24/11/2024

Nghiên cứu mới: Xác suất nhiễm virus rất thấp sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Nghiên cứu mới: Xác suất nhiễm virus rất thấp sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Một nghiên cứu mới thực hiện ở Mỹ khẳng định với những người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, rủi ro nhiễm bệnh tuy có nhưng rất thấp. Kết luận này giúp chúng ta yên tâm hơn với sự bảo vệ của vắc xin.

 

Nghiên cứu mới: Xác suất nhiễm virus rất thấp sau khi tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Xác suất nhiễm virus rất thấp sau khi tiêm vắc xin COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Theo Đài CNN, nghiên cứu được thực hiện với 417 nhân viên đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19 (của Pfizer hoặc Moderna) làm việc tại Đại học Rockefeller, New York, Mỹ.

 

Kết quả được công bố trên tạp chí Y khoa New England ngày 21-4 cho thấy chỉ có hai người, tương đương 5% số người tham gia nhóm nghiên cứu, bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau tiêm.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy dường như chỉ các biến thể rất khác biệt với virus gốc mới “cứng đầu” vượt qua sự bảo vệ của vắc xin, làm hai người được tiêm nhiễm bệnh.

Một trong hai bệnh nhân bị nhiễm hai chủng đột biến gồm E484K, lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể B.1.351 xuất xứ từ Nam Phi và chủng đột biến D614G – nổi lên từ đầu dịch.

E484K đã được xác định có thể thoát khỏi một số kháng thể do vắc xin COVID-19 tạo ra. Với chủng đột biến D614G, đã có bằng chứng cho thấy nó có khả năng lây truyền nhanh hơn so với virus SARS-CoV-2 bình thường. Ngoài ra còn có bằng chứng dịch tễ học cho thấy 614G lây nhanh hơn virus không đột biến.

Bệnh nhân còn lại chỉ nhiễm chủng đột biến D614G.

Cả hai bệnh nhân đều là nữ. Một người 51 tuổi, khỏe mạnh, được tiêm mũi thứ hai vắc xin của Moderna ngày 19-2 thì 19 ngày sau có kết quả dương tính với virus và có xuất hiện triệu chứng.

Người còn lại 65 tuổi, cũng là một phụ nữ khỏe mạnh. Bà được tiêm mũi thứ hai với vắc xin của Pfizer ngày 9-2. Đến ngày 3-3, người bạn đời của bà, chưa được tiêm vắc xin, dương tính với COVID-19. Trong những ngày sau đó, bà xuất hiện triệu chứng và được xác nhận là dương tính với COVID-19 ngày 17-3.

Về hai ca nhiễm virus sau khi tiêm phòng trên, nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là những ví dụ thực tế về các trường hợp nhiễm virus sau tiêm và có triệu chứng lâm sàng. Nghiên cứu này không hạ thấp tầm quan trọng của chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân Mỹ. Ngược lại, nó giúp hỗ trợ những nỗ lực nhằm tăng cường hiệu quả của vắc xin (bằng cách tiêm bổ sung thêm một liều) để cung cấp khả năng bảo vệ mạnh hơn chống lại các biến thể”.

Các tác giả cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa về chủ đề này, với số lượng người tham gia đông hơn, đa dạng hơn, trên toàn nước Mỹ để xem liệu kết quả về các ca dương tính sau tiêm hoặc các biến thể có khả năng vượt qua sự bảo vệ của vắc xin có lặp lại hay không.

Cập nhật đến tuần qua của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết trong số hơn 84 triệu người đã được tiêm vắc xin đầy đủ trên toàn quốc, có chưa tới 6.000 trường hợp bị nhiễm virus sau tiêm.

HỒNG VÂN
TTO