23/01/2025

Phát hiện hành tinh ‘địa ngục’, nóng đến nỗi kim loại lập tức bốc hơi

Phát hiện hành tinh ‘địa ngục’, nóng đến nỗi kim loại lập tức bốc hơi

Các nhà khoa học vừa phát hiện một thế giới chẳng khác nào “địa ngục”, với sức nóng vượt xa sự tưởng tượng của con người và khiến nó trở thành một trong những hành tinh nóng nhất từng được con người tìm thấy.
Mô phỏng TOI-1431b trên trục quay bất thường của nó /// Đại học Nam Queensland
Mô phỏng TOI-1431b trên trục quay bất thường của nó  ĐẠI HỌC NAM QUEENSLAND
TOI-1431b, còn gọi là MASCARA-5b, được phát hiện cách Trái đất 490 năm ánh sáng. Có kích thước lớn gần gấp đôi sao Mộc, hành tinh này duy trì mức nhiệt độ mà ngay cả các sao lùn đỏ của Dải Ngân hà cũng phải “chào thua”.
“Đây quả là một thế giới của địa ngục. Nhiệt độ ở ban ngày lên đến 2.700oC, trong khi nhiệt độ ở ban đêm cũng không chịu thua kém, ở mức 2.300oC. Không sự sống nào có thể tồn tại trong môi trường này”, theo Đài ABC News hôm 27.4 dẫn lời tiến sĩ Brett Addison, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Nam Queensland (Úc).
Trên thực tế, nhiệt độ ở phần ban ngày của hành tinh nóng hơn 40% các ngôi sao của Dải Ngân hà.
Với mức nhiệt độ trên, đa số kim loại đều sẽ lập tức bốc hơi khi xuất hiện trên TOI-1431b. Chẳng hạn, titanium nóng chảy ở nhiệt độ 1.670oC, platinum ở 1.770oC , và thép không gỉ từ 1.375 đến 1.530oC.
TOI-1431b thuộc nhóm các sao Mộc siêu nóng và rất hiếm khi được phát hiện. Nó chỉ mất 2 ngày rưỡi để hoàn tất chu kỳ xoay quanh sao trung tâm. Bên cạnh đó, hành tinh trên còn gây chú ý với quỹ đạo bất thường.
“Trong hệ mặt trời, mọi hành tinh xoay cùng hướng với chiều quay của mặt trời và chúng đều xoay trên cùng một mặt phẳng quỹ đạo. Còn hành tinh mới có quỹ đạo lệch đến nỗi nó xoay ngược hướng với chiều xoay của sao trung tâm”, theo tiến sĩ Addison.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện TOI-1431b nhờ vào vệ tinh khảo sát các hành tinh ngoài Trái đất (TESS), và phối hợp với dữ liệu thu được từ đài quan sát SONG trên Quần đảo Canary ở Đại Tây Dương.
HẠO NHIÊN
TNO