Chính quyền Nga trả lại một nhà thờ cho Công giáo
Sau 25 năm chờ đợi, hôm 15/3/2021, chính quyền Nga đã chính thức trả lại nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ở Novgorod, miền tây nước Nga, cho các tín hữu Công giáo.
Đức cha Nikolaj Dubinin, Giám mục Phụ tá của Tổng Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở thủ đô Mátxcơva đã cử hành Thánh lễ trọng thể đầu tiên trong nhà thờ mới được trả lại cho Giáo hội Công giáo.
Lịch sử nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Novgorod
Nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô được các tín hữu Công giáo Ba Lan bị lưu đày đến Novgorod xây dựng vào năm 1893. Vào năm 1933, nhà thờ bị các thành viên đảng Bônsêvích phá huỷ và biến nó thành rạp chiếu phim Rodina. Sau khi cộng sản Liên Xô bị sụp đổ vào năm 1991, các tín hữu Công giáo địa phương bắt đầu sử dụng một vài phần của nhà thờ cũ để cử hành Thánh lễ.
Giữa các năm 2009 và 2010, các tín hữu Công giáo đã thế chấp quỹ liên bang để trùng tu các tháp của nhà thờ. Sau đó, họ đã thành công trong việc thúc đẩy công nhận “giá trị liên bang” của tòa nhà. Cuối cùng, họ đưa ra một số yêu cầu sử dụng lại nhà thờ.
Cộng đoàn Công giáo ở Novgorod
Trong khi số tín hữu Công giáo được cho là chỉ chiếm 0,5% trong tổng số 144 triệu dân của Nga, người Công giáo ở Novgorod đã hiện diện từ hàng thế kỷ.
Theo dữ liệu lịch sử, ngay từ thế kỷ XII, tại Novgorod đã có một nhà thờ dâng kính Thánh Olaf dành cho các thương gia vùng Baltic và Scandinavia, và một nhà thờ khác kính Thánh Phêrô, dành cho cộng đoàn nói tiếng Đức.
Cộng đoàn Công giáo của thành phố đã bị phân tán vào thế kỷ XV, được tái thiết vào thế kỷ XIX và một lần nữa bị phân tán vào thế kỷ XX dưới thời cộng sản.
Những lo ngại của Giáo hội
Hiện nay, Giáo hội Công giáo ở Nga không chỉ quan tâm đến việc hoàn trả các tài sản mà còn đến luật mới mà các nhà phê bình cho rằng hạn chế quyền tự do tôn giáo đối với các tôn giáo thiểu số. Ngày 24/3, Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga, đã thông qua các sửa đổi đối với luật tự do lương tâm và các hiệp hội tôn giáo được ban hành năm 1997.
Luật yêu cầu các giáo sĩ nước ngoài phải “được chứng nhận lại bởi một tổ chức tôn giáo của Nga”, trong khi những người đã ở trong nước được miễn. Trong số các điều khoản khác, luật cũng bắt buộc các nhà thờ phải nộp danh sách thành viên hằng năm cho Bộ Tư pháp. (CNA 09/12/2021)