tay các môn đệ, giờ các môn đệ sẽ phải chịu thử thách gian nan (Ga 16,20), Đức Giêsu đã khẩn thiết mời gọi họ (Ga 15,4): “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em.” Ở lại trong là ở lại với mức độ sâu xa, bền vững. Ở lại trong là kiên trì ở lại giữa những thách đố của đức tin. Ở lại trong là một tiến trình lớn lên mãi trong đức mến.

Hình ảnh cành nho gắn liền và ở lại trong cây nho đã gợi cho Đức Giêsu về tương quan giữa Ngài và môn đệ. Dòng nhựa sống được thông chuyển từ cây sang cành. Cả cây lẫn các cành chỉ luân lưu một dòng nhựa duy nhất. Từ đó cành kết trái xum xuê. Cành của môn đệ cũng chỉ kết trái nếu họ ở lại trong Thầy, và để lời của Thầy ở lại trong họ và cắt tỉa họ (Ga 15,3.7).

Đức Giêsu có một ước mơ lớn, đó là nên một với các môn đệ. Chúng ta chỉ trở thành một kitô hữu trọn vẹn khi được chia sẻ cùng một sự sống của Chúa Kitô phục sinh, nghĩa là chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa. Chúng ta chỉ trở thành môn đệ thật của Chúa Giêsu khi nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ước gì Chúa ngày càng ở lại trong ta, và giữ ta ở lại trong Chúa, để dần dần Chúa chiếm trọn cuộc sống của ta.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J