25/12/2024

Hút cát đẩy nhanh sạt lở ĐBSCL: Cát đang cạn kiệt

Hút cát đẩy nhanh sạt lở ĐBSCL: Cát đang cạn kiệt

Nếu tiếp tục giữ nhịp khai thác như hiện nay, không chỉ vùng ĐBSCL nhanh chóng biến dạng mà nhiều tỉnh thành khác cùng thế hệ tương lai sẽ sớm phải đối mặt với thảm họa “đói” cát.
Khai thác cát trên sông Hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xói mòn, sạt lở tại ĐBSCL /// Ảnh: Đình Tuyển
Khai thác cát trên sông Hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xói mòn, sạt lở tại ĐBSCL ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Mạnh tỉnh nào, tỉnh nấy khai thác

Từ năm 2013, nhóm nghiên cứu gồm 3 nhà khoa học từ Pháp đã chỉ ra rằng trong suốt khoảng 2 thập kỷ qua, ở từng quốc gia dọc theo dòng sông, các công ty khai thác cát đã bắt đầu hút số lượng cát khổng lồ khỏi đáy sông.
Khoảng 50 triệu tấn cát bị khai thác ở ĐBSCL chỉ riêng trong năm 2011, ước đủ để phủ khắp Dever (TP lớn nhất của tiểu bang Colorado, Mỹ) với lượng cát dày khoảng 5 cm. Mặc dù các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo với tình trạng hiện nay, một nửa đồng bằng này sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này, thế nhưng việc khai thác cát, khoáng sản tại vùng ĐBSCL vẫn đang tiếp diễn và chưa có kế hoạch ngưng lại.

Kiểu quy hoạch cát cứ

Quy mô, tốc độ khai thác và khả năng bù tự nhiên thực tế chưa được đánh giá cụ thể cho từng khu vực, vì thế các quy hoạch đều phản ánh vấn đề hiểu biết tầm địa phương. Mặt khác, việc kiểm tra khai thác có đúng quy hoạch, khối lượng hay không là rất khó và dễ bị lợi ích chi phối. Thả 1 gàu xuống rồi kéo lên là có vài chục ngàn, làm sao mà người ta không kéo, có kéo thì ai kiểm soát? Do đó, cần phải có tổng chỉ huy, kiểu “1 cửa”. Kiểu quy hoạch địa phương hiện tại mang hơi hướng cát cứ, không phù hợp cho các vấn đề trải dài trên một không gian rộng hay thời gian dài như một dòng sông, một châu thổ, hay một vùng bờ biển.
TS Lê Xuân Thuyên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường đại học Cần Thơ, khẳng định cát xây dựng là nhu cầu thực sự cho xây dựng, san lấp, không thể cấm khai thác nhưng phải cân đối khoa học và kiểm soát một cách hợp lý. Thực tế, hiện nay chưa có quy hoạch khai thác cát mang tính tổng thể của toàn vùng ĐBSCL. Những mỏ cát, tài nguyên, đất đai giao cho tỉnh quản lý không có sự liên kết, không ai tính toán đến chuyện khai thác tài nguyên, mỏ cát của tỉnh này có ảnh hưởng tới tỉnh khác hay không. Những quyền lợi mang tính cục bộ chi phối, địa phương chỉ tính làm sao đem lại ngân sách cho tỉnh nhà mà không biết rằng đang gây hại cho chính mình và cả các tỉnh, thành khác nữa. Đó là bất cập của cả nước chứ không phải chỉ vùng ĐBSCL.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, trước hết cần lập tức đánh giá lại trữ lượng cát của toàn vùng ĐBSCL, khả năng bổ sung còn chừng nào, được phép khai thác ở mức độ nào… Nếu không còn nằm trong mức an toàn thì phải quyết ngưng khai thác. Quan trọng nhất, phải có bàn tay của Chính phủ làm “nhạc trưởng” điều phối, liên kết. Cần hình thành những hội đồng vùng đủ mạnh, không chỉ có đại diện tất cả các tỉnh, những nhà chính trị, kinh tế học mà phải có sự góp mặt của các nhà khoa học, những nhà môi trường, hoạch định chính sách để đánh giá, khuyến cáo, đưa ra các chính sách mang tính dài hạn, tổng thể.
Đồng tình, TS Lê Xuân Thuyên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) phân tích: Dòng sông chảy tự nhiên vốn hoạt động trong mối liên thông thượng – hạ nguồn, không bị quy định của quản lý hành chính. Hiện tại, mỗi địa phương đều có “quy hoạch” riêng nhưng đó là quy hoạch theo hiểu biết, nhận thức của địa phương mà thiếu cái nhìn tổng thể, theo kiểu thấy có cát hiện hữu thì cứ cho đào, không cần biết đó là cát mà dòng sông đã phải tích lũy hàng chục – hàng trăm năm mới có vỉa cát như ngày hôm nay.

Con người “khoét” nhanh, thiên nhiên bù không kịp

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, chuyên gia cao cấp Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), cho rằng có 2 giải pháp để vừa phục vụ nhu cầu xây dựng phát triển kinh tế, vừa bảo đảm tính bền vững môi trường.
Thứ nhất, ngành địa chất phải rà soát lại, đo đạc về mặt kỹ thuật, tính toán xem những khu vực nào còn trữ lượng cát lớn, có thể khai thác được mà không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, thậm chí giúp khơi thông dòng chảy, thì cho tiếp tục khai thác trong phạm vi nào đó. Còn lại, những khu vực xung yếu, đã có nhiều cảnh báo gây sạt lở thì tuyệt đối dừng, đừng tiếc mà tiếp tục, nguy cơ sạt lở sẽ kéo dài, lan rộng rất lớn.
Thứ hai, về lâu dài, bắt buộc phải có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo. Cụ thể, những hạng mục san lấp, thay vì dùng cát theo lối truyền thống, phải tận dụng tro xỉ, vật liệu phế thải của các nhà máy, xà bần… Trước tình trạng thiếu nguồn cát xây dựng tự nhiên, rất nhiều quốc gia, tùy theo lợi thế của mình đã dùng công nghệ làm cát từ một số loại như cát nhân tạo được nghiền, đập, phân loại từ đá granit, đá bazan, đá vôi… hoặc cát của những vùng lấn biển, nhiễm mặn…
“Công nghệ làm cát nhân tạo này không khó, quan trọng phải đầu tư công nghệ nghiêm túc và có chiến lược cấp quốc gia. Vấn đề này nằm trong kinh tế tuần hoàn, chất thải của ngành này thành sản phẩm của ngành khác. EU đã có kế hoạch hành động mô hình kinh tế tuần hoàn từ năm 2015. VN cũng đã áp dụng mô hình này trong làm cát nhân tạo, nhưng tỷ lệ thực hiện còn rất thấp. Các công trình xây dựng xanh vẫn chưa có suy nghĩ đặt ra yêu cầu sử dụng cát nhân tạo mà chỉ là cát khai thác tài nguyên. Thách thức lớn nhất cho VN là sự nhận thức đúng bản chất của kinh tế tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế. Chúng ta chưa có hành lang pháp lý, chưa có bộ tiêu chí nhận diện đánh giá để phát triển kinh tế tuần hoàn tại VN”, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh nói.
Bên cạnh việc bù đắp sự thiếu hụt cát bằng cát nhân tạo hoặc nhập từ nơi khác, PGS-TS Lê Anh Tuấn khuyến cáo phải có sự thay đổi trong quy hoạch kiến trúc công trình. Thay vì làm nhiều các công trình bằng bê tông, cần nhiều cát thì hiện đã có nhiều kết cấu công trình có thể giảm tối đa khối lượng bê tông như làm khung nhà bằng thép, dùng nhôm, kính làm vách thay vì tường… Đồng thời, thay vì dùng cát để san lấp, có thể làm những nhà trên cọc, bỏ tầng dưới đậu xe hoặc làm không gian trữ nước…
Kế tiếp, cần rà soát lại tất cả những công trình đang có trong quy hoạch tại ĐBSCL, công trình nào sử dụng cát nhiều quá thì loại bỏ, không phát triển. Đơn cử như một sân golf 18 chỗ tiêu thụ khoảng 1 triệu m3 cát, làm mất đất sản xuất nông nghiệp và sử dụng hóa chất nhiều. ĐBSCL không cần nhiều sân golf. Hay những công trình thủy lợi như làm đê, làm đập, cũng cần rà soát lại xem có cần thiết làm hay không, làm ở mức độ nào…
“Tất cả phải xây dựng đồng bộ trên chiến lược tổng thể. Để thiên nhiên hình thành một mỏ cát mất hơn 100 năm, nhưng chỉ trong vòng 2 – 3 năm khai thác, con người khoét hết, thiên nhiên không bù kịp, thế hệ sau lãnh đủ”, ông Tuấn cảnh báo.
HÀ MAI -NGUYÊN NGA
TNO