23/12/2024

ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện – Bài 30: Lời cầu nguyện thành tiếng

Vì vậy, chúng ta không được coi thường việc cầu nguyện thành tiếng. Người ta dám nói rằng “À, kiểu này chỉ dành cho trẻ em, dành cho những người ngu dốt; Tôi tìm cách cầu nguyện trong tâm trí, suy niệm, khoảng trống bên trong để Thiên Chúa có thể đến với tôi… ” Xin làm ơn! Đừng sa vào thứ kiêu ngạo mà la rầy lối cầu nguyện thành tiếng.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thư viện Dinh Tông toà
Thứ Tư, 21 tháng 4 năm 2021

____________________________

Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 30: Lời cầu nguyện thành tiếng

Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa; và mọi tạo vật, theo một nghĩa nào đó, đều “đối thoại” với Thiên Chúa. Trong hữu thể nhân bản, lời cầu nguyện trở thành lời nói, lời khẩn cầu, thánh ca, thi thơ… Lời thần linh trở thành xác thịt, và trong xác thịt của mỗi con người, lời trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện.

Chúng ta tạo ra các lời, nhưng các lời cũng là mẹ của chúng ta, và ở một phạm vi nào đó, chúng lên khuôn chúng ta. Các lời của cầu nguyện đưa chúng ta an toàn băng qua thung lũng tối tăm, hướng chúng ta đến những đồng cỏ xanh tươi đầy nước, và giúp chúng ta có thể ăn mừng trước mắt kẻ thù, như Thánh Vịnh đã dạy chúng ta (x. Tv 23). Các lời được phát sinh từ tâm tư tình cảm, nhưng cũng có con đường ngược lại, qua đó các lời lên khuôn tình cảm. Kinh thánh dạy con người biết chắc chắn rằng mọi sự đều bước vào ánh sáng nhờ lời nói, không có gì là nhân bản mà bị loại trừ, kiểm duyệt. Trên hết, nỗi đau rất nguy hiểm nếu nó cứ bị dấu kín, bị khép kín bên trong chúng ta… Nỗi đau khép kín bên trong chúng ta, không thể phát biểu hoặc thoát hơi, có thể đầu độc linh hồn. Nó gây tử vong.

Đó là lý do tại sao Sách Thánh dạy chúng ta cầu nguyện, đôi khi bằng những từ ngữ táo bạo. Các tác giả thánh không muốn lừa dối chúng ta về con người nhân bản: họ biết rằng trái tim chúng ta cũng chứa chấp những tình cảm không xây dựng, thậm chí ghét bỏ. Không ai trong chúng ta sinh ra đã thánh thiện, và khi các cảm xúc tiêu cực này đến gõ cửa trái tim chúng ta, chúng ta phải có khả năng làm dịu chúng bằng cầu nguyện và lời Chúa. Chúng ta cũng tìm thấy những phát biểu rất khắc nghiệt chống lại kẻ thù trong các thánh vịnh – những phát biểu mà các bậc thầy linh đạo dạy chúng ta phải hiểu là nhắm vào ma quỷ và tội lỗi của chúng ta – nhưng chúng cũng là những lời nói về thực tại con người và kết cục cũng xuôi vào dòng sông Sách Thánh. Chúng ở đó để làm chứng cho chúng ta rằng, đứng trước bạo lực, nếu không có từ ngữ nào làm cho cảm xúc tiêu cực trở nên vô hại, truyền tải chúng theo cách mà chúng không gây tai hại, thì thế giới sẽ bị áp đảo.

Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là lời tụng thành tiếng. Môi luôn chuyển động trước tiên. Mặc dù tất cả chúng ta đều ý thức rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp lại các lời nói, tuy nhiên, cầu nguyện thành tiếng vẫn là điều chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Mặt khác, tình cảm, dù cao thượng đến đâu, cũng không luôn chắc chắn: chúng đến rồi đi, chúng rời bỏ chúng ta rồi quay trở lại. Không những thế, các ơn thánh của cầu nguyện cũng không thể đoán trước được: có lúc được an ủi rất nhiều, nhưng vào những ngày đen tối nhất, chúng dường như biến mất hoàn toàn. Lời cầu nguyện của trái tim là điều mầu nhiệm, và vào một số thời điểm nào đó, nó như không có. Thay vào đó, lời cầu nguyện trên môi được đọc thì thầm hoặc đọc thuộc lòng luôn luôn có thể tiếp cận được, và cũng cần thiết như lao động chân tay. Sách Giáo lý dạy chúng ta về điều này, và quả quyết rằng: “cầu nguyện thành tiếng là một yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Với các môn đệ, được lời cầu nguyện thầm lặng của Thầy mình lôi cuốn, Chúa Giêsu dạy một kinh cầu thành tiếng, đó là Kinh Lạy Cha” (số 2701). “Hãy dạy chúng con cách cầu nguyện”, các môn đệ xin Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu dạy họ một kinh cầu thành tiếng: Kinh Lạy Cha. Và mọi sự đều ở đó, trong kinh cầu đó…

Tất cả chúng ta nên có sự khiêm tốn của một số người cao niên, những vị, trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn nhạy bén, nên đã đọc thầm những lời cầu nguyện mà họ đã học khi còn nhỏ, lấp đầy lòng nhà thờ bằng những lời thì thầm. Lời cầu nguyện đó không làm xáo trộn sự im lặng, nhưng làm chứng cho sự trung thành của họ đối với bổn phận cầu nguyện, được thực hành suốt đời các vị không hề sai chạy. Những người thực hành kiểu cầu nguyện khiêm nhường này thường là những người cầu bầu tuyệt vời trong các giáo xứ: họ là những cây sồi từ năm này qua năm khác vươn cành tỏa bóng mát cho số lượng người đông đảo nhất. Chỉ có Thiên Chúa mới biết khi nào và mức nào trái tim của họ đã được kết hợp với những lời cầu nguyện được họ đọc thành tiếng: chắc chắn các vị này cũng đã phải đối diện với những đêm đen và những khoảnh khắc trống rỗng. Nhưng các vị luôn có thể trung thành với lời cầu nguyện thành tiếng của mình. Nó giống như chiếc mỏ neo: người ta có thể giữ chặt sợi dây và mãi trung thành, bất chấp điều gì xảy ra.

Tất cả chúng ta đều có điều gì đó để học hỏi từ sự kiên trì của người hành hương Nga, được đề cập trong một tác phẩm nổi tiếng về linh đạo, người đã học được nghệ thuật cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại cùng một lời khẩn cầu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, những kẻ tội lỗi!” (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2616; 2667). Ông chỉ lặp lại điều này: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, những kẻ tội lỗi!”. Nếu ơn thánh đến trong cuộc đời chúng ta, nếu một ngày nào đó lời cầu nguyện trở nên nồng nhiệt đến nỗi chúng ta tri nhận được sự hiện diện của Nước Trời ở đây giữa chúng ta, nếu tầm nhìn đó có thể được biến đổi cho đến khi nó trở thành giống như tầm nhìn của một đứa trẻ, thì đó là vì chúng ta đã kiên trì đọc thuộc lòng một câu cảm thán Kitô giáo đơn giản. Cuối cùng, nó trở thành một phần trong nhịp thở của chúng ta. Câu chuyện về người hành hương Nga thật đẹp: nó là một cuốn sách dễ đọc đối với mọi người. Tôi khuyên anh chị em nên đọc nó; nó sẽ giúp anh chị em hiểu thế nào là cầu nguyện thành tiếng.

Vì vậy, chúng ta không được coi thường việc cầu nguyện thành tiếng. Người ta dám nói rằng “À, kiểu này chỉ dành cho trẻ em, dành cho những người ngu dốt; Tôi tìm cách cầu nguyện trong tâm trí, suy niệm, khoảng trống bên trong để Thiên Chúa có thể đến với tôi… ” Xin làm ơn! Đừng sa vào thứ kiêu ngạo mà la rầy lối cầu nguyện thành tiếng. Đó là lời cầu nguyện của người đơn sơ, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy: Lạy Cha chúng con, là Đấng ngự trên trời… Các lời chúng ta đọc nắm lấy tay chúng ta; đôi khi chúng khôi phục được hương vị, chúng đánh thức ngay cả những trái tim mê ngủ nhất; chúng đánh thức dậy những tâm tình mà chúng ta đã lãng quên xưa nay. Và chúng cầm tay dẫn chúng ta hướng tới việc cảm nghiệm Thiên Chúa, những lời này… Và trên hết, chúng là những lời duy nhất, một cách chắc chắn, đạo đạt lên Thiên Chúa những câu hỏi mà Người muốn nghe. Chúa Giêsu đã không để chúng ta trong một màn sương mù. Người nói với chúng ta: “Hãy cầu nguyện như thế này”. Và Người dạy Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9).

Nguồn: http://vietcatholicnews.org

______________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong loạt bài giáo lý về cầu nguyện, giờ đây chúng ta xem xét tầm quan trọng của việc cầu nguyện thành tiếng. Trong cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, lần đầu tiên Ngài nói với chúng ta qua Lời của chính Ngài làm nên xác thịt. Thiên Chúa mời chúng ta lần lượt nói chuyện với Chúa bằng những từ thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm sâu sắc nhất của chúng ta. Lời nói không chỉ thể hiện ý tưởng của chúng ta, chúng còn định hình chúng ta và thường tiết lộ chúng ta với chính chúng ta. Trong những lời được soi dẫn của Sách Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy một kiểu mẫu của việc cầu nguyện thành tiếng. Tác giả Thánh Vịnh cho chúng ta những lời để mang đến cho Chúa những niềm vui, nỗi sợ hãi, hy vọng và nhu cầu của chúng ta và chia sẻ với Ngài mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Lời cầu nguyện của trái tim và lời cầu nguyện của môi miệng chúng ta không bao giờ có thể tách rời nhau. Như Sách Giáo Lý đã nói với chúng ta, “cầu nguyện bằng thành tiếng là một yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu” (số 2701). Qua lời cầu nguyện được nói hoặc đọc kinh, một mình hay chung, chúng ta tìm thấy những lời giúp chúng ta phát triển hàng ngày trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện lặng lẽ trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta, giống như không khí mà chúng ta hít thở. Khi các môn đồ yêu cầu Chúa Giê-su chỉ cho họ cách cầu nguyện, Ngài đã đáp lại bằng cách dạy họ, và chúng ta, những lời của Cha chúng ta.