23/01/2025

ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện – Bài 31: Suy niệm

Vậy, ở đây, ơn thánh của lời cầu nguyện Kitô giáo là: Chúa Kitô không ở đâu xa, nhưng luôn ở trong mối liên hệ với chúng ta. Không có khía cạnh nào về con người nhân thần của Người mà không thể trở thành nơi cứu rỗi và hạnh phúc cho chúng ta. Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, nhờ ơn thánh của lời cầu nguyện, có thể trở nên cận kề đối với chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn. Nhưng anh chị em biết đấy, người ta không thể cầu nguyện nếu không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thư viện Dinh Tông toà
Thứ Tư, 28 tháng 4 năm 2021

____________________________

Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 31: Suy niệm

Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về hình thức cầu nguyện gọi là suy niệm. Đối với một Kitô hữu, “suy niệm” là tìm kiếm ý nghĩa: nó ngụ ý đặt mình trước trang sách Mạc Khải mênh mông để cố gắng biến nó thành của riêng chúng ta, mặc lấy nó một cách trọn vẹn. Và người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận Lời Chúa, không giữ kín Lời Chúa ở trong mình, bởi vì Lời ấy phải được “một cuốn sách khác” gặp gỡ, điều mà Sách Giáo lý gọi là “sách sự sống” (x. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2706). Đây là điều chúng ta cố gắng làm mỗi khi suy niệm Lời Chúa.

Việc thực hành suy niệm đã được rất nhiều người quan tâm trong những năm gần đây. Không những chỉ có các Kitô hữu mới nói về nó: việc thực hành suy niệm có mặt trong hầu hết các tôn giáo trên thế giới. Nhưng nó cũng là một hoạt động phổ biến nơi những người không có quan điểm tôn giáo về cuộc sống. Tất cả chúng ta cần suy niệm, suy tư, khám phá bản thân, đó là một động năng của con người. Nhất là trong thế giới phương Tây hết sức háo hức, người ta tìm đến suy niệm vì nó đại diện cho một rào cản khá cao chống lại sự căng thẳng và sự trống rỗng hàng ngày ở khắp nơi. Ở đây, ta thấy hình ảnh của những người trẻ và người lớn đang ngồi suy niệm, trong im lặng, nhắm mắt… Nhưng những người này làm gì, chúng ta dám hỏi thế? Họ suy niệm. Đó là một hiện tượng cần được nhìn một cách thiện cảm: thực thế, chúng ta không được tạo dựng để lúc nào cũng chạy nhẩy, chúng ta có một đời sống nội tâm không thể luôn luôn bị làm ngơ. Suy niệm vì vậy là nhu cầu của tất cả mọi người. Có thể nói, suy niệm cũng giống như dừng lại và hít thở trong cuộc sống. Dừng lại và tĩnh lặng.

Nhưng chúng ta nhận ra rằng hạn từ này, khi được tiếp nhận vào bối cảnh Kitô giáo, có một tính độc đáo không thể bị xóa bỏ. Suy niệm là một chiều kích cần thiết của con người, nhưng trong bối cảnh Kitô giáo – chúng ta là những người theo Kitô giáo – suy niệm còn đi xa hơn: nó là một chiều kích không thể bị xóa bỏ. Cánh cửa lớn qua đó lời cầu nguyện của một người đã được rửa tội là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải tự nhắc nhở điều đó một lần nữa. Đối với Kitô hữu, suy niệm là đi vào qua cánh cửa Chúa Giêsu Kitô. Việc thực hành suy niệm cũng đi theo con đường này. Và, khi cầu nguyện, Kitô hữu không khát mong đạt tới việc hoàn toàn biết rõ về chính mình, không tìm tới tâm điểm sâu thẳm nhất của bản ngã. Điều này chính đáng, nhưng Kitô hữu tìm kiếm một điều khác. Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trước hết là cuộc gặp gỡ với Người khác, với chữ “N” viết hoa: cuộc gặp gỡ siêu việt với Thiên Chúa. Nếu kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm, hoặc khả năng làm chủ bản thân, hoặc sự rõ ràng về con đường phải đi, thì người ta có thể nói, những kết quả này là hậu quả ơn thánh của lời cầu nguyện Kitô giáo, vốn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Nghĩa là, việc suy niệm đồng nghĩa với việc đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong chúng ta, như cụm từ trong Kinh thánh từng nói.

Trong suốt lịch sử, thuật ngữ “suy niệm” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngay trong Kitô giáo, nó có ý nói đến những trải nghiệm tâm linh khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tìm thấy một số đường hướng chung, và về điều này, chúng ta lại được sự giúp đỡ một lần nữa của Sách Giáo lý, vì Sách Giáo lý nói: “Có bao nhiêu bậc thầy linh đạo thì có bấy nhiêu phương pháp suy niệm… Nhưng phương pháp chỉ là người hướng dẫn, điều quan trọng là chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mà tiến bước, theo Đức Kitô trên con đường cầu nguyện” (số 2707). Và ở đây nó chỉ cho chúng ta một người bạn đồng hành, một người hướng dẫn: Chúa Thánh Thần. Việc suy niệm của Kitô hữu không thể thực hiện được nếu không có Chúa Thánh Thần. Chính Người hướng dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta sẽ ban Thánh Thần cho các con. Người sẽ dạy dỗ các con và sẽ giải thích cho các con. Người dạy dỗ các con và sẽ giải thích cho các con”. Và cả trong suy niệm nữa, Người là Đấng hướng dẫn để chúng ta tiến lên trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.

Vì vậy, có nhiều phương pháp suy niệm của Kitô giáo: một số thì rất đơn giản, một số thì chi tiết hơn; một số làm nổi bật chiều kích tri thức của người ta, những phương pháp khác nhấn mạnh chiều kích cảm giới và cảm xúc. Chúng là các phương pháp. Tất cả chúng đều quan trọng và tất cả chúng đều đáng được thực hành, nếu chúng có thể giúp ích. Chúng giúp gì? Kinh nghiệm đức tin để trở thành một hành động toàn diện của con người: người ta không chỉ cầu nguyện bằng trí khôn mà thôi; toàn bộ con người cầu nguyện, cũng như người ta không chỉ cầu nguyện bằng cảm xúc mà thôi. Không, bằng mọi sự. Người xưa thường nói phần cơ thể cầu nguyện chính là trái tim, và do đó họ giải thích rằng, bắt đầu từ trung tâm – trái tim – toàn bộ con người đi vào mối liên hệ với Thiên Chúa, chứ không phải chỉ một vài quan năng. Đó là cách người xưa giải thích. Đó là lý do tại sao phải luôn nhớ rằng phương pháp là một con đường, chứ không phải là một mục tiêu: bất cứ phương pháp cầu nguyện nào, nếu muốn là của Kitô giáo, đều là một phần của Sequela Christi, nghĩa là theo chân Chúa Kitô, vốn là yếu tính của đức tin chúng ta. Các phương pháp suy niệm là những con đường đi để đến nơi gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng nếu anh chị em dừng lại giữa đường, và chỉ nhìn vào con đường, anh chị em sẽ không bao giờ tìm thấy Chúa Giêsu. Anh chị em sẽ làm cho con đường trở thành một “vị thần”. Không có vị “Thần” nào chờ đợi anh chị em ở đó, chỉ có Chúa Giêsu đang chờ anh chị em thôi. Và con đường ở đó để đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu. Sách Giáo lý chỉ rõ: “Muốn suy gẫm chúng ta phải vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn, để đào sâu xác tín, khơi dậy lòng hoán cải và củng cố quyết tâm theo Chúa Kitô. Nên ưu tiên suy gẫm về ‘các mầu nhiệm của Chúa Kitô’” (số 2708).

Vậy, ở đây, ơn thánh của lời cầu nguyện Kitô giáo là: Chúa Kitô không ở đâu xa, nhưng luôn ở trong mối liên hệ với chúng ta. Không có khía cạnh nào về con người nhân thần của Người mà không thể trở thành nơi cứu rỗi và hạnh phúc cho chúng ta. Mọi khoảnh khắc trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, nhờ ơn thánh của lời cầu nguyện, có thể trở nên cận kề đối với chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn. Nhưng anh chị em biết đấy, người ta không thể cầu nguyện nếu không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng hướng dẫn chúng ta! Và nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng có mặt tại sông Giođan khi Chúa Giêsu dìm mình xuống để lãnh nhận phép rửa. Chúng ta cũng là khách dự tiệc cưới Cana, khi Chúa Giêsu ban rượu ngon nhất cho hạnh phúc lứa đôi, nghĩa là chính Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với những mầu nhiệm này của cuộc đời Chúa Kitô vì khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được lời cầu nguyện, kết hợp chúng ta mật thiết hơn với Người. Chúng ta cũng là những người kinh ngạc chứng kiến hàng ngàn vụ chữa bệnh được Thầy Chí Thánh thực hiện. Chúng ta dùng Tin Mừng, và suy niệm về những mầu nhiệm đó trong Tin Mừng, và Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hiện diện ở đó. Và trong lời cầu nguyện – khi chúng ta cầu nguyện – tất cả chúng ta đều giống như người phong cùi đã được tẩy sạch, người mù Bartimêô đã lấy lại được thị lực, Ladarô, người ra khỏi mồ… Chúng ta cũng được chữa lành nhờ lời cầu nguyện giống như người mù Bartimêô, và người kia, người phong cùi. … Chúng ta cũng sống lại, như Ladarô sống lại, bởi vì lời cầu nguyện suy niệm do Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn chúng ta làm sống lại những mầu nhiệm này trong cuộc đời của Chúa Kitô và gặp gỡ Chúa Kitô, và cùng với người mù nói rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con! Xin thương xót con! ” – “Và anh muốn gì?” – “muốn xem, muốn tham gia vào cuộc đối thoại đó”. Và việc suy niệm Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại này với Chúa Giêsu. Không có trang nào trong Tin Mừng mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với Kitô hữu chúng ta, suy niệm là một cách để tiếp xúc với Chúa Giêsu. Và bằng cách này, chỉ bằng cách này, chúng ta mới khám phá ra chính mình. Và đây không phải là một sự rút lui vào chính chúng ta, không, không: nó có nghĩa là đi gặp Chúa Giêsu, và từ Chúa Giêsu, khám phá ra bản thân mình, được chữa lành, sống lại, mạnh mẽ bởi ơn thánh của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi. Và điều này, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn anh chị em.

Nguồn: http://vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong bài giáo lý tiếp tục về cầu nguyện, giờ đây chúng tôi xem xét tầm quan trọng của việc cầu nguyện gọi là suy niệm. Ai cũng cần những phút giây lắng đọng giữa những bận rộn của cuộc sống hàng ngày. Đối với các Kitô hữu, suy niệm không chỉ đơn giản là một vấn đề nội tâm mà là một phương pháp cầu nguyện, một phương tiện để gặp gỡ Chúa Kitô, trên hết là trong các mầu nhiệm của cuộc sống trần thế của Người. Mặc dù có nhiều phương pháp suy niệm trong truyền thống tâm linh phong phú của Giáo hội, nhưng tất cả đều có một mục đích duy nhất: giúp chúng ta phát triển trong mối quan hệ với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô trong đức tin được nuôi dưỡng qua việc sử dụng trí tuệ, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn của chúng ta. Sách Giáo lý dạy rằng việc suy niệm về các mầu nhiệm của Chúa Kitô giúp đào sâu đức tin của chúng ta, thúc đẩy lòng chúng ta hoán cải, và củng cố ý chí của chúng ta để theo bước chân của Người (x. Số 2708). Do đó, mọi lời nói và hành động của Chúa chúng ta có thể chạm vào chúng ta và trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Trong mỗi trang của Tin Mừng, chúng ta được mời gọi gặp gỡ Chúa Kitô và khám phá nơi Người nguồn ơn cứu độ và hạnh phúc đích thực của chúng ta.