29/12/2024

Các dòng tu cam kết tiếp tục chăm sóc cho những người yếu đuối dễ bị tổn thương

Các dòng tu cam kết tiếp tục chăm sóc cho những người yếu đuối dễ bị tổn thương

Một nữ tu Dòng Thánh Camillo bên cạnh một bệnh nhân

Mặc dù phải đối mặt với sự tấn công của đại dịch Covid-19 cách đây một năm, trong hoàn cảnh thiếu trang thiết bị bảo hộ dẫn đến cái chết của nhiều nhân viên y tế cũng như những người được họ trợ giúp, nhưng các tu sĩ nam nữ sẽ tiếp tục thực hiện giới răn của Chúa là yêu thương và chăm sóc những người yếu nhất.

Trong tuyên bố chung hôm 25/3/2021, đánh dấu một năm đại dịch virus corona bùng phát, 45 bề trên tổng quyền các dòng nam và nữ dấn thân phục vụ trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ và nhà dưỡng lão và khuyết tật đã tái khẳng định sự dấn thân của họ, tiếp tục phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất khi đại dịch vẫn tiếp diễn.

Trong tuyên ngôn chung được đăng trên trang web của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền có trụ sở tại Roma, các tu sĩ lặp lại cam kết dấn thân và đưa ra lời kêu gọi hành động. Các vị viết: “Các bề trên tổng quyền của các dòng tu phục vụ những người yếu đuối nhất tạ ơn Chúa vì sự quảng đại của rất nhiều thành viên của họ trong việc dấn thân, cống hiến sức lực và thậm chí cả mạng sống của họ để chăm sóc cho những người bị ảnh hưởng bởi virus corona.”

Tuyên ngôn chung cũng nói rằng nhiều thành viên của các dòng tu bị nhiễm virus và qua đời, và đôi khi trong hoàn cảnh đơn độc nhưng luôn được đồng hành bởi tình cảm, lời cầu nguyện và sự gần gũi của các gia đình dòng tu của họ.

Một năm vừa an ủi vừa khó khăn

Trả lời phỏng vấn của báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý, Cha Carmine Arice, Bề trên Tổng quyền Dòng các Tu huynh Thánh Giuse Cottolengo nhận định rằng năm vừa qua là một năm vừa “an ủi vừa khó khăn”. An ủi bởi vì các tu sĩ nam nữ “cho thấy sức sống, sự quảng đại và khẩn trương trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của họ”. Cha Arice gọi các tu sĩ nam nữ qua đời vì virus corona khi đang phục vụ là “các vị tử đạo của lòng bác ái”. Cha cho biết các dòng tu đang lập danh sách tên của họ và ghi lại số tu sĩ đã chết trong năm qua khi đang trợ giúp các bệnh nhân nhiễm virus.

Năm vừa qua thật sự khó khăn nặng nề bởi vì trong số rất nhiều nạn nhân của virus corona có những người chăm sóc bệnh nhân, các nhân viên y tế, các bệnh nhân và những người hưu dưỡng. Theo Cha Arice, đại dịch xảy ra khi chúng ta không được chuẩn bị. Ban đầu khi virus corona mới lan truyền, nhiều nơi trên thế giới rất khó hoặc không thể tìm được các trang thiết bị y tế để bảo vệ các nhân viên cũng như bệnh nhân.

Mong muốn mọi người có được vắc-xin ngừa virus corona

Hiện nay, khi vắc-xin được ưu tiên cho các nhân viên y tế, những người sống trong các cơ sở hưu dưỡng và những người cao niên, số nhân viên y tế cũng như những người ở trong các nhà dưỡng lão chết vì Covid-19 đã giảm. Tuy nhiên, theo Cha Arice, khi các ca lây nhiễm gia tăng đột biến giữa những người sống chung như một gia đình, thì các ưu tiên tiêm vắc-xin cần được thay đổi theo thực tế.

Trong tuyên ngôn chung, các bề trên tổng quyền các dòng tu hy vọng rằng “mọi người dân trên hành tinh, ngay cả những người nghèo nhất, sẽ được tiếp cận với loại vắc-xin quan trọng này”. Các vị kêu gọi các tu sĩ nam nữ cổ võ sự dấn thân này trong dòng tu của họ và trong khu vực họ làm việc.

Đặt con người ở trung tâm các hoạt động phục vụ

Các dòng tu điều hành nhiều cơ sở chăm sóc cho người già hoặc người khuyết tật ký tuyên ngôn đã tái khẳng định “sự dấn thân của họ, tiếp tục đặt con người ở trung tâm của các dịch vụ được cung cấp và thúc đẩy cuộc sống với chất lượng tốt nhất có thể như mục đích cụ thể của các dòng tu của chúng tôi, tìm cách liên tục cải thiện chất lượng của các dịch vụ của chúng tôi”.

Các dòng tu sẽ tiếp tục ủng hộ và vận động để gia đình là nơi tốt nhất cho mọi người sống những giai đoạn cuối của cuộc đời. Tuyên ngôn của các bề trên tổng quyền viết: “Sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức dân cư và gia đình là có thể và mang lại kết quả tốt về chất lượng cuộc sống và tính liên tục của việc chăm sóc.”

Chứng tá và sự hiện diện của các nữ tu Dòng thánh Camillo giữa đại dịch

Trong số các dòng tu chăm sóc bệnh nhân có Dòng Thánh Camillo. Nhiều tu sĩ của dòng đã tận tâm phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân và những người đau khổ trong thời gian đại dịch. Đối với người đau bệnh, cảm giác vô dụng, bị bỏ rơi, suy thoái về thể lý, bị gạt ra ngoài lề, mất tự chủ, kết hợp với nỗi đau thể xác và sự khó chịu của căn bệnh tạo thành một thử thách nghiêm trọng. Do đó, việc chăm sóc người bệnh trở thành một khía cạnh cơ bản của lòng bác ái, đồng thời cũng là của sự đón nhận và lòng thương xót. Điều này càng rõ ràng hơn trong thời gian đại dịch.

Trong thời gian đại dịch, các nữ tu Dòng Thánh Camillo trên khắp thế giới là những người ở tuyến đầu trong các bệnh viện và các trạm xá. Chứng tá và sự hiện diện của họ nhắc chúng ta rằng những người đau yếu không chỉ là những người sống trong cảnh thiếu thốn, mà còn là những người cần Lời Chúa. Họ cần được cầu nguyện, cần hoạt động tông đồ, cần các hoạt động mục vụ và truyền giáo dành cho họ.

Sr. Lancy Ezhupara dòng thánh Camill, Giám đốc Hành chính của Bệnh viện Thánh Camillo ở Treviso, bệnh viện đã chọn hỗ trợ bệnh nhân Covid kể từ khi virus bắt đầu lây lan. Những ngày Lễ Phục Sinh vừa qua sơ đã mừng lễ ở trong bệnh viện, giúp đỡ và an ủi các bệnh nhân. Sơ chia sẻ: “Chúng tôi đã sống, và tiếp tục sống, những khoảng thời gian khủng khiếp. Một ngày nọ, một bệnh nhân đang vô cùng đau đớn đã gọi tôi đến, và bày tỏ mong muốn được chết. Không lâu sau đó, đôi chân của bệnh nhân này sẽ không còn cử động được nữa. Người bệnh hỏi tôi rằng tiếp tục sống như thế thì có ý nghĩa gì. Tôi lắng nghe ông và ở bên cạnh ông, cố gắng an ủi ông chỉ bằng sự hiện diện của tôi. Vài ngày trước ông ấy đã gọi cho tôi để cảm ơn. Ông đảm bảo với tôi rằng ông sẽ tiếp tục chiến đấu để vượt qua mọi trở ngại.”

Lời khấn thứ tư của các tu sĩ Camillo: trợ giúp người bệnh ngay cả khi sự sống bị đe doạ

Sr. Lancy giải thích về cử chỉ hiện diện của sơ bên cạnh người bệnh: “Sức mạnh của lời khấn thứ tư thúc đẩy chúng tôi phát triển một chiều kích cho phép người bệnh và những người chăm sóc họ, đối mặt với đau khổ một cách xứng đáng. Không phải là một mối quan hệ lạnh nhạt, mà là cuộc gặp gỡ giữa lòng tin của những người cầu xin hy vọng và lương tâm của những người được kêu gọi để chăm sóc. Ngay cả nơi không thể chữa lành, hy vọng vẫn nảy sinh. Và trên hết là lòng thương xót.”

Ngày 8 tháng 12 năm 1591, Thánh Camillo de Lellis và những người bạn đồng hành của ngài đã tuyên khấn trọng thể, với lời khấn thứ tư là trợ giúp người bệnh ngay cả khi tính mạng bị đe doạ. Bằng cách bổ sung lời khấn thứ tư vào lời khấn khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh, các tu sĩ Dòng Thánh Camillo đã bắt đầu sứ mệnh và các công việc bác ái của họ.

Bệnh viện: bục giảng loan báo Tin Mừng

Sr. Lancy chia sẻ tiếp: “Hằng ngày chúng tôi giúp đỡ những bệnh nhân không thể tiếp xúc với người thân. Chúng tôi là những người thân yêu chăm sóc các nhu cầu của họ. Chúng tôi còn làm hơn thế nữa trong những ngày lễ này. Ngày nay, các cơ sở trợ giúp của chúng tôi thậm chí còn trở thành một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của dòng đối với những người yếu đuối nhất và là một bục giảng để loan báo Tin Mừng. Thật vậy, các cơ sở bác ái được đặt trong lòng Giáo hội: nơi đây Tin Mừng về lòng bác ái được loan báo và làm chứng; ở đây có thể thấy rằng chúng ta không thể yêu mến Chúa Kitô, Đấng mà chúng ta không thấy, nếu không yêu thương các anh chị em, những người mà chúng ta thấy, đặc biệt là những người cần nhất.”

Cầu nguyện là việc không thể thiếu trong việc chữa trị cho bệnh nhân

Phục vụ các bệnh nhân, những anh chị em đau khổ và nghèo khó theo gương người Samaria nhân lành, nhưng điều không thể thiếu đối với các tu sĩ Camillo đó là cầu nguyện và chiêm niệm. Đây là trực giác của Thánh Camillo và tiếp theo là của các đấng sáng lập: Thánh Giuseppina Vannini và Chân phước Lm. Luigi Tezza, và nó vẫn là một điều luật có giá trị cho mỗi người thánh hiến. Các nữ tu Dòng Thánh Camillo cho thấy mỗi ngày qua kinh nghiệm trực tiếp và hàng ngày của họ: cách tiếp cận với người bệnh phải mang tính “toàn diện”; toàn bộ con người phải được giúp chữa lành bằng sự hoà hợp của các phương pháp, trong đó không loại trừ sự đóng góp không thể thiếu của lời cầu nguyện.

Hồng Thuỷ