23/01/2025

Chúa Nhật IV Phục Sinh, B: Mục tử vì đàn chiên

Mục tử Giêsu trong Tin mừng thứ tư là hình ảnh vị mục tử lý tưởng, hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước về những vị mục tử đẹp lòng Người (x. Gr 3,15; Ed 34,23-24). Đức Giêsu là “Mục tử nhân lành” với các phẩm chất như: “biết rõ từng con chiên”, “quy tụ các đàn chiên”, “tự ý hy sinh mạng sống và có quyền lấy lại”.

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – B
CHÚA CHIÊN LÀNH

(Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)

MỤC TỬ VÌ ĐÀN CHIÊN

“Tôi chính là Mục tử nhân lành.
Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”
(Ga10,14-15)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Các bài đọc lời Chúa lễ Chúa Chiên Lành cho thấy những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Thiên Chúa: Thiên Chúa như là người cha hằng yêu thương con cái mình; Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa, là Mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh cho đàn chiên được sống, nhất là khi Người từ cõi chết sống lại, và trở nên đối tượng và nội dung của lời rao giảng tiên khởi trong thời Giáo Hội sơ khai và vẫn tiếp tục là sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách Công vụ tường thuật việc ông Phêrô, được đầy ơn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã trỗi dậy từ cõi chết. Người là Đấng Cứu độ duy nhất và nhờ danh của Người mà anh què được chữa lành.

Trước hết, đứng trước lời chất vấn của các thủ lãnh tôn giáo Do Thái “về quyền năng hay nhân danh ai” mà chữa anh què (x. Cv 4,7), lời chứng của ông Phêrô và cũng là của Giáo Hội sơ khai là sự xác tín cách mạnh dạn và chắc chắn rằng Đức Giêsu Nazareth, một con người lịch sử, đã bị giết chết, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại. Và chính nhờ sức mạnh và quyền năng của Đức Giêsu Phục Sinh đó mà người què đã được chữa khỏi, chứ không phải do tài khéo hay quyền năng riêng của ông Phêrô (x. Cv 3,6-8; 4,10). Đức Giêsu Phục Sinh vẫn tiếp tục hiện diện và biểu lộ quyền năng của Người cho những ai đặt niềm tin nơi Người.

Sau nữa, Giáo Hội sơ khai, qua lời chứng của ông Phêrô, công khai tuyên xưng Đức Kitô Phục Sinh là Đấng Cứu độ duy nhất, “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Được cứu độ, đối với tác giả Luca, vừa có thể là được khỏi bệnh thể lý (x. Lc 7,50; 8,48; Cv 3,6-8), vừa có thể là được khỏi bệnh tâm hồn (x. Lc 8,12; 9,24), cũng có thể là sự thứ tha tội lỗi, thoát khỏi cái chết và án phạt đời đời (x. Lc 1,77; Cv 2,40.47). Chỉ Đức Kitô đã chết và đã sống lại mới là Đấng Cứu độ duy nhất như thế.

Lời rao giảng về Đức Kitô đã chết và đã phục sinh, là Đấng cứu độ, Đấng ban sự sống cho những ai tin, đã vang lên trong chiều dài lịch sử và vẫn phải tiếp tục vang lên mãi trong đời sống Giáo Hội.

2. Bài đọc 2:

Thư thứ nhất Gioan là lời tuyên tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; tình yêu lớn lao đó làm thay đổi thân phận người Kitô qua hai giai đoạn.

Trước hết, ở giai đoạn thứ nhất, tình yêu Thiên Chúa cho các tín hữu được làm con thật sự của Người. Quả vậy, địa vị làm con Thiên Chúa không chỉ là một danh xưng, “được gọi là con Thiên Chúa” nhưng là một thực chất, “thực sự là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Thánh Phaolô cho biết rằng thân phận làm con Thiên Chúa giải phóng người ta khỏi “nô lệ và sợ sệt như xưa”, được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!”; và trên hết, trong thân phận làm con Thiên Chúa, người Kitô hữu được quyền thừa kế, được đồng thừa kế với Đức Kitô, nghĩa là được “hưởng vinh quang với Người” sau khi “cùng chịu đau khổ với Người” (x. Rm 8,14-17).

Sau nữa, ở giai đoạn thứ hai, tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho các Kitô hữu được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,29), nghĩa là “sẽ nên giống như Người” khi Người xuất hiện vào ngày quang lâm (1Ga 3,2). Đó là ngày mà theo thánh Phaolô, “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ” (x. Rm 8,19), là ngày “sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư ảo, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (x. Rm 8,21), ngày “Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác” (x. Rm 8,23).

Như vậy, điều mà thế gian là những người không tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô, không muốn thừa nhận vì không thể hiểu thấu, lại là điều Thiên Chúa, do lòng thương hải hà, đã, đang và sẽ thực hiện cho con cái Người cho đến khi hoàn tất vào ngày quang lâm.

3. Bài Tin Mừng:

Mục tử Giêsu trong Tin mừng thứ tư là hình ảnh vị mục tử lý tưởng, hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước về những vị mục tử đẹp lòng Người (x. Gr 3,15; Ed 34,23-24). Đức Giêsu là “Mục tử nhân lành” với các phẩm chất như: “biết rõ từng con chiên”, “quy tụ các đàn chiên”, “tự ý hy sinh mạng sống và có quyền lấy lại”.

Trước hết, Mục tử Giêsu biết rõ từng con chiên trong đàn của mình. Theo lẽ thường thì sự tiếp xúc hằng ngày giữa mục tử và đàn chiên tạo nên mối tương quan gần gũi, hiểu biết lẫn nhau. Điểm khác biệt trong cái biết của Mục tử Giêsu là biết đàn chiên “như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha” (Ga 10,15a). Cái biết theo mẫu mực tương quan Cha-Con là cái biết của yêu thương, hết lòng chăm sóc và sẵn sàng trao ban tất cả vì lợi ích của từng con chiên. Cái biết như thế chỉ có thể gặp thấy nơi Mục tử Giêsu.

Hơn nữa, Mục tử Giêsu quy tụ các đàn chiên khác nữa. Người không chỉ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho đàn chiên của mình, những người đã đón nhận đức tin, mà còn mở rộng sự lưu tâm đến những đàn chiên khác, những người chưa tin, chưa thuộc đàn chiên của Người. Sự hy sinh tính mạng của Mục tử Giêsu có giá trị cho cả những đàn chiên khác mà lúc này vẫn chưa nhận ra tiếng Người. Mục đích tối hậu của Mục tử Giêsu là đưa những đàn chiên đó về với Người, để “chỉ có một đàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16).

Sau cùng, Mục tử Giêsu không chỉ bảo vệ, mà còn hy sinh cả mạng sống cho đàn chiên. Dù hình ảnh mục tử – đàn chiên rất phổ biến trong Cựu Ước, nhưng không có nơi nào trong Cựu Ước trình bày bất kỳ mục tử nào dám hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Thường thì các mục tử chăm sóc và bảo vệ đàn chiên là để phục vụ cho lợi ích của mình; sự an toàn và mạnh khoẻ của đàn chiên mang lại lợi ích cho mục tử. Còn Mục tử Giêsu chăm sóc và bảo vệ đàn chiên không vì lợi ích của bản thân mà vì lợi ích của chính đàn chiên, đến nỗi Người sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống mình cho đàn chiên. Đồng thời, sự hy sinh mạng sống của Mục tử Giêsu không có nghĩa là sự hư mất, nhưng là để có thể “lấy lại mạng sống”, nghĩa là phục sinh (x. Ga 10,17-18), để muôn đời Người vẫn là Mục tử, là Đấng Cứu độ duy nhất trao ban sự sống cho những ai muốn thuộc về đàn chiên của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ:

1/ Đoạn sách Công vụ tường thuật việc ông Phêrô, được đầy ơn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã trỗi dậy từ cõi chết. Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và nhờ danh của Người mà anh què được chữa lành. Giáo Hội qua mọi thời chỉ là chính mình khi không ngừng rao giảng về mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô. Và mọi Kitô hữu, được nhận lãnh ơn Thánh Thần qua Bí tích Rửa Tội, cũng được trao sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh như là Đấng Cứu độ duy nhất.

2/ Thư thứ nhất Gioan là bài ca tụng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu của Người làm thay đổi thân phận con người, trao cho họ phẩm giá cao quý là được làm con Thiên Chúa. Vì được làm con Thiên Chúa, ở đời này người Kitô hữu được giải thoát khỏi tội lỗi và đời sau được trao cho trọn quyền làm con, nghĩa là được hưởng tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa. Như vậy, dù đã được làm con Thiên Chúa, người Kitô hữu vẫn chưa thể hưởng nếm trọn vẹn vị thế làm con, khi vẫn còn sống trong trần gian này. Lời Chúa vẫn tiếp tục khích lệ người Kitô hữu tin tưởng, phó thác và trung thành cho đến khi Đức Kitô xuất hiện trong vinh quang của Người.

3/ Đức Giêsu hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước về những vị mục tử đẹp lòng Người (x. Gr 3,15; Ed 34,23-24). Người là Mục tử nhân lành, biết rõ và yêu thương từng con chiên, mong muốn quy tụ các đàn chiên thành một đàn chiên duy nhất và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Và hơn hết, Người sống lại để trở thành Mục tử muôn đời của những ai đặt niềm tin nơi Người. Gương mẫu của Mục tử Giêsu là lời mời gọi mỗi Kitô hữu trở nên những mục tử tốt đối với những người được trao phó cho mình. Sự gần gũi, yêu thương, cảm thông, chăm sóc, bảo vệ và sẵn sàng hy sinh cho nhau là sự nối dài tình thương của Mục tử Giêsu giữa đời này.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ hôm nay, cộng đoàn chúng ta cùng hướng lòng lên Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, để dâng lời tri ân cảm tạ và tha thiết nguyện xin:

1. “Chúa Giêsu đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn biết noi gương Chúa: tận tình quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của đoàn chiên, sẵn sàng trở nên như tấm bánh bẻ ra vì sự sống của mọi người.

2. “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này” (Ga 10,16a). Chúng ta cùng cầu xin cho những người ở khắp nơi trên thế giới chưa đón nhận đức tin chân thật, biết khát khao tìm kiếm chân lý và mở lòng cho tin mừng cứu độ, để họ cũng được thuộc về một đàn chiên duy nhất.

3. Chúa Giêsu nói: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10,27). Chúng ta cùng cầu xin cho có nhiều người trẻ nhận ra và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi, hiến thân trong đời sống tu trì và tích cực trở nên những thợ gặt lành nghề cho cánh đồng truyền giáo hôm nay.

4. Cổ vũ và khích lệ ơn gọi là trách nhiệm chung của các tín hữu. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tích cực đóng góp vào công cuộc đào tạo linh mục – tu sĩ, bằng lời cầu nguyện hằng ngày cùng với những nâng đỡ tinh thần lẫn vật chất.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, Chúa hằng yêu thương chăm sóc tất cả mọi người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để mỗi ngày chúng con trở nên xứng đáng thuộc về đàn chiên của Chúa hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ban MVPT TGP.