Chúa Nhật IV Phục Sinh B 2021: Sống dồi dào với Chúa Giêsu Phục Sinh
Trong Chúa Nhật IV Phục Sinh Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu sống lại: như là người mục tử tốt lành đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên để chúng được sống và sống dồi dào (x Ga 10,10-11). Đây cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu để có nhiều người bước theo Chúa Giêsu và làm cho sự sống trên trái đất này dồi dào, phong phú.
Chúa Nhật IV PS – A 2021
Sống dồi dào với Chúa Giêsu Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Trong Chúa Nhật IV Phục Sinh Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu sống lại: như là người mục tử tốt lành đã hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên để chúng được sống và sống dồi dào (x Ga 10,10-11). Đây cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu để có nhiều người bước theo Chúa Giêsu và làm cho sự sống trên trái đất này dồi dào, phong phú.
1. Sống là gì?
Dù sự sống đã có mặt trên trái đất này cách đây một tỉ năm, nhiều người vẫn chưa hiểu sống là gì. Người ta thường nghĩ theo giả thuyết tiến hoá của Darwin: sự sống ngẫu nhiên mà có chứ không bắt nguồn đâu cả.
Tìm trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, chúng ta không tìm được định nghĩa của từ “sống”[1]. Theo Từ điển Tiếng Việt, “sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết”[2] . Những lời giải thích này chỉ mô tả một số chức năng chung của các vật thể sống chứ không định nghĩa được sự sống.
Thật ra, sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng vì nó đang ở trong ta, trong muôn loài sống động quanh ta. Nó lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, phi lý và dễ dàng biến mất nếu người ta không tìm về được nguồn sống. Vì thế, sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng[3]. Hơn nữa, nếu không hiểu sự sống con người là gì, ta cũng không thể nào biết khát vọng sống của mình có thể vươn cao và bay xa đến đâu.
Qua sự sống, có thể nói muôn loài muôn vật đều liên kết và hiệp thông với nhau như các thành phần trong một thân thể nhiệm mầu.
Từng giây phút sống là ta nhận được khí Oxy từ những cây xanh toả ra, là ta ăn bát cơm, miếng thịt, cọng rau rút ra từ lòng đất nước. Vật chất cũng như nhiều loài thực vật, động vật trở thành máu xương của ta. Rồi khí Carbonic và cặn bã ta thải ra, qua sự chuyển hoá của vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho muôn loài sống động quanh ta. Trong đời sống vài chục năm, ta thở hàng triệu lít Oxy và uống hàng trăm ngàn lít nước, tất cả chúng đều chuyển hoá và hoà trộn vào muôn vật muôn loài.
Vì thế, chúng ta đều là anh chị em ruột thịt của nhau xét về phương diện khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh tôn giáo tâm linh. Nếu phân tích các gen trong nhiễm sắc thể, ta là con của người này hay anh chị em với người kia để đối xử với nhau theo huyết thống. Nhưng phân tích sâu xa hơn theo khía cạnh sự sống, ta là anh chị em ruột của mọi người và muôn loài trong vũ trụ này.
Vì thế, ta phải cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì trong thân thể mỗi người đang có những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên chúng ta là anh chị em ruột của nhau về mặt tâm linh. Đó cũng là ý nghĩa cần hiểu khi Giáo hội Công giáo luôn dùng từ “anh chị em ruột” để nói về những người thân của Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta[4], cũng như để chào nhau, nói với nhau trong thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em”.
2. Sống dồi dào như Đức Giêsu Kitô
2.1. Sự sống tinh thần
Con người chỉ được nâng lên một bậc sống mới nhờ “tinh thần” khi con người biết vượt qua chính mình, để đưa những suy tư và cảm xúc tự nhiên của mình vào một tầng cao mới, một thế giới mới: thế giới của tinh thần với các giá trị phi thường, siêu việt.
Nhờ khả năng biết suy tư, con người nhận ra có một sự sống tinh thần mà mình có thể tham dự. Sự sống này bao gồm những giá trị tích cực mà con người có thể cảm nhận được ngay trong đời sống bị coi là tạm bợ, phi lý của mình: đó là giá trị của tình yêu, tự do, niềm vui, hạnh phúc, hoà bình, cái đúng, cái tốt, cái đẹp…
Con người muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, tốt mãi, vui sướng trọn vẹn, hạnh phúc sung mãn, tự do hoàn toàn, quyền phép vô biên. Khát vọng này đưa con người vượt ra ngoài vũ trụ vật chất, đang bị lệ thuộc vào thời gian và không gian, để bước vào thế giới linh thiêng chỉ dành cho loài có tinh thần. Đó cũng là khát vọng trở thành thần linh, kết hợp với Thiên Chúa, mà tôn giáo gọi là “được giải thoát”, “cứu độ”, được “vào Thiên Đàng”, “vào Niết Bàn”, …
Trong suốt dòng lịch sử, con người đã thể hiện khát vọng kéo dài sự sống bằng cách tìm ăn các củ nhân sâm ngàn năm, tạo ra các mỹ phẩm để làm cho mình đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen để kéo dài tuổi thọ… nhưng con người vẫn già nua, xấu xí và chết. Thất vọng về các giải pháp vật chất, con người tìm đến tôn giáo vì hy vọng tìm ra các giải pháp tinh thần thoả mãn được khát vọng của mình. Quả thật, một số người đã tiếp xúc được với thần linh, đã tham dự vào đời sống tinh thần và chứng minh cho những người khác thực tại của đời sống này. Vì thế, 7 tỉ con người sống trên trái đất đang theo một tôn giáo nào đó. Đây chỉ là một dấu hiệu nhắc nhở ta quan tâm đến sự sống tinh thần.
Vì thế phải trân trọng tôn giáo vì đó là hình thái cao nhất của nền văn hoá sự sống. Tôn giáo sẽ giúp con người được tự do hoàn toàn và phát triển trọn vẹn khả năng tinh thần của mình. Lúc đó ta mới thật sự là người có thể xác và tinh thần, được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng là Cội Nguồn Sự Sống, với tinh thần luôn mở ra cho siêu việt và hướng tới vô biên[5].
2.2. Sự sống thần hoá của Đức Giêsu
Đức Giêsu không dài lời giải thích về sự sống bằng những ý niệm trừu tượng, nhưng Người dạy ta tôn trọng và bảo vệ sự sống toàn diện của muôn loài quanh ta vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa hằng sống.
Người mời gọi ta hãy nhìn xem vạn vật như hoa huệ ngoài đồng, những chú chim sẻ ríu rít quanh ta để nhận ra quyền năng và tình yêu của Cha Trên Trời đối với tất cả[6]. Người yêu cầu ta thu nhặt từng mẩu bánh nhỏ để không phí phạm vật chất cũng như để tiết kiệm, dành dụm cho những bữa sau này[7].
Người quý trọng sự sống thể lý của con người nên đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền[8]. Người cổ vũ sự sống tâm lý khi nhắc nhở con người giữ tinh thần cho trong sáng, quảng đại vì không phải những đồ ăn đưa vào bụng con người làm cho họ ra nhơ uế, nhưng những gì là tham lam, ghen tuông, giận dữ, dối trá… từ lòng con người xuất ra, mới làm cho họ bẩn thỉu, nhuốc nhơ [9]. Người đề cao sự sống tâm linh khi nhắc nhở con người “không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”[10]. Người chia sẻ sự sống của Thiên Chúa cho tất cả những ai tin vào Người[11].
Người xua đuổi ma quỷ vì đó là những thụ tạo gây hại cho đời sống con người “cả thể xác lẫn tinh thần” nên khi xua đuổi ma quỷ khỏi người tật bệnh, thì họ được mạnh khoẻ, an lành[12].
Người đã làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại như con trai bà goá thành Naim[13], con gái ông Giairô[14] và Lazarô[15] để chứng tỏ Người là chủ sự sống toàn diện, siêu việt, hoàn hảo: “Tôi là sự sống lại và là sự sống…”[16]. Người ban sự sống đó cho tất cả những ai tin vào Người: “Ai tin tôi sẽ được sống đời đời”[17].
Cuối cùng, chính Người đã chết và sống lại để chứng tỏ con người có thể tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Người đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, cùng ăn uống với họ để chứng tỏ Người đang sống và chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa cho họ. Thân thể phục sinh của Đức Giêsu có thể hiện ra ở trong căn phòng đóng kín cửa[18], ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào[19]. Đó là cuộc sáng tạo mới của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần Người ban cho các môn đệ.
2.3. Con đường thần hoá
Người còn cho các tông đồ được chia sẻ quyền năng của Người để làm các phép lạ minh chứng con đường sự sống kỳ diệu đó[20]: Phêrô chữa người què từ lúc mới sinh qua Bài đọc I hôm nay (x. Cv 4,8-12)[21] hoặc cho chị Tabitha sống lại[22]. Phaolô chữa lành người bại chân ở Lystra[23], trừ khử ma quỷ[24], cho cậu bé Euticô sống lại[25]. Điều này chứng tỏ con người đã được thần hoá chứ không phải là “những vị thần mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta”[26].
Khi gắn bó với Đấng Phục Sinh, Người sẽ cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Người, để chúng ta hiểu rằng Người đang hiện diện sống động bên ta, chia sẻ sự sống kỳ diệu cho ta để ta không còn lệ thuộc vào vật chất, vào không gian, thời gian và định luật của thể xác, để tâm hồn chúng ta mở rộng ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.
Như thế, con đường Giêsu dẫn loài người và vạn vật đến một điểm xa nhất và cũng cao nhất, đó là được thần hoá để chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Ước mơ được thần hoá của con người đã biến thành sự thật như Bài đọc II (x. 1Ga 3,1-2) diễn tả: “Chúng ta thật sự là con Thiên Chúa!”
Kết luận
Con đường sự sống của Đức Giêsu mở ra đến vô tận. Nó giúp ta từ nay nhìn ra muôn loài ẩn chứa một sự sống lạ lùng của Thiên Chúa để ta tôn trọng và yêu quý tất cả. Nó cũng giúp ta luôn sống trong niềm vui và hy vọng vì cánh cửa tử sinh chỉ còn là một bước ngắn ngủi phải qua để đi vào cuộc thần hoá diệu kỳ.
HKK
- x. Từ điển chỉ có 3 từ “sống ghép”, “sống bám cố định”, “sống lâu năm” (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tr.798). ↑
- x. Từ điển Tiếng Việt 2013, tr.1117. ↑
- x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài “Con đường sự sống”, tr.264-272. ↑
- x. Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21; Mc 6,3; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30; Ga 7,2.5; Cv 1,14; 1Cr 9,5; Gl 1,19 ↑
- x. TLHTXHCG, số 47, 130; Docat, câu 47, 52, 53, 56,57. ↑
- x. Mt 6,26-32. ↑
- x. Ga 6,12. ↑
- x. Mc 1,32-33; 3,10-12; 6,55-56; Mt 8,16; Lc 4,40… ↑
- x. Mt 14,10-20; Mc 7,14-23. ↑
- x. Mt 4,4. ↑
- x. Ga 1,4; 3,16; 3,36; 5,24.26; 6,47; 10,10; 11,25; 17,3… ↑
- x. Mc 1,21-28; 5,1-20; 7,24-30; 9,14-29; Mt 9,32-34; Lc 4,31-37
- x. Lc 7,11-17. ↑
- x. Mc 5,21-43. ↑
- x. Ga 11,1-44. ↑
- x. Ga 14,6. ↑
- x. Ga 11,25-26. ↑
- x. Ga 20,19. ↑
- x. Lc 24,13-25. ↑
- x. Mt 10,1-6; Mc 3,13-19; 6,7-13; Lc 9,6. ↑
- x. Cv 3,1-10. ↑
- x. Cv 9,36-42. ↑
- x. Cv 14,8-18. ↑
- x. Cv 19,11-20. ↑
- x. Cv 20,7-12. ↑
-
x. Cv 14,11. ↑